Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Ẩm thực chay, nét văn hóa đặc sắc của người Việt

Chủ Nhật 27/03/2022 | 19:00 GMT+7

VHO- Kho tàng ẩm thực của nước ta từ Bắc chí Nam có vô vàn món ăn, cách ăn khác nhau, song có lẽ ẩm thực chay luôn chứa đựng những điều đặc biệt nhất. Bên cạnh những món chay truyền thống, bằng sự tài hoa của mình, những đầu bếp Việt đã không ngừng sáng tạo những món chay mới, mang hương vị độc đáo, phù hợp với thị hiếu của thực khách.

Trong dòng chảy của sự phát triển văn hóa ẩm thực ấy, chiều 27.3 tại chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam), Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) đã tổ chức: Ngày hội ẩm thực chay với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực nổi tiếng. Đây là hoạt động nằm trong Hành trình khảo sát xây dựng di sản văn hóa ẩm thực tiêu biểu 5 tỉnh phía Bắc, thuộc Dự án 100 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam (giai đoạn 2022 – 2024).

Ngày hội ẩm thực chay được tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực nổi tiếng trong nước đã trở thành điểm hẹn của đông đảo du khách muốn khám phá văn hóa Việt Nam và nền ẩm thực độc đáo của Việt Nam.

Sự kiện diễn ra với sự tham dự của Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó trụ trì chùa Bái Đính; Ông Lã Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA), Bà Lê Thị Thiết, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực tỉnh Nam Định; Chuyên gia ẩm thực Nguyễn Hồ Tiếu Anh; Nghệ nhân ẩm thực Tày, Nùng Lý Thị Chiên; Chuyên gia ẩm thực Phạm Văn Nghĩa; Nghệ nhân văn hóa ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh, hơn 30 nghệ nhân ẩm thực đến từ 3 miền Bắc, Trung, Nam cùng nhiều du khách.

Ăn chay ngày nay đã trở thành một nét văn hóa đẹp trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Những bữa cơm chay đã xuất hiện ngày một nhiều trong những bữa cơm gia đình Việt. Tìm đến những bữa ăn chay giờ đây đã không chỉ là thưởng thức những món ăn đặc biệt, những món ăn thanh đạm mà còn là sự trải nghiệm, là để lắng nghe những câu chuyện về phật, về nhân quả... Đó là những điều mà có lẽ không có nét văn hóa ẩm thực nào làm được ngoài ẩm thực chay.

Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó trụ trì chùa Bái Đính nhấn mạnh: Ăn chay là thể hiện lòng từ của mình với muôn loài. Ăn chay cũng là cách để bảo vệ, giữ gìn sức khỏe khi ngày càng có nhiều bệnh tật đeo bám, tránh xa những thực phẩm độc hại, những loại thịt cá không đảm bảo cho sức khoẻ của bản thân và của người thân. Và đây cũng là một yếu tố góp phần để bảo vệ môi trường, bảo vệ những loài sinh vật đang dần bị mai một bởi vì chính con người.

Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực tỉnh Nam Định Lê Thị Thiết thông tin, Ngày hội ẩm thực chay được tổ chức trong Hành trình khảo sát xây dựng di sản văn hóa ẩm thực tiêu biểu 5 tỉnh phía Bắc, thuộc Dự án 100 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam (giai đoạn 2022 – 2024) là cơ hội để quảng bá những nét đặc sắc về văn hóa ẩm thực của Việt Nam đến cộng đồng trong nước cũng như bạn bè thế giới. Bởi lẽ, ẩm thực là một trong những chìa khóa phát triển du lịch đồng thời lan tỏa niềm tự hào về các giá trị tinh hoa của dân tộc.

Theo nghiên cứu của nhiều học giả, văn hóa ẩm thực Việt vừa mang giá trị vật chất phong phú lại vừa mang giá trị tinh thần to lớn. Từ phong cách ẩm thực của mỗi vùng, miền có thể tìm lấy những dấu ấn lịch sử, văn hóa, nét phong tục tập quán ẩn dấu trong mỗi món ăn, mỗi cách chế biến...

