Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Cảnh giác với nạn cướp giật quanh các điểm giao dịch tài chính

Thứ Sáu 24/05/2019 | 09:15 GMT+7

 VHO - Thời gian gần đây, số lượng các vụ cướp giật trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thuyên giảm rõ rệt so với trước. Tuy nhiên vẫn còn một số ổ nhóm đối tượng có những phương thức gây án chỉ nhắm vào những người vừa có giao dịch về tài chính tại các ngân hàng, tiệm vàng hay trụ ATM.

Vừa qua, Đội phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm cướp, cướp giật (đội 8) - Phòng cảnh sát hình sự Hà Nội  đã truy bắt và tạm giữ hình sự hai đối tượng để điều tra làm rõ hành vi cướp giật tài sản, đó là Đặng Hữu Lâm trú tại Hà Nội và Dương Văn Tân trú tại Thanh Hóa (đang bị truy nã về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản). Hai đối tượng này gây án rất manh động và liều lĩnh, sử dụng phương tiện gây án là xe tay ga có tốc độ cao, che biển kiểm soát và thường xuyên chọn "con mồi" để gây án là những người vừa có giao dịch rút tiền từ trong ngân hàng ra.

Theo tài liệu điều tra, trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019, hai đối tượng này đã gây ra nhiều vụ cướp giật  trên địa bàn các quận Hoàng Mai, Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm với số tiền lên tới hàng tỉ đồng, cá biệt có vụ số tiền lên tới hơn hai tỉ đồng. Qua nắm tình hình ở một số vụ án tương tự, có thể nhận thấy các đối tượng gây án thường lởn vởn xung quanh ngân hàng, thậm chí  giả làm khách giao dịch trong ngân hàng để theo dõi những vị khách có rút số tiền lớn, đi giao dịch đơn lẻ hay có những thái độ chủ quan, không phòng bị. Sau khi rút tiền từ ngân hàng, lượng tiền thường được giao dịch viên cho vào túi nilon rồi khách hàng trực tiếp xách ra xe chứ không có sự hỗ trợ của lực lượng an ninh ngân hàng. Không chỉ ở xung quanh ngân hàng, các trụ rút tiền ATM cũng là địa điểm thường xuyên được các đối tượng cướp giật nhắm tới. Hiện nay có rất nhiều trụ ATM đơn lẻ được đặt tại các khu công nghiệp hay khu đô thị mới nên không có lực lượng bảo vệ cũng như thưa thớt dân cư. Hơn nữa thời điểm giao dịch rút tiền ở trụ ATM thường diễn ra vào đầu hoặc cuối tháng khi các cơ quan trả lương qua thẻ nên lượng người giao dịch rất đông. Để tránh tình trạng đó mà có một bộ phận khách hàng không nhỏ thường giữ thói quen giao dịch tại ATM vào buổi tối. Từ những sơ hở như vậy các đối tượng thường có thể gây án ngay hoặc tổ chức đeo bám đến những đoạn đường thuận lợi (vắng vẻ, nhiều ngã rẽ hay thiếu ánh sáng…) để ra tay.

Đặng Hữu Lâm và Dương Văn Tân bị bắt sau khi cướp giật tài sản

Theo Trung tá Trần Mai Hiển - Đội phó Đội 8, tâm lý phạm tội của những kẻ cướp giật không chỉ manh động và liều lĩnh mà còn quyết tâm gây án tới cùng, bất chấp hậu quả xảy ra với nạn nhân như thế nào, miễn là chúng đạt được mục đích. Do vậy có rất nhiều vụ án nạn nhân vì tiếc của có những hành động giằng co giữ tài sản hay đuổi theo đã phải trả giá bằng chính tính mạng của mình bởi lúc đó họ không thực sự tỉnh táo, mất kiểm soát hành vi tức thời để đưa ra những phán quyết đúng đắn. Bởi vậy ngoài việc cần cẩn thận trong các hoạt động giao dịch để không tạo ra những sơ hở để bọn cướp giật ra tay, mỗi cá nhân cũng nên có những phản ứng khôn ngoan khi mình ở trong hoàn cảnh như vậy. Khi sự việc xảy ra cần hô hoán lên cho những người xung quanh biết để giúp đỡ truy đuổi, cố gắng nắm được những thông tin cơ bản nhất nếu có thể như loại xe, màu sơn, biển số xe, vóc dáng đối tượng, hướng di chuyển… để có thể cung cấp cho lực lượng công an, triển khai khoanh vùng nhanh chóng tìm ra thủ phạm. Cũng theo khuyến cáo của trung tá Hiển, khi truy bắt được đối tượng gây án, ngoài việc cương quyết không thả cho đối tượng đi sau khi đã thu hồi lại được tài sản, cả nạn nhân và những người xung quanh không được đánh đập chúng vì dễ gây chấn thương nặng hoặc tử vong và vô tình dẫn tới chúng ta sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

     Qua những vấn đề trên bản thân mỗi cá nhân đều phải lấy đó làm bài học rút kinh nghiệm cho bản thân cũng như tư vấn giúp đỡ những người thân để tìm ra phương thức bảo vệ an toàn nhất trong mỗi lần giao dịch tài chính.

    Một số khuyến cáo giúp an toàn hơn cho người  rút tiền tại ngân hàng hay các trụ ATM

  • Đối với lực lượng bảo vệ ngân hàng hoặc các trụ ATM khi thấy đối tượng có biểu hiện nghi vấn thường xuyên rình rập thì đề cao cảnh giác chủ động đối phó hoặc báo cho cơ quan công an gần nhất.
  • Lực lượng bảo vệ ngân hàng nên có biện pháp nhắc nhở cũng như giúp đỡ  ra xe với những người rút lượng tiền lớn tại ngân hàng.
  • Người dân khi đi giao dịch tại các ngân hàng, trụ ATM thì cần có người thân đi cùng, tài sản bảo quản phải thật sự cẩn thận, đỗ xe gần cửa hoặc vị trí có bảo vệ để có thể nhanh chóng nhận được sự hỗ trợ.
  • Khi giao dịch tại trụ ATM thì phải chọn nơi đông người qua lại, có đủ ánh sáng, nơi có lực lượng bảo vệ là tốt nhất. Trước và sau khi vào buồng ATM cần quan sát xung quanh xem có đối tượng nào lảng vảng xung quanh hay không, nhanh chóng ra khỏi trụ ATM sau khi rút được tiền. Đặc biệt cần cân nhắc trước những lời đề nghị giúp đỡ hay giao dịch tại trụ ATM.

                                             HOÀNG LƯƠNG  

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top