Liên quan đến pate Minh Chay chứa độc tố: Cẩn trọng với thực phẩm “handmade” đựng trong chai, lọ, túi nilon

VHO- Hiện nay, người tiêu dùng đang “phát cuồng” với những lời quảng cáo bán các loại thực phẩm không chứa thuốc bảo quản được sản xuất theo kiểu hộ gia đình. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, dường như thuốc bảo quản đang bị hiểu sai và sản xuất kinh doanh theo hộ gia đình có nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn.

Không phải cứ có chất bảo quản là có hại

Các chuyên gia cho rằng việc ngộ độc pate Minh Chay (Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới sản xuất) do vi khuẩn Botulinum là cơ hội cảnh báo về một loại ngộ độc mạnh mà ít được nhắc đến, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi thực phẩm “handmade” đang được rao bán tràn lan trên mạng với lời quảng cáo không có thuốc bảo quản.

Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, vi khuẩn Botulinum theo y văn kinh điển là loại vi khuẩn kị khí, phát triển trong môi trường thiếu không khí như các loại chai, lọ đóng kín và thường có trong các loại thịt hộp, thịt đóng lọ, nhưng giờ đây có thể tìm thấy trong các loại rau, củ, quả đóng hộp. “Sau khi ăn loại thực phẩm có độc tố do vi khuẩn Botulinum gây ra, bệnh nhân có triệu chứng ngộ độc sau 12 – 36 tiếng, thậm chí tới 1 tuần. Chất độc có tác động rất mạnh đến thần kinh, làm liệt tất cả các cơ, từ trên lan xuống dưới, như cơ hô hấp làm bệnh nhân khó khở, khó nuốt, cơ tay, chân dần dần dẫn đến liệt, ảnh hưởng đến não. Bệnh nhân nặng phải ăn qua xông, thở qua ống thở hoặc thở máy”, TS.Nguyễn Trung Nguyên cho hay.

Liên quan đến pate Minh Chay chứa độc tố: Cẩn trọng với thực phẩm “handmade” đựng trong chai, lọ, túi nilon - Anh 1

Các loại thực phẩm đóng hộp tương tự pate Minh Chay 

Hiện nay đang có xu hướng mua thực phẩm “handmade” của người quen hoặc rao bán trên mạng vì cho rằng những loại thực phẩm này không chứa chất bảo quản. Tuy nhiên, lãnh đạo Trung tâm Chống độc cho rằng, những loại thực phẩm này cũng chứa nhiều nguy cơ ngộ độc nếu điều kiện vệ sinh không đảm bảo và nhiều người đang hiểu sai về chất bảo quản là có hại. Thực tế, nếu các chất bảo quản được phép sử dụng và đúng liều lượng sẽ không làm sao. Ngoài ra có thể dùng các cách bảo quản truyền thống của ông cha là đủ độ mặn, ngọt…

Vi khuẩn Botulinum thường phát triển trong môi trường thiếu không khí như các loại đồ hộp, túi nilon hút chân không…, nếu chế biến không đảm bảo vệ sinh, vi khuẩn sẽ phát triển gây ra độc tố. Do đó, trong quá trình sản xuất phải đảm bảo điều kiện an toàn, tiệt trùng dụng cụ ở nhiệt độ cao, nấu trong điều kiện thủ công sẽ khó diệt được vi khuẩn, đây cũng là nguyên nhân mà các công ty sản xuất công nghiệp ít xảy ra loại ngộ độc này. Tuy nhiên, điều may mắn là độc tố của Botulinum dễ tiêu diệt, chỉ cần ở điều kiện đun sôi, nấu chín, độ mặn trên 5%, độ pH dưới 4,6.

Việt Nam chưa có thuốc giải độc do vi khuẩn Botulinum

Đến nay đã có gần 20 bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay trên toàn quốc. Thực tế đã có một số bệnh nhân ngộ độc do vi khuẩn Botulinum đã đến một số bệnh viện, cơ sở y tế để khám, nhưng không phát hiện ra bệnh. Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM yêu cầu báo cáo về các ca ngộ độc do độc tố Botulinum. 3 bệnh viện cần thống kê ngay danh sách các ca bệnh và có tiền sử sử dụng thực phẩm Pate Minh chay, báo cáo tóm tắt diễn biến các ca bệnh trên và tình trạng hiện tại.

Liên quan đến pate Minh Chay chứa độc tố: Cẩn trọng với thực phẩm “handmade” đựng trong chai, lọ, túi nilon - Anh 2

Thuốc giải độc tố do vi khuẩn Botulinum được chuyển từ Thái Lan về

Đồng thời tổng kết một số kinh nghiệm trong công tác phát hiện, chẩn đoán và điều trị đối với các ca bệnh ngộ độc, báo về Cục Quản lý Khám chữa bệnh. Cục Quản lý Khám chữa bệnh sẽ có văn bản hướng dẫn chung cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để sớm phát hiện và xử lý kịp thời khi tiếp nhận các ca bệnh mới.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, do lần đầu tiên Việt Nam có ca bệnh nên không có thuốc giải độc. Sau khi xuất hiện 2 vợ chồng bệnh nhân ngộ độc do vi khuẩn Botulinum, Trung tâm Chống độc đã liên hệ với đồng nghiệp tại Trung tâm Chống độc của Thái Lan để tìm thuốc giải độc đặc hiệu. Với sự phối hợp chặt chẽ, gấp rút giữa các bên, và các cơ quan quản lý như Cục Quản lý dược, Hải quan, Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam, sau hơn 10 ngày, hai lọ thuốc giải độc từ Thái Lan được gửi về Việt Nam qua đường hàng không và sử dụng luôn trong ngày cho 2 bệnh nhân trong ngày 29.8.

Sau khi dùng thuốc, người chồng chưa thấy có thay đổi, nhưng người vợ đã hồi phục hơn. Người có thể phải thở máy hàng tháng nữa và gặp rất nhiều nguy cơ trong quá trình nằm viện. Thuốc giải độc về tới Việt Nam được sản xuất tại Canada, có giá 8.000 USD/lọ và nhưng bệnh nhân được miễn phí do WHO đã tài trợ.

Tuy nhiên, lãnh đạo Trung tâm Chống độc lo lắng, nếu tiếp tục phát hiện ca bệnh thì không biết lấy nguồn thuốc quý hiếm ở đâu ra. “Trên lọ thuốc từ Thái Lan gửi về có tiêu đề “Thuốc trong kho dự trữ quốc gia”. Chúng tôi rất mong Nhà nước có cơ chế để có một kho thuốc hiếm, hay còn gọi là thuốc mồ côi để có thể điều trị cho các bệnh nhân hiếm gặp. Khi có bệnh nhân, có thể điều phối cho các Bệnh viện trên cả nước vì với số lượng bệnh nhân ít, các Bệnh viện cũng rất khó khăn trong việc nhập khẩu, và trữ thuốc, các doanh nghiệp dược cũng không mặn mà” - Giám đốc Trung tâm chống độc nói.

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc