Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Về đề xuất lập hồ sơ đề nghị Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi là Di sản Văn hóa thế giới: “Xây dựng hồ sơ đã khó, bảo vệ còn khó gấp bội lần”

Thứ Tư 16/09/2020 | 10:42 GMT+7

VHO- Liên quan đến việc UBND TP.HCM đề xuất lập hồ sơ khoa học Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Địa đạo Củ Chi để hướng tới việc xem xét, công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong việc tư vấn, lựa chọn, xây dựng, thẩm định hồ sơ trình UNESCO nói rằng, “không đơn giản như nhiều người nghĩ”.

GS.TS Trương Quốc Bình tại Hội nghị do Ủy ban Di sản thế giới tổ chức tháng 12.1999
Ảnh tác giả cung cấp

 “Đặc biệt, vì chưa có tiền lệ nên địa phương cần tham vấn ý kiến các chuyên gia giàu kinh nghiệm để họ đưa ra những khuyến nghị cụ thể”, GS Bình nhấn mạnh.

Thưa GS, nhiều chuyên gia đã lưu ý việc lập hồ sơ Di sản Văn hóa quốc gia đối với Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi cần phải hết sức thận trọng. Với kinh nghiệm của mình, xin ông chia sẻ những bước đi cần thiết trong quy trình này, đặc biệt gắn với di tích Địa đạo Củ Chi?

- GS.TS Trương Quốc Bình: Căn cứ Công ước năm 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới của UNESCO mà Chính phủ Việt Nam tham gia, để xây dựng một Hồ sơ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới cần tuân thủ đầy đủ các bước theo quy định. Theo đó, Chính phủ các nước thành viên phải lựa chọn và căn cứ vào các tiêu chí cụ thể đã nêu trong Công ước để xây dựng hồ sơ đăng ký dự kiến, nếu không có bước đầu tiên này sẽ không được xét. Như trường hợp của Yên Tử (Quảng Ninh), từ những năm trước chúng ta xây dựng hồ sơ đăng ký dự kiến nhưng bấy giờ, phạm vi của khu di tích - danh thắng này không chỉ thuộc hai tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang mà còn mở rộng ra Hải Dương, cho nên phải làm lại hồ sơ.

Ở đây, UBND TP.HCM có văn bản đề nghị Bộ VHTTDL dự kiến danh sách đưa di tích Địa đạo Củ Chi thành Di sản văn hóa thế giới. Từ đó, Bộ VHTTDL sẽ xem xét, báo cáo Chính phủ đưa vào danh sách dự kiến đăng ký trình UNESCO. Trên cơ sở đó mới tiến hành thu thập tài liệu, tư liệu để xây dựng hồ sơ chính thức theo quy định hướng dẫn của Công ước năm 2005. Di tích xây dựng hồ sơ cần đáp ứng được một trong 10 tiêu chí của di sản thế giới. Trước đây, có nhiều nơi đề xuất nhiều tiêu chí, tuy nhiên điều đó không cần thiết. Việc xây dựng hồ sơ đề nghị Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi là Di sản Văn hóa thế giới có thể được địa phương phối hợp với một đơn vị có kinh nghiệm, hoặc địa phương có thể chủ động xây dựng hồ sơ khoa học theo mẫu hướng dẫn. Hồ sơ này sẽ được gửi Bộ VHTTDL và xin ý kiến Hội đồng di sản văn hóa quốc gia trước khi báo cáo Thủ tướng.

Nói qua thì có vẻ đơn giản nhưng khi bắt tay vào thực hiện mới thấy sự phức tạp của nó, đơn cử như với di tích Địa đạo Củ Chi chúng ta nên chọn tiêu chí nào, và vì sao. Riêng vấn đề này cũng mất rất nhiều thời gian bởi nếu lựa chọn không phù hợp thì sức thuyết phục của hồ sơ không cao.

 Bên trong di tích Địa đạo Củ Chi

Quan điểm của GS đối với việc TP.HCM đề nghị lập hồ sơ Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi để trình UNESCO xem xét, công nhận là di sản văn hóa thế giới?

