Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Không thích nghi sẽ bị đào thải

Thứ Hai 07/09/2020 | 08:56 GMT+7

VHO- Du lịch quốc tế chưa mở cửa trở lại, mùa du lịch nội địa đã qua, bên cạnh đó tâm lý lo ngại dịch bệnh vẫn thường trực khiến ngành Du lịch tiếp tục khó khăn.

 Lượng khách ở các trung tâm du lịch vẫn rất thưa vắng Ảnh: QUYỀN ANH TUẤN

Doanh nghiệp du lịch nơi thì đóng cửa, nơi thì hoạt động cầm chừng, chỗ thì xoay xở đủ nghề để tồn tại qua mùa dịch. Đại dịch lần này chính là một phép thử, chỉ doanh nghiệp mạnh mới có thể tồn tại.

Doanh nghiệp du lịch đi bán dụng cụ phòng, chống dịch

Công ty CP truyền thông Du lịch Việt- đơn vị 6 năm liền được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp du lịch nội địa/outbound hàng đầu Việt Nam trước cơn sóng gió của dịch bệnh cũng đã phải tìm đường để tồn tại. Lúc cao điểm, Du lịch Việt có tới 1.000 nhân viên, mỗi năm phục vụ hơn 1 triệu người, doanh thu hàng nghìn tỉ đồng/năm. Ngay từ đợt dịch hồi đầu năm, khi các doanh nghiệp du lịch trong cả nước còn đang nghe ngóng dịch bệnh, hy vọng dịch Covid-19 sẽ được khống chế sớm trong quý I.2020 thì ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Du Lịch Việt đã nhanh nhạy quyết định nhập thiết bị máy móc về để sản xuất khẩu trang y tế, phối hợp với một đơn vị khác để phân phối dung dịch rửa tay sát khuẩn và dung dịch phun khử trùng. Trụ sở công ty ở ngay trung tâm quận 1 TP.HCM, văn phòng ở Hà Nội trên đường Trần Hưng Đạo vẫn mở cửa hằng ngày nhưng thay vì giao dịch tour tuyến, phòng khách sạn, vé máy bay, nay trở thành nơi trưng bày hàng hóa phòng chống dịch. Hơn một nửa số lao động của công ty có việc làm thường xuyên, ổn định.

Ông Trần Văn Long cho rằng: “Dịch bệnh chưa thể khống chế ngay, thời gian tới sẽ có rất nhiều doanh nghiệp bị đào thải, không riêng doanh nghiệp du lịch mà cả các ngành kinh tế khác, ngành sản xuất khác bởi họ bị động trong việc chuyển đổi kinh doanh. Hàng triệu lao động trong ngành Du lịch bị mất việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập, hàng chục ngàn doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng kinh doanh vì dịch bệnh nhưng đến nay các gói hỗ trợ của Chính phủ vẫn chưa đến được tay người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”. Theo ông Long, doanh nghiệp và người lao động cần tự chủ động để thích nghi trong mùa dịch.

Đến nay, cũng đã có rất nhiều công ty du lịch, khách sạn tạm thời chuyển hướng hoạt động kinh doanh. Trong đó, Công ty Du lịch Transviet (TP.HCM) chuyển sang sản xuất thực phẩm sạch ở Tây Nguyên. Nhiều công ty chuyển sang kinh doanh và phân phối thực phẩm, thiết bị y tế, bán đồ ăn online... Bởi ai cũng hiểu, đại dịch là một phép thử, chỉ những doanh nghiệp biết thích nghi mới có thể tồn tại, doanh nghiệp yếu sẽ phải chấp nhận bỏ cuộc chơi.

