Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Về bảo vật quốc gia “Vườn xuân Trung Nam Bắc”, hoạ sĩ Vi Kiến Thành: Khó có thể phục hồi nguyên trạng

Thứ Sáu 26/04/2019 | 10:14 GMT+7

VHO- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, ngày 27.4, họa sĩ, Cục trưởng Cục MTNATL Vi Kiến Thành sẽ dẫn đầu đoàn kiểm tra của Bộ VHTTDL tới Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh kiểm tra thực tế công tác bảo quản bảo vật quốc gia bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí.

Trao đổi với Báo Văn Hóa, họa sĩ Vi Kiến Thành cho biết, thực tế bức tranh bị hỏng hóc đến đâu chỉ có thể đánh giá sau khi tiếp cận thực trạng tác phẩm. Tuy nhiên, qua tìm hiểu bằng hình ảnh và đánh giá của một số chuyên gia từ TP Hồ Chí Minh, theo họa sĩ Vi Kiến Thành, khả năng không thể phục hồi được giá trị của bảo vật quốc gia này như trước là rất cao.

Tác phẩm “Vườn xuân Trung Nam Bắc” (trên) trước khi bị “vệ sinh” và sau khi xử lý bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Giá đắt cho sự tùy tiện

Khẳng định việc vệ sinh, tu bổ tác phẩm “Vườn xuân Trung Nam Bắc” sau một thời gian trưng bày là cần thiết, họa sĩ Vi Kiến Thành cho rằng, việc làm vệ sinh đối với một bức tranh nhất thiết phải có các phương án chặt chẽ. Đặc biệt, tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” là một bảo vật quốc gia, cần cẩn trọng hơn rất nhiều. “Hiện vật trong bảo tàng phải có chế độ bảo quản, trùng tu, huống hồ đây là một bảo vật quốc gia thì quy trình, giải pháp trùng tu càng cần phải kỹ càng, chặt chẽ”, họa sĩ Vi Kiến Thành nhấn mạnh.

Theo ông, cần có một đề án, kế hoạch trùng tu, vệ sinh tác phẩm với các nội dung và giải pháp thực hiện được thông qua bởi một hội đồng khoa học gồm các chuyên gia về mỹ thuật, bảo tàng. Trên cơ sở đánh giá thực trạng tác phẩm mới đưa ra giải pháp thực hiện trùng tu như thế nào. Trong quá trình làm, hội đồng cũng phải giám sát người thực hiện và nghiệm thu một cách chặt chẽ. “Đối với bức tranh bảo vật quốc gia “Vườn xuân Trung Nam Bắc”, các bước được Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh tiến hành “vệ sinh” ra sao, mức độ tác động và hỏng hóc cụ thể như thế nào, đoàn kiểm tra của Bộ VHTTDL phải tiếp cận, đánh giá thực tế mới có thể đưa ra câu trả lời”, họa sĩ Vi Kiến Thành cho biết. Sẽ có hai nội dung được kiểm tra đối với công tác bảo quản tác phẩm: Kiểm tra hồ sơ gồm đề án, kế hoạch, nội dung về bảo quản, làm vệ sinh, biên bản các cuộc họp của hội đồng; khảo sát thực tế hiện trạng của bức tranh. Đoàn cũng sẽ làm việc với bảo tàng, Chủ tịch Hội đồng khoa học của bảo tàng và người trực tiếp “vệ sinh” tác phẩm. Sau đó các chuyên gia sẽ đưa ra kiến nghị, giải pháp và tổng hợp để báo cáo Bộ trưởng.

“Tôi đã tham khảo đánh giá trực tiếp từ một số anh em họa sĩ trong Nam và cơ bản nắm được vấn đề ở đây là do thiếu ý kiến chuyên môn của người làm tranh sơn mài, không có người giám sát quá trình thực hiện, người thực hiện vệ sinh cũng không nắm chắc về kỹ thuật sơn mài. Do không hiểu được các vấn đề về kỹ thuật, họ đã các sử dụng vật liệu để làm sạch như hóa chất có tính tẩy rửa, ăn mòn, rất nguy hiểm. Nếu là bột chu thì đó còn là một vật liệu cấm kỵ trong làm sạch sơn mài...”, họa sĩ Thành nói.

Theo lưu ý từ các chuyên gia mỹ thuật, việc vệ sinh tác phẩm hội họa sơn mài đòi hỏi phải tìm hiểu kỹ về đặc thù riêng trong nghệ thuật vẽ tranh sơn mài của mỗi tác giả. Kỹ thuật phủ các lớp sơn, dát vỏ trứng, dát vàng, dát bạc, dây vàng, chôn các lớp… của mỗi người đều khác nhau. “Người nào đó có hiểu biết ở mức độ bình thường thôi cũng hiểu được rằng không ai dại gì mà đi can thiệp vào mặt tranh bằng hóa chất. Nếu dùng thứ gì đó để tác động vào bề mặt tranh, làm mất đi phần hồn, giá trị tinh thần và không khí trong tranh sơn mài là điều vô cùng nguy hiểm. Bởi như thế thì không có gì có thể phục hồi lại được”, họa sĩ Vi Kiến Thành chia sẻ.

