Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Chuyện kỳ thú về biệt thự nghỉ dưỡng trên núi Ba Vì (Bài 3): Cuộc chạy đua của "giám đốc thất nghiệp" và các "đại gia"

Chủ Nhật 23/08/2020 | 10:52 GMT+7

VHO- Việc quy hoạch khu nghỉ dưỡng trên núi Ba Vì, ngoài mục đích đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe của người Âu đóng trú quanh khu vực Sơn Tây và các tỉnh lân cận còn nằm trong kế hoạch phát triển du lịch Thuộc địa của Pháp mà ông Al­bert Sarraut, Toàn quyền Đông Dương (giai đoạn 1911-1913; 1916-1919) và sau này là Bộ trưởng Bộ Thuộc địa (giai đoạn 1920-1922; 1932-1933) thúc đẩy triển khai.

 

 Ông Thẩm Hoàng Tín (1909-1991)  Ảnh tư liệu

Từ năm 1929, bên cạnh một số quan chức trong chính quyền thực dân ở Sơn Tây và Hà Nội đến núi Ba Vì khảo sát thực địa, xây biệt thự nghỉ dưỡng, còn có một số thương gia giàu có, chủ đồn điền và cả những người không một “đồng xu dính túi” cũng tìm đến để ôm mộng làm giàu.

Giấc mơ của “giám đốc thất nghiệp”

Trước khi đến núi Ba Vì thuê đất, xây dựng khách sạn, ông M.M. Thuillier là Giám đốc của Công ty Texor ở vùng Viễn Đông. Thất nghiệp, bị công ty nợ lương, bí bách về tiền bạc, M.M. Thuillier muốn tìm cơ hội để thoát khỏi sự bế tắc. Tháng 10.1932, Thuillier đến núi Ba Vì để khảo sát thực địa và gặp gỡ Công sứ Sơn Tây trình bày ý tưởng thuê đất xây dựng khách sạn. Thuillier đã tìm được hai lô đất rộng 2 ha và 25 ha, tuy nhiên, ông chỉ cung cấp được tài liệu chứng minh quyền sở hữu 2 ha đất, nên việc xây dựng chỉ được thực hiện tại lô đất này.

Tháng 1.1933, M.M. Thuillier gửi đơn cho chính quyền Bắc Kỳ xin hỗ trợ kinh phí xây dựng. Để thuyết phục chính quyền hỗ trợ tiền, ông kể lể dài dòng về nguồn cơn đến Việt Nam và những khó khăn mà bản thân đang gánh chịu: “Tôi sang Việt Nam sau khi Công ty tôi làm giám đốc bị giải thể. Tôi dự kiến xây một khu khách sạn cho những gia đình người Pháp đến nghỉ dưỡng, mở cửa từ tháng 5 đến tháng 11 hằng năm. Để thực thi chương trình này, tôi dự tính sẽ sử dụng số tiền 13.250 đồng trong tài khoản nợ tôi có tại Công ty Texor, đó là khoản tiền lương mà tôi không được lĩnh trong 2 năm 1930 và 1931. Tòa án Hà Nội đã không tin là tôi có số tiền đó nên bắt tôi phải chứng minh nguồn gốc. Điều đó làm tôi rất mệt mỏi, tôi không được công nhận là chủ nợ của khoản tiền 3.829 đồng vốn là tiền lương 6 tháng tôi chưa được nhận”.

 Những bậc thang đi lên khu nghỉ dưỡng đã phủ kín rêu phong

Chia sẻ với khó khăn của M.M. Thuillier nhưng chính quyền Bắc Kỳ lại không hỗ trợ kinh phí vì quy định hiện hành không cho phép đầu tư vào những hoạt động kinh doanh của tư nhân. Để tạo điều kiện cho M.M. Thuillier tồn tại ở Việt Nam, ông Rouan, Công sứ Tây Sơn đã cấp cho Thuillier một giấy chứng nhận là người bản xứ “để được miễn thuế cá nhân năm 1932”. Trong hoàn cảnh chật vật về tài chính, Thuillier vẫn xoay xở mọi cách để có tiền thực hiện kế hoạch kinh doanh trên 2 ha đất được chuyển nhượng, kể cả việc “muối mặt” gửi công văn cho Công sứ Sơn Tây nhờ can thiệp với các chủ biệt thự bán số vật liệu thừa bỏ đi cho ông. Tuy nhiên, việc đó bất thành bởi những “ông lớn”, chủ nhân của những ngôi biệt thự tại điểm cao 400 giai đoạn đó đều không muốn dính líu tới vị “giám đốc thất nghiệp”.

