Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Mong ước thành lập bảo tàng tư nhân ở TP.HCM: Sẽ khó thành hiện thực vì phường không xác nhận hồ sơ...

Thứ Hai 07/09/2020 | 09:02 GMT+7

VHO -Nhằm góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống và thúc đẩy phát triển du lịch, TP.HCM hiện có chủ trương khuyến khích thành lập bảo tàng ngoài công lập. Theo đó, gia đình ông Bùi Văn Ngọ (90 tuổi, ngụ quận Bình Tân) đang dốc sức và mong muốn thành lập một bảo tàng nghệ thuật tư nhân để trưng bày và phát huy các bộ sưu tập với hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

 Công chúng tham quan nhà triển lãm, nơi đang trưng bày hàng ngàn tác phẩm tranh có giá trị đang có nguy cơ không biết phải về đâu?

 Tuy nhiên, mong muốn chính đáng của gia đình ông Ngọ đang có nguy cơ không thể hiện thực hóa bởi lý do… diện tích đất bị thu hồi.

Vừa qua, ông Ngọ có bản kiến nghị gửi UBND TP.HCM xem xét, có phương án điều chỉnh vị trí dự án xây dựng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi tại phường An Lạc (quận Bình Tân) một cách hợp lý. Bởi theo quy hoạch đã được cơ quan chức năng phê duyệt thì dự án trường học nói trên sẽ thu hồi phần diện tích đất hơn 6.000m2 đã cấp chủ quyền cho gia đình ông Ngọ và được dự kiến để thành lập bảo tàng. Đáng nói, trên khu đất này, ông Ngọ đã xin phép xây dựng công trình nhà triển lãm với diện tích sử dụng 5.000m2, khánh thành và đưa vào hoạt động từ năm 2017, trưng bày hàng ngàn tác phẩm tranh mang nhiều giá trị nghệ thuật và độc đáo.

Theo bản kiến nghị của ông Ngọ, hơn 70 năm qua, ông đã sáng tác nhiều tác phẩm nghệ thuật được giới chuyên môn đánh giá có giá trị cao, cần được gìn giữ, quảng bá đến công chúng trong và ngoài nước. Trong đó, các tác phẩm nghệ thuật khuôn viên ngoài trời gồm có công trình cổng tam quan, bộ sưu tập đá thiên nhiên khoảng 100 hiện vật, tượng thiếu nữ đắp bằng đất (đồi tiên nữ) đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam chứng nhận “Tượng thiếu nữ đắp bằng đất lớn nhất Việt Nam”, các bộ sưu tập về Bonsai, hoa kiểng… Đáng chú ý là bộ tranh khoảng 2.000 tác phẩm do chính tay ông tự sáng tác, có khoảng 1.000 tác phẩm đã được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả, bao gồm bộ sưu tập tranh chân dung, tranh phong cảnh, tranh tĩnh vật, tranh về đề tài phong tục tập quán, sinh hoạt thường ngày… bằng nhiều chất liệu khác nhau. Đặc biệt là tác phẩm “Toàn cảnh lăng Tự Đức” được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam chứng nhận là bức tranh sơn dầu lớn nhất Việt Nam (dài 20m, cao 3m).

Toàn bộ các tác phẩm hội họa được gia đình ông Ngọ trưng bày tại nhà triển lãm và bảo quản đặc biệt theo đúng tiêu chuẩn bảo quản tác phẩm hội họa, nhất là tranh sơn dầu. Nhằm mục đích bảo tồn và phát huy giá trị các tác phẩm nghệ thuật để làm phong phú thêm đời sống tinh thần của công chúng, đồng thời truyền dạy cho thế hệ trẻ niềm đam mê nghệ thuật hội họa, năm 2019 ông Ngọ đã nộp hồ sơ đến Sở VHTT TP.HCM xin phép thành lập bảo tàng tư nhân. Tuy nhiên, do thiếu xác nhận của UBND phường An Lạc (quận Bình Tân) nên đến nay, Sở này vẫn chưa thể cấp phép thành lập bảo tàng nghệ thuật tư nhân cho ông Ngọ.

 Nhà triển lãm hiện hữu, cơ sở được gia đình ông Ngọ xin phép thành lập bảo tàng nghệ thuật tư nhân nhưng chưa được cấp phép đang có nguy cơ bị đập bỏ vì bị quy hoạch xây trường học

Theo tìm hiểu của chúng tôi, lý do UBND phường An Lạc không xác nhận vào hồ sơ xin phép thành lập bảo tàng ngoài công lập là do khu đất ông Ngọ xin phép thành lập bảo tàng nằm trong dự án xây dựng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, đang được UBND quận Bình Tân tiến hành bồi thường theo kế hoạch, dự kiến khởi công, xây dựng vàđưa vào sử dụng trong năm 2022. Theo UBND quận Bình Tân, đề xuất thành lập bảo tàng ngoài công lập của ông Bùi Văn Ngọ có thể xem xét, bố trí tại vị trí khác.

Trao đổi với Văn Hóa, bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM cho biết, qua xem xét các điều kiện về đề án thành lập bảo tàng nghệ thuật tư nhân của ông Ngọ, cơ bản đã đáp ứng đầy đủ ba tiêu chí gồm: có bộ sưu tập tranh, địa điểm thành lập bảo tàng và nhân sự thực hiện. Bà Cẩm khẳng định, nơi đây có đầy đủ các điều kiện để thành lập một bảo tàng tư nhân xứng tầm là thiết chế văn hóa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng, đồng thời là điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế. Đại diện gia đình ông Ngọ chia sẻ, các công trình nghệ thuật hiện hữu là tâm huyết cả đời tạo lập hàng mấy mươi năm qua với chi phí xây dựng, tôn tạo trị giá hàng trăm tỉ đồng. Do đó, không thể đề xuất đập bỏ đi công trình hiện có để thay thế bằng công trình chưa có. Hơn nữa, nếu phải đập bỏ nhà triển lãm hiện hữu, số phận hàng ngàn tác phẩm tranh nghệ thuật đang được trưng bày tại đây, không biết phải đi đâu, về đâu? Đó là còn chưa nói đến sự lãng phí tài sản vật chất đã đầu tư cho văn hóa. 

HOÀNG HẢI

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top