Vẫn trông chờ vào khách du lịch nội địa

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo lên Chính phủ về việc mở lại các đường bay quốc tế được đánh giá là có tính an toàn cao cũng như theo đề xuất của nước bạn. Bộ đề xuất ngày 15.9 dự kiến mở lại đường bay quốc tế với Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và ngày 22.9 dự kiến mở lại đường bay tới Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia. Việc mở đường bay thương mại quốc tế tới 6 quốc gia, vùng lãnh thổ dựa trên nguyên tắc đã kiểm soát dịch bệnh tốt và tương đồng với chúng ta, xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nước đó. Trên tinh thần thực hiện mục tiêu kép như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, chúng ta mở lại các đường bay một cách cẩn trọng, mở dần từng bước và đúc kết kinh nghiệm. Việc mở lại các đường bay quốc tế được kỳ vọng không chỉ giúp khôi phục một phần lượng khách này mà còn giúp ngành Du lịch vượt qua khó khăn hiện nay.

Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu vẫn là khách du lịch nội địa. Chỉ có đối tượng này mới có thể cứu ngành Du lịch khỏi cơn khủng hoảng hiện nay. Ở Việt Nam, tuy hoạt động du lịch nội địa đã nhúc nhắc trở lại, nhưng chủ yếu vẫn là khách tự đặt dịch vụ, đi theo nhóm nhỏ đến các khu nghỉ dưỡng biệt lập vào dịp cuối tuần. Sau một thời gian ngắn tạm dừng khai thác vì ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19, từ ngày 9.9 Vietnam Airlines sẽ khai thác trở lại 6 đường bay nội địa gồm: Hà Nội - Chu Lai/Tuy Hòa, Hải Phòng - Điện Biên, Vinh - Buôn Ma Thuột/Đà Lạt và Huế - Đà Lạt để đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch của người dân trong nước.

Khánh Hòa, một trong những địa phương đón nhiều khách đến từ thị trường Nga, Trung Quốc giờ cũng tập trung toàn lực để phục hồi du lịch với ưu tiên số 1 là khách nội địa. Tỉnh này tiếp tục đẩy mạnh chương trình kích cầu “Người Khánh Hòa đi du lịch Khánh Hòa” và xác định triển khai tiếp kế hoạch hồi phục du lịch trong quý IV.2020, định hướng cho năm 2021. Theo đó, nếu tình hình kiểm soát dịch tốt hơn, người dân có thể quay về nhịp sống bình thường từ tháng 10 Khánh Hòa sẽ tiếp tục kích cầu theo chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam- Nha Trang biển gọi” như đã thực hiện. Tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu quý IV.2020 sẽ đạt 350.000 lượt khách. Phục hồi 100% hệ thống dịch vụ du lịch cơ bản, đảm bảo yêu cầu phục vụ khách du lịch, bao gồm lưu trú, nhà hàng, lữ hành, hướng dẫn viên, khu vui chơi giải trí và các hoạt động dịch vụ tiện ích đô thị.

Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định, Giám đốc Công ty du lịch Golden Life cho rằng: “Doanh nghiệp du lịch Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ, tiềm lực mỏng nên hỗ trợ thiết thực nhất lúc này để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn là khoanh nợ, kéo dài thời gian giãn nợ, giãn thời gian nộp thuế và cho vay vốn lãi suất ưu đãi, không cần tài sản thế chấp. Doanh nghiệp lữ hành cũng rất muốn ứng lại hoặc vay lại (không lãi suất) tiền ký quỹ kinh doanh lữ hành để làm vốn lưu động và duy trì hoạt động. Chúng tôi cũng trông chờ vào sự dẫn dắt, định hướng, điều phối chung của Tổng cục Du lịch trong kế hoạch phục hồi du lịch sắp tới”. 

 

 Sẽ có kịch bản kích cầu lần 2

Kịch bản du lịch lần 2 đang được Tổng cục Du lịch gấp rút hoàn thiện, lấy ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp. Theo đó, kịch bản kích cầu lần 2 sẽ không chỉ gói gọn trong quy mô “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” mà mở rộng đối tượng hơn, đó là người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam và cả cơ hội từ hơn 5.000 khách quốc tế mỗi tuần đến Việt Nam khi các đường bay quốc tế được nối lại. Bên cạnh việc mở rộng đối tượng đi du lịch, nhiều sản phẩm, cách làm mới đang được nghiên cứu để đưa vào kịch bản kích cầu lần này.

(Ông NGUYỄN TRÙNG KHÁNH, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch)

 

 NGUYỄN ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top