Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Tại di tích quốc gia đền thờ Đức thánh Lê Phụng Hiểu (Thanh Hóa): Đào phá hậu cung, nhiều cổ vật mất tích

Thứ Sáu 27/09/2019 | 09:34 GMT+7

VHO- Dư luận đang rất bức xúc trước việc di tích lịch sử, văn hoá quốc gia đền thờ Đức thánh Lê Phụng Hiểu (xã Hoằng Sơn, Hoằng Hóa- Thanh Hóa) bị “kẻ gian” ngang nhiên đào trộm cổ vật ngay trong hậu cung của đền.

 Vị trí ông Vậy đào trộm

Từ “cái sảy nảy cái ung”, lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều di vật, hiện vật rất có giá trị của di tích bỗng dưng... “không cánh mà bay”, khiến nhiều người ngơ ngác, ngạc nhiên.

Kẻ gian đào trộm cổ vật là...

Nhận được thông tin phản ánh của người dân, phóng viên Văn Hoá đã về thôn Xuân Sơn, nơi tọa lạc đền thờ Đức thánh Lê Phụng Hiểu. Gần như ở chỗ nào người dân nơi đây cũng mang câu chuyện nhiều di vật, hiện vật là đồ thờ của di tích được bảo quản rất cẩn mật bỗng một ngày “đội nón ra đi” để bàn tán. Chưa dừng lại ở đó, người dân còn “phát hiện” một sự thật không ai có thể ngờ tới là “kẻ gian” cả gan vào trong hậu cung của đền đào bới cổ vật. Nhiều người dân “thạo tin” đã phải chua chát nói rằng, “họ quản lý kiểu gì mà lại “giao trứng cho ác”...

Trong thời gian này, một số hạng mục của di tích đền thờ Đức thánh Lê Phụng Hiểu bị xuống cấp nghiêm trọng, và được cấp có thẩm quyền cho phép triển khai tu bổ, tôn tạo nên người dân rất quan tâm. Cũng vì quan tâm đến dự án tu bổ di tích nên người dân địa phương thường qua lại và đã “phát hiện” một sự việc tày trời, đó là có một số đối tượng lợi dụng việc tu bổ chốn linh thiêng đã ngang nhiên đào, đánh cắp nhiều cổ vật giá trị tại di tích. Điều khiến cho người dân vô cùng bức xúc hơn khi sự nghi vấn những đối tượng đào trộm cổ vật lại là người được tin tưởng giao trọng trách trông coi và bảo vệ ngôi đền! Sở dĩ có sự nghi vấn ấy là bởi, từ xưa đến nay đền thờ Đức thánh Lê Phụng Hiểu được coi là chốn linh thiêng, được các cấp chính quyền dành sự quan tâm bảo vệ đặc biệt. Không ai được ra vào tùy tiện nếu không có sự hướng dẫn của Ban quản lý đền. Khi khách thập phương có nhu cầu tham quan, dâng hương thì phải liên hệ với Ban quản lý hoặc người trông coi, bảo vệ đền.  

Ngôi đền thờ Lê Phụng Hiểu đang trong quá trình trùng tu, tôn tạo

Đầu năm 2018, ông Đỗ Xuân Vậy là người được Ban quản lý di tích đền thờ Đức thánh Lê Phụng Hiểu giao trọng trách trông coi, bảo vệ ngôi đền thờ này, và cũng là thành viên của Ban quản lý di tích. Cũng trong thời gian này người dân trong thôn Xuân Sơn xôn xao, bàn tán việc trong khuôn viên di tích có kẻ gian đào trộm cổ vật. Theo đó, qua xác minh tìm hiểu được biết, chiều ngày 15.8.2019, một số người dân đi lễ tại đền đã phát hiện trong khu vực hậu cung của di tích xuất hiện một hố hình vuông dài 70cm, rộng 60cm, sâu khoảng 90cm. Cho rằng sự việc này là bất thường nên người dân thông báo cho chính quyền. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, chính quyền địa phương xã Hoằng Sơn đã có mặt tại hiện trường, kiểm tra và lập biên bản vụ việc, đồng thời mời ông Đỗ Xuân Vậy lên Ban Công an xã làm việc. Sau một hồi đấu tranh, ông Vậy đã khai nhận hành vi đào trộm trong khu vực hậu cung của đền với mục đích tìm kiếm cổ vật. Ngay sau đó, Ban quản lý di tích quốc gia Đền thờ Đức thánh Lê Phụng Hiểu đã tiến hành thanh lý và chấm dứt hợp đồng với ông Vậy, đồng thời bàn giao việc trông coi, bảo vệ đền cho người khác.