Và biệt thự của những “ông lớn”

Trong khi Thuillier khốn khổ để “xoay” tiền thì những “ông lớn” đến núi Ba Vì xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng hầu hết là những người... thừa tiền, như ông Wintrebert, Công sứ Sơn Tây (1924); ông Demolle, chủ đồn điền ở làng Yên Cư dưới chân núi Ba Vì; bác sĩ Joyeux; ông Limongi Jean, Đội trưởng Cảnh sát thành phố Hà Nội; bà Veuve Tranchant... Trong số này, ông Limongi Jean là em rể của bà Veuve Tranchant, người đã trúng thầu lô đất 17, rộng 1.500m2 trong cuộc đấu giá công khai tại Sơn Tây tháng 6.1940.

 Phế tích còn lại của Khu nghỉ dưỡng

Tham gia cuộc đấu giá này còn có hai thương gia người Việt Nam là ông Thẩm Hoàng Tín và ông Hoàng Công Bình. Ông Thẩm Hoàng Tín lúc đó là chủ cửa hàng thuốc lớn ở Quảng trường Neyret (nay là phố Cửa Nam, Hà Nội), ngoài ra ông còn có phòng thí nghiệm, bào chế và một cửa hàng thuốc tây ở đường Đồng Khánh. Mặc dù trúng thầu mua lô đất số 18 nhưng ông Thẩm Hoàng Tính không tiến hành xây dựng nên bị thu lại và phạt số tiền tương đương 1/10 giá trúng thầu.

Còn bà Veuve Tranchant sau khi trúng lô đất 17 lại mua thêm lô đất 16 liền kề và chuyển nhượng sang tay cho em rể là ông Limongi Jean. Mặc dù đã sở hữu ngôi biệt thự tại lô đất số 12 nhưng ông Limongi Jean vẫn xuất tiền mua lại 2 lô đất của chị vợ và tiến hành xây dựng ngay. Sau 1 năm, Limongi Jean đã hoàn thiện ngôi biệt thự và các công trình phụ tại hai lô đất 16 và 17. Mặc dù có đến hai ngôi biệt thự trên núi nhưng Limongi Jean sống chủ yếu tại số nhà 130 phố Duvigneau (nay là phố Bùi Thị Xuân, Hà Nội). Việc trông coi ngôi biệt thự đầu tiên được giao cho người giúp việc. Thay vì chi tiền nuôi người làm công, Limongi Jean gửi đơn cho chính quyền xin nhượng 2 ha đất trên núi để cho họ ở và trồng cấy. Đơn bị bác bỏ, Limongi Jean cực chẳng đã đành phải trả lương để giữ chân người trông coi khu biệt thự này.

Đến năm 1939, tại điểm cao 400 đã hình thành một khu nghỉ mát nhỏ gồm 1 khách sạn 12 phòng và 12 biệt thự. Khách sạn và các biệt thự được bố trí trên những chỏm núi thông thoáng gió, nơi luôn có sương mù, về đêm nhiệt độ xuống thấp, mát mẻ dễ chịu, tạo cho con người sự thư thái và dễ dàng chìm sâu vào giấc ngủ. Ngoài giá trị về cảnh quan, khí hậu, khu nghỉ mát này chưa được đầu tư điện, điện thoại cũng như phương tiện giao thông. Nước dùng cho sinh hoạt được vận chuyển từ dưới chân núi lên và tích trữ trong các bể chứa. Do điều kiện thiết yếu không đảm bảo nên khu nghỉ mát cote 400 chưa đông khách. Công việc kinh doanh của các ông chủ cũng vì thế mà gặp nhiều khó khăn. 

Bài 4: Bật mí...bí ẩn về biệt thự Cote 600

Bài & ảnh: CHU THU HẰNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top