Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Bóng đá nữ Việt Nam: Vẫn cảnh “Liệu cơm gắp mắm”

Thứ Sáu 18/09/2020 | 10:06 GMT+7

VHO- Giải Bóng đá nữ vô địch quốc gia – Cúp Thái Sơn Bắc 2020 sẽ khởi tranh lượt đi từ ngày 22.9 đến 13.10 sau một thời gian tạm hoãn vì dịch Covid-19.

 Dù thành tích của đội tuyển quốc gia nữ thường xuyên dẫn đầu khu vực nhưng bóng đá nữ Việt Nam còn nhiều khó khăn Ảnh: LÊ HẢI

Dù được gây dựng và phát triển tại Việt Nam khá lâu (giải vô địch quốc gia đầu tiên được tổ chức từ năm 1998) nhưng bóng đá nữ Việt Nam luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Khókhăn về kinh phí và lực lượng

Nói về khó khăn thì bóng đá nữ Sơn La là một ví dụ điển hình. Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Sơn La Đỗ Thế Công cho biết năm nay do dịch bệnh Covid-19 nên nhà tài trợ đã thôi không tài trợ. Vì thế kinh phí đào tạo đội bóng dựa hết vào nguồn ngân sách địa phương. “Chế độ dinh dưỡng (tiền ăn) của đội tuyển tỉnh hiện giờ là 150.000 đồng/người/ngày, Đội tuyển trẻ là 120.000 đồng/người/ngày. Tiền công của đội tuyển tỉnh là 80.000 đồng/người/ngày, đội tuyển trẻ là 40.000 đồng/người/ngày (tiền dinh dưỡng thực hiện theo Nghị quyết số 25/2012/NQ-HĐND tỉnh, tiền công thực hiện theo Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg). Biết là chế độ của các cháu như thế là thấp nên chúng tôi cũng đang tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh để có chế độ tốt hơn”, ông Công cho biết.

Cũng theo ông Công, về lực lượng, năm nay Sơn La không có đủ người thi đấu ở Giải vô địch quốc gia do lứa cầu thủ được đào tạo từ năm 2011-2012 đến giờ đã lớn tuổi. Vì thế đội bóng đá nữ Sơn La không tham dự giải vô địch quốc gia - Cúp Thái Sơn Bắc. Còn với lực lượng hiện tại, Sơn La chỉ có thể thi đấu ở các giải trẻ, lứa U16 – U17. So với các địa phương mạnh như Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên thì Sơn La gặp nhiều khó khăn hơn do kinh phí eo hẹp nên không thể có các trung tâm đào tạo vệ tinh, lấy nguồn từ các tỉnh lân cận. Vì thế lực lượng luôn trong tình trạng thiếu trước, hụt sau. Gần 100% các em thi đấu trong màu áo đội bóng đá nữ Sơn La là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Thái nên cũng có nhiều khó khăn ngay từ khâu tuyển chọn. Thêm vào đó, chế độ đãi ngộ thấp, các em lại là nữ nên còn vướng chuyện xây dựng gia đình, dẫn đến tuổi đời thi đấu ngắn.

Để được ổn định về kinh phí như hiện nay, một trong vài địa phương giàu truyền thống nhất của bóng đá nữ là Hà Nam cũng đã phải trải qua chặng đường gian nan, từ cơ sở vật chất đến chế độ cho các cầu thủ. Nhưng giờ thì mọi chuyện đã tốt hơn khi đội bóng đá nữ Hà Nam có nhà tài trợ. Theo HLV trưởng CLB bóng đá nữ Phong Phú Hà Nam Nguyễn Thế Cường, nhà tài trợ vẫn duy trì hỗ trợ nên đội hiện tại không gặp khó khăn về kinh phí. Nhưng về lực lượng, năm nay đội mất tới 6 cầu thủ so với mùa giải năm ngoái, trong đó có 5 cầu thủ chấn thương, một cầu thủ rời đội để xây dựng gia đình. “Năm nay đội thiếu hụt lực lượng so với mùa giải năm ngoái là 50%, bóng đá nữ lực lượng lại mỏng nên không thể chuyển nhượng được. Do đó chẳng còn cách nào khác, chúng tôi buộc phải đôn đội trẻ lên”, HLV Nguyễn Thế Cường cho biết. So với Thái Nguyên hay Sơn La, tình cảnh bóng đá nữ ở Hà Nam sáng sủa hơn nhiều do đây là địa phương đã có bề dày truyền thống, lại được tài trợ ổn định.

Trông chờ thêm vào sự hỗ trợ của VFF

Tình cảnh khó khăn của bóng đá nữ không chỉ ở các địa phương, các giải đấu cũng rất vất vả trong việc tìm nhà tài trợ. Nếu ở giải vô địch quốc gia nam, nhiều nhà tài trợ còn phải xếp hàng thì ở giải bóng đá nữ, trong nhiều năm qua, quanh đi, quẩn lại chỉ có doanh nghiệp của ông bầu Trần Anh Tú. Sở dĩ ông Tú phải tài trợ là bởi nếu Thái Sơn Bắc rút lui thì giải sẽ khó tìm được doanh nghiệp thay thế.

Việc các nhà tài trợ kém mặn mà với bóng đá nữ, dù thành tích của đội tuyển quốc gia thường xuyên đứng đầu khu vực, tạo được tiếng vang lớn, cũng xuất phát từ thực tế là sức hút của bóng đá nữ chưa thể được như bóng đá nam. Đó là thực tế nói chung của bóng đá thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam. Trong nhiều năm qua, dù VFF và các địa phương rất nỗ lực nhưng giải vô địch quốc gia năm nào cũng lèo tèo từng ấy địa phương tham dự. Trước đây, bóng đá nữ cũng chỉ có giải vô địch quốc gia và để tạo điều kiện cho các nữ cầu thủ được thi đấu, cọ xát nhiều hơn, bắt đầu từ năm ngoái, VFF tổ chức thêm giải Cúp quốc gia. Theo Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh, năm nào VFF cũng hỗ trợ các đội bóng tham dự Giải vô địch quốc gia và Cúp quốc gia. “Do các đội bóng đều gặp khó khăn nên chúng tôi đều dành một khoản kinh phí để hỗ trợ các đội”, ông Lê Hoài Anh nói. Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Sơn La Đỗ Thế Công chia sẻ: “Các lãnh đạo tỉnh cũng rất quan tâm đến bóng đá nữ và chỉ đạo chúng tôi gây dựng lại đội bóng từ các lứa trẻ. Chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ từ VFF khi tham gia giải đấu. Gần đây VFF cũng về trao trang thiết bị tập luyện. Hy vọng trong tương lai mọi chuyện sẽ tốt hơn”.

Còn về khoản 500.000 USD của FIFA hỗ trợ cho bóng đá nữ, Tổng thư ký Lê Hoài Anh cho biết, theo quy định của FIFA, khoản tiền này dùng để hỗ trợ cho công tác tổ chức giải, phát triển bóng đá trẻ và đội tuyển nữ quốc gia. Một đồng hỗ trợ của FIFA cũng là đáng quý nhưng trong bối cảnh bóng đá nữ còn khó khăn như thế thì khoản tiền này cũng giống như “tiền vào nhà khó” mà thôi… 

 THU SÂM

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top