Mất hàng loạt cổ vật, không ai hay biết

Khu Hậu cung, nơi ông Vậy thực hiện hành vi đào trộm cổ vật

Những tưởng sự việc chỉ dừng lại ở đó, nào ngờ người dân còn choáng váng hơn khi biết hàng loạt cổ vật là đồ thờ từ hàng trăm năm qua của ngôi đền cũng đã biến mất mà không ai hay biết gì. Theo nội dung Biên bản được lập ngày 20.8.2019 của Ban quản lý di tích và chính quyền địa phương về việc bàn giao, kiểm kê tài sản, đồ thờ tại khu di tích trong thời gian ông Vậy trông coi, bảo vệ thì phát hiện thiếu nhiều hiện vật, cổ vật quý. Cụ thể 3 chén ngọc cổ (trên miệng và đáy bít đồng), 4 đĩa sứ cổ (cá hóa rồng), 2 bát tô sứ cổ (cá hóa rồng), 1 bát hương đá cổ cao khoảng 0,45cm và 1 thanh kiếm gỗ… Khi được hỏi những hiện vật, cổ vật trên vì sao lại bị mất thì ông Vậy trả lời là không biết, và cũng không nắm được bị mất khi nào?!

Cũng theo phản ánh của người dân, quá trình đào trộm với mục đích tìm kiếm cổ vật trong khu vực hậu cung của ông Vậy diễn ra từ đêm 11.8 đến ngày 14.8.2019, cùng với đó là hàng loạt cổ vật quý của ngôi đền bị mất trộm và cho đến khi nhận được thông tin từ người dân thì chính quyền địa phương mới nắm bắt được sự việc. Điều này cho thấy công tác an ninh, an toàn trong việc bảo vệ cổ vật tại di tích quốc gia trên địa bàn của chính quyền địa phương còn lỏng lẻo nên không nắm bắt được kịp thời. Dù sau khi phát hiện ra sự việc trên, chính quyền địa phương đã vào cuộc lập biên bản, kiểm tra xử lý vụ việc nhưng theo người dân thì động thái trên vẫn chưa thực sự nhanh, quyết liệt. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Hùng Mạnh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Sơn cho biết: “Đúng là vừa qua trên địa bàn xã có xảy ra sự việc trên. Ông Vậy đã lợi dụng lúc chính quyền đang tôn tạo lại ngôi đền để thực hiện hành vi đào trộm với mục đích tìm kiếm cổ vật. Vị trí ông Vậy đào trộm là trong khu vực hậu cung, diện tích ông ấy đào rộng 60cm, dài 70cm và sâu khoảng 90cm. Sau khi nhận được phản ánh, chính quyền xã đã giao cho ông Trần Văn Lân, Phó chủ tịch UBND xã là Trưởng ban quản lý di tích vào cuộc kiểm tra và lập biên bản xử lý vụ việc. Ông Vậy đã khai nhận hành vi của mình, sau đó chúng tôi lập biên bản và xử phạt hành chính với ông Vậy với mức xử phạt là 2.000.000 đồng. Trước mắt chúng tôi đã cho ông Vậy nghỉ và bàn giao công việc cho người khác”.

 Biên bản làm việc với ông Đỗ Xuân Vậy

Ông Mạnh nói tiếp, “tất cả những hồ sơ liên quan đến vụ việc trên, chúng tôi đã giao lại cho phía Công an huyện Hoằng Hóa để tiếp tục điều tra. Không biết hành vi đào trộm ông ấy thực hiện một mình hay với ai, nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận cụ thể và cũng không biết ông ấy đã lấy đi những đồ vật gì”.

Đằng sau vụ việc nghiêm trọng này, dư luận và người dân thôn Xuân Sơn đã đặt ra hàng loạt câu hỏi đòi hỏi chính quyền địa phương lẫn cơ quan chức năng phải có câu trả lời thoả đáng: Hàng loạt hiện vật, cổ vật bị mất cắp hay bị “người nhà” lấy? Ông Đỗ Xuân Vậy đào trộm trong hậu cung của đền đã lấy được những cổ vật gì? Trách nhiệm của chính quyền ở đâu trong vụ việc nghiêm trọng này.

Văn Hoá sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong những số báo sau. 

 

 Sau khi nhận được phản ánh, chính quyền xã đã giao cho ông Trần Văn Lân, Phó chủ tịch UBND xã là Trưởng ban quản lý di tích vào cuộc kiểm tra và lập biên bản xử lý vụ việc. Ông Vậy đã khai nhận hành vi của mình, sau đó chúng tôi lập biên bản và xử phạt hành chính với ông Vậy với mức xử phạt là 2.000.000 đồng. Trước mắt chúng tôi đã cho ông Vậy nghỉ và bàn giao công việc cho người khác.

(Ông LÊ HÙNG MẠNH, Chủ tịch UBND xã Hoằng Sơn)

 

HOÀI THU - NGUYỄN LINH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top