Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Lần đầu tổ chức cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh: Khắc phục tình trạng thiếu và yếu

Thứ Hai 14/09/2020 | 11:07 GMT+7

VHO- Nhằm khắc phục tình trạng thiếu kịch bản phim truyện có giá trị về nội dung tư tưởng và nghệ thuật, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành vừa ký ban hành thông báo số 776 về tổ chức “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020”. Đây là lần đầu tiên một cuộc thi tìm kiếm những kịch bản phim truyện điện ảnh chất lượng được tổ chức, nhằm triển khai các chủ trương của Đảng, Nhà nước vềphát triển văn học nghệthuật trong thời kỳ mới...

“Hai Phượng”, một trong những bộ phim tạo được hiệu ứng tích cực vi khán giả

 Hơn thế, còn nhằm khuyến khích không khí sáng tác kịch bản điện ảnh của các nhà văn, đạo diễn, người viết kịch bản chuyên và không chuyên, đặc biệt đối với đội ngũ tác giả trẻ.

Tạo nguồn kịch bản chất lượng

“Cuộc thi sẽ tạo nguồn kịch bản hay cho kế hoạch sản xuất phim truyện phục vụ nhiệm vụ chính trị và kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước trong giai đoạn 2021-2025...”, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nói và cho biết thêm, Cục cũng đã có kế hoạch đầu tư chiều sâu nhằm tạo nguồn kịch bản phim truyện chất lượng trong thời gian tới. Trên thực tế, mảnh đất này đang là một khoảng trống lớn, khiến cho điện ảnh Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu kịch bản chất lượng, ít gây được hiệu ứng và tiếng vang.

Nhận thức rõ thực tế kịch bản phim truyện điện ảnh thiếu và yếu kéo dài nhiều năm nay, giới nghề đã cố gắng tạo nên chuyển biến với những cuộc tìm kiếm như chương trình thường niên “Gặp gỡ mùa thu” hay “Nhà biên kịch trẻ tài năng” để các tác giả giới thiệu “đứa con tinh thần” tới các nhà sản xuất... Tuy nhiên, những nỗ lực đó dường như vẫn chưa thể lấp đầy khoảng trống về kịch bản chất lượng trong điện ảnh. Bởi vậy, cuộc thi lần này đã mang hy vọng đến cho những người làm phim, đặc biệt khi mở rộng “đất” cho nhiều đối tượng sáng tác, bởi có kịch bản tốt mới mong có tác phẩm điện ảnh hay.

Đối tượng tham dự cuộc thi lần này là các tác giả người Việt Nam, chuyên nghiệp và không chuyên, đang sinh sống, học tập và làm việc trong nước, không giới hạn về độ tuổi, nghề nghiệp. Kịch bản có nội dung tư tưởng hướng đến các giá trị nhân văn, hướng thiện, bản sắc văn hóa Việt; khái quát những vấn đề của xã hội đương đại; phát hiện độc đáo về cuộc sống và con người; nội dung hấp dẫn, cách thể hiện đặc sắc, sáng tạo. Kịch bản dự thi có độ dài phim từ 90-120 phút; mỗi tác giả tham dự tối đa 2 tác phẩm là những sáng tác mới, chưa trình thẩm định tại Cục, chưa tham dự bất kỳ cuộc thi nào và chưa được sản xuất phim. Tác giả chịu trách nhiệm về quyền tác giả, tác phẩm. Đối với kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học hoặc sân khấu, tác giả phải gửi kèm xác nhận chứng minh hợp pháp bản quyền sử dụng. Đặc biệt, khuyến khích những kịch bản kèm theo phương án xã hội hóa nguồn vốn sản xuất và phát hành.

Kịch bản đoạt giải thưởng, quyền sản xuất thuộc về Cục Điện ảnh. Tác giả giữ quyền nhân thân tác phẩm và được hưởng nhuận bút theo chế độ hiện hành khi kịch bản được đưa vào sản xuất. Trường hợp tác giả kịch bản muốn tự đầu tư hoặc hợp tác để sản xuất phim, tác giả phải trao đổi, thỏa thuận với Cục Điện ảnh.

