Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Quảng Nam:​​​​​​​ Hơn 15 nghìn người dân mỏi mòn chờ cầu mới

Thứ Sáu 16/11/2018 | 10:04 GMT+7

VHO-  Hơn một năm từ ngày bị mưa lũ làm lún hơn nửa mét, dù đã có rất nhiều phương án được đưa ra nhưng đến giờ việc xây mới cầu Hà Tân vẫn còn “giậm chân” tại chỗ.

 Cầu Hà Tân bị sụt lún sau trận mưa bão hồi tháng 10.2017

Trong khi đó, đây là cây cầu lưu thông huyết mạch của hơn 15 nghìn người dân ở các xã vùng đông huyện Duy Xuyên, kết nối giao thông xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên) với xã Cẩm Kim (TP Hội An, Quảng Nam).

Mùa mưa bão lại cận kề, cây cầu đã hư hỏng nặng càng thêm nguy cơ có thể đổ gãy bất cứ lúc nào. Còn người dân, dù đã có lệnh cấm, nhưng vẫn cứ đánh liều qua lại cây cầu này vì nhiều lý do…

Tạm cấm qua lại cầu sụt lún

Cầu Hà Tân đã được xây dựng hơn 20 năm trước. Tháng 10.2017, mưa bão làm cầu bị hư hỏng nặng. Tại vị trí trụ cầu số 9 bị lún khoảng 50-70cm; vị trí trụ cầu số 13 bị lún khoảng 25cm, cầu có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Ngay khi sự cố xảy ra, chính quyền huyện Duy Xuyên đã cấm các phương tiện ô tô, xe máy, xe thô sơ và người đi bộ lưu thông qua cầu. Đồng thời cấm các loại phương tiện thủy qua lại bên dưới từ vị trí nhịp số 5 đến nhịp số 16. Bố trí lực lượng túc trực tại hai đầu cầu để kiểm soát, cảnh giới, hướng dẫn phân luồng giao thông; lắp đặt barie và biển báo cấm phương tiện ô tô qua cầu.

Xã Duy Vinh tổ chức gác chắn bằng barie, rọ đá, chèn lưới B40 và hàn bằng sắt, tổ chức lực lượng để trực 24/24 giờ đảm bảo ATGT, không cho người và phương tiện lưu thông trên cầu Hà Tân. Xã đã thuê thuyền để đưa dân qua sông. Tuy nhiên, nhu cầu và lượng người cần qua lại sông quá nhiều, chi phí quá lớn nên chính quyền xã không kham nổi, chỉ tổ chức được vài lần.

Tháng 3.2018, xã Duy Vinh đã đầu tư gần 500 triệu đồng làm cây cầu tạm bằng gỗ cách cầu Hà Tân khoảng 300m để người dân lưu thông. Đồng thời, để đảm bảo an toàn, UBND huyện Duy Xuyên đã đổ bê tông chặn hai đầu cầu Hà Tân, không cho người qua lại cây cầu hỏng. Tuy nhiên, cầu gỗ tạm này hạn chế tải trọng, chỉ dùng được trong mùa nắng. Mùa mưa bão đến, nước sông lên nhanh, cầu tạm cũng có nguy cơ bị cuốn trôi bất cứ lúc nào.

Đáng lo ngại, vì nhiều lý do như vòng qua cầu gỗ bất tiện, cầu gỗ ọp ẹp khó đi… nên nhiều người dân bất chấp nguy hiểm để qua lại cầu Hà Tân. Nhiều người cố tình đẩy rọ đá dồn ra hai bên, phá vỡ lưới B40 để qua lại. Còn các em học sinh vẫn đánh liều “vác” xe qua khối bê tông dùng để chặn ở đầu cầu Hà Tân để đến trường cho tiện vì không muốn đi vòng qua cây cầu gỗ mất thời gian.

 Vác xe qua vách chặn đầu cầu Hà Tân để khỏi đi cầu gỗ

Ông Trần Văn Sành, Phó Chủ tịch xã Duy Vinh, cho biết, bản thân cây cầu gỗ tạm dựng lên cũng đang quá tải do hàng ngàn lượt người dân ở các xã vùng đông Duy Xuyên qua Hội An làm ăn, buôn bán, học sinh qua lại để đến trường. Đặc biệt, nếu mưa lũ đến thì nước sông sẽ dâng cao, cây cầu gỗ sẽ không trụ nổi. Biết là nguy hiểm, nhưng người dân đánh liều qua lại cây cầu gỗ khá ọp ẹp. Có người thì ngại đi vòng nên liều lĩnh đi qua cây cầu cũ.

“Biết là nguy hiểm nhưng đành phải liều, người dân chỉ mong xong cây cầu để yên tâm đi lại làm ăn đảm bảo an toàn trong khi mùa mưa gió sắp về”, bà Nguyễn Thị Lang, một người dân ở xã Duy Vinh cho biết.

“Nín thở” qua cầu gỗ tạm chờ xây cầu mới

Lý do đến nay vẫn chưa tiến hành xây mới lại cầu, ông Nguyễn Tấn Sáu, Chủ tịch xã Duy Vinh cho biết, tỉnh đã đồng ý phương án làm cầu mới, nhưng do tiếp tục có sự thay đổi thiết kế, điều chỉnh nguồn vốn nên đến nay vẫn chưa tiến hành được vì phải chờ trình HĐND tỉnh tại kỳ họp HĐND tỉnh vào tháng 12 tới.

Sau khi xảy ra sự cố, qua khảo sát hiện trạng thực tế, đơn vị tư vấn cũng đưa ra 2 phương án là thiết kế sửa chữa hạ bộ cầu cũ hoặc xây dựng lại cầu mới. Tỉnh cũng đồng ý phương án làm cầu Hà Tân mới ở ngay vị trí cầu cũ xây dựng với quy mô vĩnh cửu, theo hướng mở rộng 7 mét,... Tuy nhiên, qua khảo sát thì Sở GTVT và huyện tiếp tục đề xuất thay đổi lại thiết kế theo hướng đáp ứng thông thuyền để tàu thuyền du lịch, tàu đánh cá công suất lớn có thể ra vào trú tránh bão dễ dàng, phù hợp với định hướng phát triển của địa phương. Đồng thời phù hợp với cao độ khu dân cư đang sinh sống hai bên đầu cầu, đảm bảo phát huy hiệu quả sử dụng lâu dài.

Đến nay, UBND tỉnh cũng thống nhất đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy mô xây dựng cầu Hà Tân khổ thông thuyền cấp V, bề rộng cầu 8m với tổng mức đầu tư lên khoảng 75 tỉ đồng. Huyện đã trình thủ tục, hồ sơ và chờ tỉnh phê duyệt nên đến nay vẫn chưa tiến hành được. Dự kiến, nếu thủ tục thuận lợi sẽ khởi công xây dựng mới cầu vào tháng 1.2019.

Ông Sáu cho biết xã cũng đề xuất với huyện về việc tháo dỡ cây cầu gỗ tạm cách cầu Hà Tân khoảng 300m mà xã dựng tạm để lưu thông vào tháng 3.2018 vì đã quá cũ. Trước đây dự tính để đến mùa mưa lũ sẽ tháo dỡ, nhưng nay cây cầu tạm này đã quá tải, hết thời hạn, không thể lưu thông nữa vì không đảm bảo an toàn. Trước mắt xã tiến hành lát ván mặt cầu gỗ băng qua nhịp cầu Hà Tân bị lún cho người dân lưu thông tạm trong khi chờ đợi phương án xây mới cầu được phê duyệt và triển khai. 

Khánh Chi

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top