- Hiện nay mới là bước khởi đầu, TP.HCM xin chủ trương của Bộ Quốc phòng về đề xuất hồ sơ đề nghị Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi là di sản văn hóa thế giới. Sau đó sẽ còn rất nhiều bước, quan trọng là địa phương có văn bản gửi cơ quan quản lý nhà nước là Bộ VHTTDL trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Quan điểm của tôi cũng giống như nhiều nhà khoa học, chuyên gia di sản đã bày tỏ trong những ngày qua. Việc nỗ lực đưa một di tích lịch sử, chứng tích chiến tranh tiêu biểu của Việt Nam thời hiện đại trở thành một di sản thế giới rất có ý nghĩa trong việc giữ gìn và tôn vinh những giá trị lịch sử, tri ân công lao to lớn của các bậc cha anh. Tôi đồng tình cao với quan điểm nhấn mạnh di tích Địa đạo Củ Chi là tấm gương sáng tạo của loài người, qua đó phản ánh ý chí, nghị lực và sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó, tôi cũng chia sẻ băn khoăn bởi đây là lần đầu tiên chúng ta xây dựng hồ sơ khoa học về loại hình di tích chiến trường. Việc này chưa có tiền lệ càng đòi hỏi từng bước đi phải hết sức thận trọng, đồng thời cần được xem xét trên nhiều yếu tố, phương diện chứ không thể áp đặt ý muốn chủ quan. Nói cách khác, việc xây dựng hồ sơ đã là khó, việc bảo vệ hồ sơ đó trước nhiều Hội đồng, Ủy ban của UNESCO càng khó khăn hơn, vì thế trong từng bước đi phải hết sức thận trọng.

 Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi được hình thành và mở rộng trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc Việt Nam. Câu chuyện niên đại có phải là điều khiến nhiều chuyên gia bày tỏ băn khoăn, thưa GS?

- Việc nhiều người băn khoăn cũng là đương nhiên, bởi lâu nay cứ nói đến di sản văn hóa thế giới là nghĩ đến các di tích có niên đại lâu đời. Theo đó, Việt Nam có các di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Cố đô Huế, Thánh địa Mỹ Sơn, Hội An… Nhưng theo tôi, bên cạnh những di tích có niên đại cổ xưa như vậy thì những công trình thời hiện đại cũng nên cần xem xét xây dựng hồ sơ di sản thế giới, cơ bản là nội hàm giá trị, ý nghĩa của di tích.

Trong quá trình tôi tham gia xây dựng hồ sơ di sản văn hóa thế giới với UNESCO, tôi thấy rằng không nhất thiết các di sản thế giới phải có tuổi đời hàng trăm, hàng nghìn năm. Có thể đó là những di sản đương đại, ví dụ là Nhà hát Con Sò ở Úc cũng chỉ có niên đại mấy chục năm nhưng đã được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, vấn đề không hẳn phụ thuộc vào niên đại mà di tích đó có đáp ứng một trong mười tiêu chí mà Công ước đặt ra hay không. Nếu đã đáp ứng được tiêu chí thì chúng ta phải bảo vệ như thế nào để vượt qua những rào cản rất khắt khe mà UNESCO đề ra. Với người Việt Nam, Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi có giá trị đặc biệt trên rất nhiều phương diện, và chúng ta luôn tự hào về công sức tạo dựng nên công trình kỳ vĩ đó. Còn mang đi thi thố với thế giới thì phải thận trọng hơn nữa, bởi có những vấn đề mà không phải ai cũng đã hiểu rõ, thậm chí có những “luật bất thành văn”, tế nhị không phải chuyên gia nào cũng đã nắm bắt được nó.

 Như vậy, với những băn khoăn đang đặt ra, để việc xây dựng hồ sơ đề nghị di tích Địa đạo Củ Chi là Di sản Văn hóa thế giới được thuận lợi, tạo tiền đề cho các hồ sơ tương tự sau này, theo ông TP.HCM cần lưu ý những gì?

- Tôi vẫn nhấn mạnh yếu tố cơ bản là phải tham vấn, xin ý kiến của các chuyên gia am tường, có kinh nghiệm ở trong nước và quốc tế. Sở dĩ phải nhấn mạnh đến đề nghị này, trước hết để chúng ta tránh được sự chủ quan. Thứ nữa, khi các chuyên gia có kinh nghiệm tiến hành hội thảo “đầu bờ” về di tích thì sẽ đưa ra được những ý kiến, đánh giá, tư vấn rất có giá trị ví như bước đi như thế nào là phù hợp; hoặc nên hay không nên xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO hay tiêu chí nào là chắc chắn đối với loại hình di tích này...

Với những bước đi cân nhắc, thận trọng như vậy, tôi nghĩ TP.HCM sẽ có những quyết định đúng đắn về việc này.

Xin cảm ơn ông! 

 

 Tôi cũng chia sẻ băn khoăn bởi đây là lần đầu tiên chúng ta xây dựng hồ sơ khoa học về loại hình di tích chiến trường. Việc này chưa có tiền lệ càng đòi hỏi từng bước đi phải hết sức thận trọng, đồng thời cần được xem xét trên nhiều yếu tố, phương diện chứ không thể áp đặt ý muốn chủ quan. Nói cách khác, việc xây dựng hồ sơ đã là khó, việc bảo vệ hồ sơ đó trước nhiều Hội đồng, Ủy ban của UNESCO càng khó khăn hơn, vì thế trong từng bước đi phải hết sức thận trọng.

 PHƯƠNG ANH (thực hiện)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top