Giới thiệu với du khách về món xôi ngũ sắc của đồng bào dân tộc Tày tại tỉnh Thái Nguyên, Nghệ nhân Lý Thị Chiên tự hào: Xôi ngũ sắc (còn gọi là cơm đen cơm đỏ) là món ăn quan trọng không thể thiếu của đồng bào dân tộc Tày trong dịp lễ, Tết. Xôi có 5 màu sắc chính là trắng, đỏ, xanh, tím, vàng. Món ăn thơm ngon, người lao động sáng tạo trong cách sử dụng nguyên liệu tự nhiên, có sẵn tại địa phương để tạo màu. Mỗi màu sắc có ý nghĩa riêng, tượng trưng cho ước mơ về hạnh phúc, khát vọng ngàn đời no đủ, mong ước mưa thuận gió hòa để mùa màng tốt tươi. Màu đỏ là biểu tượng của lửa, của sự no ấm nhiệt huyết; màu vàng đại diện cho cây lúa, loại hoa màu, ngũ cốc, màu tím đại diện cho đất đai trù phú; màu trắng mang ý nghĩa tình yêu thủy chung, son sắt; màu xanh lam gắn với áo trang phục truyền thống của người Tày.

Chuyên gia ẩm thực Phạm Văn Nghĩa bày tỏ: Chúng ta đều biết nguyên liệu chế biến món ăn chay là các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như hoa quả, rau xanh, các loại đậu, sữa; các loại mầm rau, cà rốt, gạo, các loại hạt, hoa quả khô, vừng mè… Các loại thực phẩm này hoàn toàn có thể cung cấp đủ lượng vitamin, protein, chất béo và các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể lại nhiều chất xơ nên rất dễ tiêu do đó nhìn từ góc độ dinh dưỡng, ẩm thực chay rất có lợi cho sức khỏe.

"Nếu tâm không tịnh, lòng không thành thì ăn chay mãi cũng vô nghĩa", đó là chia sẻ của Nghệ nhân Hồ Đắc Thiếu Anh. Bà cho biết, chưa bàn đến chuyện ăn mặn hay ăn chay, khi nói về ẩm thực Huế thì yếu tố đầu tiên mang tính quyết định sự thành công của món ăn chính là cách trình bày. Vậy mới có câu “người Huế ăn bằng mắt” trước khi thưởng thức hương vị. Món chay ở Huế rất phong phú và đa dạng và nét đặc trưng nhất là mỗi món ăn đều đòi hỏi sự tỉ mẩn từ khâu chọn nguyên liệu, chế biến cho tới bài trí. Người Huế coi nấu ăn như đang tạo ra một tác phẩm nghệ thuật, dù đó là món ăn dân dã hay quý phái.

Sự góp mặt của hơn 30 nghệ nhân ẩm thực đến từ 3 miền trên cả nước trong Ngày hội đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng du khách. 

Hương vị của ẩm thực chay được đánh giá cao bởi sự thơm ngon và đặc biệt tinh tế. Cái “ngon” ở đây không chỉ đến từ cách thức chế biến, từ nguyên vật liệu mà có thể coi là sự tổng hòa của nhiều yếu tố: lòng biết ơn với mẹ thiên nhiên, sự sáng tạo, tình yêu và đam mê của người đầu bếp, ngon từ hương vị tự nhiên và hơn hết chính là tâm thế thoải mái, an yên tận hưởng món ăn của người thưởng thức.

Hành trình khảo sát xây dựng di sản văn hóa ẩm thực tiêu biểu 5 tỉnh, thành phố phía Bắc diễn ra từ ngày 25 đến 31.3 tại địa bàn các tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Thái Nguyên, Phú Thọ và Thủ đô Hà Nội, gồm các hoạt động: Khảo sát, trải nghiệm món ăn tiêu biểu thuộc 5 tỉnh, thành phố; Giao lưu, tìm hiểu lịch sử văn hóa ẩm thực, phương thức chế biến cùng nghệ nhân các địa phương, quảng diễn một số món ăn…

Bài, ảnh: VŨ MỪNG

 

 

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top