Bức tranh, bảo vật Quốc gia Vườn xuân Trung Nam Bắc đang treo tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, chụp ngày 24.4.2019 Ảnh: H.HẢI

Cảnh báo về trình độ đội ngũ phục chế

Bên cạnh phần tinh thần- yếu tố đặc biệt quan trọng trong tranh sơn mài, phần thứ hai là yếu tố vật chất cũng cần đánh giá để xem tác phẩm đã bị tác động như thế nào, cái gì đã bị mất đi, xâm hại vào các lớp sơn ra sao... Theo họa sĩ Vi Kiến Thành, tranh sơn mài hơn nhau ở độ huyền ảo, sâu thẳm, ở phần không khí, linh hồn của bức tranh. Nếu chỉ tính về mặt vật chất cụ thể là các lớp sơn thì các tác giả rất dễ giống nhau, thậm chí rất dễ sửa vì ai cũng biết nguyên tắc trứng thì sử dụng thế nào, dát vàng ra sao, nhưng quan trọng là mài đến đâu, dừng lại ở mức độ nào để tạo được độ sâu thẳm, huyền ảo của các lớp sơn mài, đó là cái khác nhau về nghệ thuật của từng người. “Đánh giá khó nhất là hồn của bức tranh đã bị tác động ra sao. Nếu đúng như các họa sĩ phản ánh thì bức tranh này đã bị mất đi rất nhiều giá trị nằm ở phần hồn cốt trong tranh. Đau xót hơn là có thể sẽ không thể nào phục hồi nguyên trạng tác phẩm như trước...”, ông Thành nói. Họa sĩ này cũng cho rằng, nếu tác giả Nguyễn Gia Trí còn sống thì có thể nhờ tác giả can thiệp, phục hồi được một phần nào đấy, mặc dù chắc chắn không thể 100% như cũ. Nhưng tác giả mất rồi thì không nên can thiệp mà giữ nguyên hiện trạng. Nghĩa là, phải chấp nhận những mất mát ở bảo vật quốc gia này.

Cục trưởng Cục MTNATL nhấn mạnh, ở vụ việc lần này, dù đánh giá mức độ hỏng hóc của tác phẩm đến mức độ nào thì đây cũng là một bài học trong công tác bảo quản, tu sửa các tác phẩm hội họa tại các bảo tàng. Lẽ ra, tác phẩm của danh họa Nguyễn Gia Trí cần có một thái độ ứng xử khác, xứng đáng với vị trí, tầm vóc của một bảo vật quốc gia. Chưa kể, theo đánh giá của giới chuyên môn thì 50% giá trị và thương hiệu, uy tín của Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh có được là nhờ bức tranh này. “Chúng ta phải thừa nhận một sự thật là trình độ của đội ngũ phục chế tác phẩm mỹ thuật của ta tệ quá. Hội họa là lĩnh vực đặc thù, nhất thiết phải có các chuyên gia trình độ cao. Cứ tùy tiện như thế này thì rồi còn nhiều những tác phẩm giá trị, kể cả những bảo vật quốc gia khác trong lĩnh vực mỹ thuật có nguy cơ bị hỏng hóc...”, họa sĩ Vi Kiến Thành bức xúc.

Trước mắt, nhiều khả năng sẽ không có việc tiếp tục động chạm vào bức tranh. Nhưng việc xem xét trách nhiệm của các cán bộ liên quan có thể sẽ được tính đến trong quá trình đánh giá, rà soát việc bảo quản, vệ sinh tác phẩm.

Trước đó, theo thông tin báo chí phản ánh, gần hai tháng sau khi bảo vật quốc gia bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí được phát hiện bị hư hại vì vệ sinh không đúng cách, công chúng mới tự biết đến vụ việc này và phản ảnh với báo chí. 

  Cần thành lập ngay hội đồng để xác định nguyên nhân

Đã là bảo vật quốc gia thì không ai có quyền tự ý can thiệp, muốn tác động vào phải có ý kiến của hội đồng chuyên môn thẩm định, chứ không thể tự ý làm “vệ sinh” như thế được.

Muốn phục hồi giá trị của tác phẩm, cần thành lập ngay hội đồng chuyên môn để tìm hiểu nguyên nhân bức tranh bị tác động bởi những chất liệu gì dẫn đến hư hỏng như vậy? Yêu cầu những người được Bảo tàng “thuê” làm “vệ sinh” bức tranh trước đây, trình bày lại trước hội đồng chuyên môn cách thức vệ sinh, tác động đến bức tranh như thế nào, bằng chất liệu gì, làm kiểu nào…? Qua đó, hội đồng mới đánh giá được phương pháp vệ sinh, cách thức tác động vào bức tranh đúng hay sai? Khi đó mới đánh giá được mức độ tổn hại của tác phẩm để đưa ra giải pháp phục hồi thích hợp. Đồng thời, nên mời những người từng trực tiếp tham gia mua bức tranh này, như họa sĩ Quách Phong, Trang Phượng tham gia đánh giá để hiểu chính xác, từ khi mua về cho đến nay tác phẩm bị tổn hại bao nhiêu phần trăm? Hiện nay, Hội Mỹ thuật TP.HCM vẫn chưa nắm được cách vệ sinh bức tranh của Bảo tàng làm như thế nào, nên chưa thể đánh giá được độ tổn hại của tác phẩm nghệ thuật độc đáo, “có một không hai” này.

(Họa sĩ, NGND Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM)

H.HẢI - THUỲ TRANG

 

 PHƯƠNG ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top