 “Cua lại vợ bầu” nhanh chóng cán mốc doanh thu trăm tỉ khi vừa công chiếu

Trách nhiệm của nghệ sĩ với điện ảnh nước nhà

Theo Cục Điện ảnh, số lượng phim truyện do các doanh nghiệp sản xuất phim của Việt Nam trong năm 2019 là 41 phim. Các doanh nghiệp sản xuất phim tư nhân đã năng động đầu tư vốn và tạo nên nhiều tác phẩm phong phú về thể loại, đề tài; mặt bằng chất lượng phim được nâng cao dần, thậm chí, một số bộ phim đạt doanh thu cao trên dưới 200 tỉ đồng; phần nào đáp ứng được nhu cầu giải trí ngày càng cao của công chúng. “Tuy nhiên, các phim đề tài lịch sử, thiếu nhi, truyền thống lịch sử, dân tộc thiểu số chưa thu hút được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa. Do vậy, cần có sự quan tâm của Nhà nước cho những dòng phim này”, Cục Điện ảnh cho biết.

Thiếu kịch bản chất lượng, không ít tác phẩm điện ảnh “mì ăn liền” ra đời rồi nhanh chóng rơi vào quên lãng, thậm chí bị xếp vào hàng thảm họa. Điện ảnh nước nhà gần đây đã có những tác phẩm đạt doanh thu cao khi chiếu rạp như Hai Phượng, Cua lại vợ bầu, Chàng vợ của em…, những bộ phim này đồng thời cũng góp thêm những làn gió mát cho phim Việt dù hầu hết là phim remake, làm lại từ phim của nước ngoài hoặc kịch bản được chuyển thể dựa trên tác phẩm văn học.

Lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam nhiều thập kỷ qua cho thấy yếu tố giúp cho mỗi bộ phim lấy được thiện cảm của công chúng, trở thành tác phẩm sống mãi với thời gian chính là giá trị nhân văn được xây dựng xuyên suốt, bắt đầu từ kịch bản. Cho đến nay, công chúng vẫn xem và dành sự yêu mến cho những bộ phim kinh điển như: Chị Tư Hậu, Nổi gió, Em bé Hà Nội, Chim vành khuyên, Cánh đồng hoang, Bao giờ cho đến tháng mười...

“Ta có quá nhiều kịch bản đúng, kịch bản tốt nhưng lại có quá ít kịch bản hay”, NSND Đào Bá Sơn từng chia sẻ như vậy. Đó cũng là một trong những nhận định có tính chân thực cao của người làm nghề về thực trạng phát triển của điện ảnh Việt Nam. Khán giả luôn mong muốn thưởng thức những tác phẩm chất lượng, từ kịch bản được xây dựng với câu chuyện mới lạ, kết cấu chặt chẽ, xử lý tình huống…, điều đó đòi hỏi người viết kịch bản phải có tài, đồng thời cần phải có một câu chuyện phim hấp dẫn, kết cấu chặt chẽ, chi tiết đắt giá… Về góc nhìn này, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cũng từng nhấn mạnh yêu cầu đội ngũ viết kịch bản phải là những người thực sự tâm huyết, có tài năng, luôn tạo ra sự mới mẻ trong sáng tạo và bắt kịp với xu thế thời đại.

Khát khao nguồn kịch bản phim chất lượng, góp phần làm nên sự bứt phá cho điện ảnh Việt chính là mong muốn được gửi gắm thông qua Cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020” do Cục Điện ảnh tổ chức. Rõ ràng, đây không chỉ là dịp để tìm kiếm, tuyển chọn các kịch bản phim truyện mang giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao mà còn nhằm khơi nguồn cảm hứng sáng tạo, cũng như trách nhiệm của văn nghệ sĩ đối với sự phát triển của điện ảnh Việt Nam trong công cuộc hội nhập quốc tế. 

 Kết quả cuộc thi sẽ được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và trang tin điện tử Cục Điện ảnh http://www. cucdienanh.vn. Lễ tổng kết và trao giải thưởng dự kiến tổ chức vào tháng 12.2020; sẽ có 1 giải nhất trị giá 70 triệu đồng, 2 giải nhì, 3 giải ba và 3 giải khuyến khích. BTC nhận các kịch bản dự thi từ sau khi phát động đến hết ngày 1.11 theo địa chỉ: Cục Điện ảnh, 147 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội.

 

 HOÀNG NGÂN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top