Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Hành vi chèo kéo du khách chỉ xảy ra ở vài nơi nhất định

Thứ Bảy 03/11/2018 | 21:26 GMT+7

VHO- Ngày 3.11, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì. 
 

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến tình trạng chèo kéo du khách khu vực hồ Hoàn Kiếm và giải pháp của Chính phủ để thời gian tới không tái diễn tại các địa điểm du lịch, Bộ trưởng Mai tiến dũng nhấn mạnh đây là hiện tượng chỉ xảy ra ở một số nơi nhất định.
Làm sao để khách quốc tế đến Việt Nam và quay trở lại
Theo Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ, trong 10 tháng qua, ngành du lịch đã đón tiếp 12,8 triệu lượt khách du lịch đến Việt Nam (tăng 22,4%), riêng  tháng 10 đạt 1,205 triệu lượt khách, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2017. “Bộ VHTTDL cùng các bộ, ngành, địa phương rất quyết tâm xây dựng kinh tế mũi nhọn là du lịch. Năm ngoái, chúng ta tiếp đón 13 triệu lượt khách du lịch đến Việt Nam, năm nay ngành du lịch đặt mục tiêu tiếp đón 15 triệu lượt khách”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

 

Người phát ngôn Chính phủ cho rằng, vấn đề hiện nay là chúng ta phải đảm bảo chất lượng du lịch, trong đó có hạ tầng du lịch và sản phẩm du lịch, đặc biệt là liên quan đến vấn đề làm sao để khách quốc tế đến Việt Nam và sẽ quay trở lại Việt Nam. Liên quan đến hiện tượng chèo kéo du khách thì chỉ xảy ra tại một vài điểm nhất định. Khi nhận thông tin này, Bộ VHTTDL cùng TP Hà Nội chỉ đạo làm sao để không có hành vi chèo kéo, làm sao để du khách tự nguyện mua bán, tham quan, và quan trọng nhất là chúng ta phải đảm bảo an toàn cho du khách, không để xảy ra tình trạng “chặt chém”, giật đồ, ép giá… “Chúng  tôi sẽ trao đổi lại với TP. Hà Nội để tăng cường quản lý chặt chẽ hơn, tránh hiện tượng  chèo kéo khách du lịch”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.
Liên quan đến cấp phép bay cho Hãng hàng không Bamboo Airways, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng đây là sự cạnh tranh sẽ mang dịch vụ cho khách hàng tốt hơn. Sau khi FLC có đề xuất thành lập Hãng hàng không, Bộ GTVT đã trình Chính phủ xin chủ trương và Chính phủ đã đồng ý thành lập Hãng hàng không.
Còn việc cấp phép bay, ngày 17.8.2018, Bamboo Airway có đề xuất và Bộ GTVT cũng đề xuất lên Chính phủ đề nghị cấp phép bay. Theo Luật Hàng không trước đây, việc cấp phép bay này phải có ý kiến của các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên theo quy định mới thì việc đề xuất cấp phép bay do cơ quan thẩm định là Cục Hàng không của Bộ GTVT thẩm định và dựa trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, đây là vấn đề quan trọng liên quan đến toàn bộ các điều kiện như an ninh, an toàn, hạ tầng… nên Văn phòng Chính phủ rất thận trọng lấy ý kiến của các bộ, ngành trên cơ sở đề xuất thẩm định của Bộ GTVT. Có nhiều ý kiến khác nhau, VPCP đã tổng hợp báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT trả lời, làm rõ các vấn đề. Hiện nay, VPCP đang tổng hợp để trình Thủ tướng Chính phủ tại một phiên họp gần nhất.

Đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS: Chờ sửa đổi Luật Giáo dục
Trả lời câu hỏi của báo chí về đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS của TP HCM, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 18.10, Thủ tướng Chính phủ nhận được văn bản của UBND TP HCM và ngày 29.10, có văn bản đề xuất của Thành ủy TPHCM liên quan đến đề xuất miễn học phí cấp trung học cơ sở đối với học sinh các trường công lập trên địa bàn TP. Tuy nhiên, Luật Giáo dục quy định chỉ miễn học phí đối với cấp Tiểu học, và đưa ra mức khung học phí cho học sinh THCS từ 60.000 - 300.000 đồng/học sinh/tháng. 
Trên cơ sở khung đó, hiện nay ở TP HCM, khu vực thành thị đang có mức thu 100.000 đồng, khu vực nông thôn đang thu 85.000 đồng, như vậy vẫn nằm trong mức thu trung bình. Đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS của TP đã thể hiện sự quan tâm đến công tác giáo dục, đặc biệt là đối với cấp THCS. Nhưng hiện nay Bộ GD& ĐT đang đề xuất Quốc hội sửa Luật Giáo dục, trong đó có điều, khoản liên quan đến vấn đề học phí. Vì vậy Thủ tướng cũng cân nhắc để TP HCM chờ, lui lại cho tới khi có Luật Giáo dục sửa đổi.
Về đổi mới kỳ thi THPT quốc gia, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh đây là thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Liên quan đến kỳ thi, Thủ tướng đã kết luận là yêu cầu thực hiện đúng Nghị quyết số 29 của Trung ương ban hành ngày 4.11.2013, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
“Còn vấn đề sách giáo khoa, trong Nghị quyết số 51 của Quốc hội ban hành ngày 21.11.2017 nêu rõ lộ trình năm 2020-2021 bắt đầu thực hiện đổi sách giáo khoa tiểu học, chậm nhất là năm 2021 với lớp đầu cấp tiểu học; năm 2021-2022 với lớp đầu của THCS; năm 2022-2023 lớp đầu của THPT. Tinh thần Thủ tướng kết luận là yêu cầu Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng không kết luận phải làm trước hay làm sau, tránh đùn đẩy đưa ra trình Chính phủ.
Ngoài ra, trong buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành cũng dành thời gian trả lời các câu hỏi của báo chí liên quan đến chất lượng, quản lý, trách nhiệm cá nhân trong dự án Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Luật An ninh mạng…

Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã thông tin về nội dung Phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra trước đó, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đều thống nhất với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việc Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm là dịp để Chính phủ và từng thành viên nghiêm túc đánh giá, nhìn nhận lại mình, lắng nghe các ý kiến, tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại; phát huy kết quả đạt được, chỉ đạo khẩn trương giải quyết những vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội chất vấn, đồng bào, cử tri cả nước quan tâm.
Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng tiếp tục phát triển tích cực, nổi bật là: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ; CPI tháng 10.2018 chỉ tăng 0,33% so với tháng trước. CPI bình quân 10 tháng năm 2018 tăng 3,6% (trong mức kiểm soát). Tổng đầu tư nước ngoài FDI, số doanh nghiệp thành lập mới, sản xuất, kim ngạch xuất khẩu đều tăng…
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn khó khăn, thách thức, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không lơ là, chủ quan với thành tích đạt được vừa qua; kiên định với các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; có đối sách phù hợp, kịp thời không để bị động, bất ngờ.

Quỳnh Hoa

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top