Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Về chủ trương mặc áo dài ở Thừa Thiên Huế: Đừng vì một vài ý kiến trái chiều mà... "phá sản"!

Thứ Sáu 18/09/2020 | 10:27 GMT+7

VHO- Xung quanh chủ trương của Sở VHTT Thừa Thiên Huế lấy ngày thứ 2 đầu tiên hằng tháng để cán bộ, nhân viên mặc áo dài truyền thống đến công sở, Văn Hóa có bài trao đổi với ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở này với tựa đề “Có chút chạnh lòng nhưng không chùn bước” (số 3461, ra ngày 11.9).

 Nam công chức Sở VHTT Thừa Thiên Huế trong trang phục áo dài ngũ thân

 Về vấn đề này, Văn Hóa tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của giới nghiên cứu và bạn đọc.

Linh hoạt để “trẻ hóa” áo dài

Mấy ngày qua tôi theo dõi sát sự việc này và cá nhân tôi ủng hộ chủ trương của Sở VHTT Thừa Thiên Huế. Việc công chức nam mặc áo dài ít nhất một lần một tháng vào lễ chào cờ hoặc những hoạt động liên quan đến văn hóa, ngoại giao, hoạt động có tính chất lễ nghi, giáo dục cho cộng đồng, nhất là lớp trẻ, theo tôi là một việc cần thiết và có ý nghĩa.

Đối với áo dài nam, tôi cho rằng cũng không nhất thiết phải cứng nhắc về kiểu dáng hay chất liệu, mà có thể điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thời tiết địa phương. Chẳng hạn, không nhất thiết phải may bằng vải gấm mà có thể linh hoạt nhiều chất vải hiện đại để trẻ hóa áo dài. Áo dài nữ cũng đã trải qua quá trình biến đổi để phù hợp hơn như ngày hôm nay. Nên áo dài nam cũng cần thay đổi linh hoạt theo nhu cầu người mặc, độ tuổi, thời tiết, khí hậu, vùng miền. Có như vậy thì áo dài mới “sống” được lâu, đừng quá khuôn mẫu nhất định phải theo một phong cách xưa, sẽ khó hòa nhập vào đời sống cộng đồng. Tuy nhiên, cho dù việc biến đổi linh hoạt như thế nào đi chăng nữa, thì áo dài nhất thiết vẫn phải đáp ứng những yếu tố cơ bản như có cổ, có tay, tà trước, tà sau...

Khi mỗi người dân Việt mặc áo dài, chắc chắn sẽ cảm nhận rất rõ mình là người Việt Nam, đó là niềm tự hào khi mặc trang phục dân tộc, nhất là khi ra nước ngoài hay tham gia các hoạt động đại diện cho Việt Nam tại chính quê hương mình… Cho nên, tôi nghĩ rằng nhiều khi lớp trẻ hay ai đó chưa có trải nghiệm trong việc mặc áo dài nên chưa thấy tự hào. Khi mình mặc áo dài thì tự động mình sẽ điều chỉnh hành vi chuẩn mực hơn, chẳng hạn như cách đi đứng, tác phong, cách nói chuyện cũng phải ý tứ hơn...

Trong thời gian qua, công chúng đã quan tâm rất nhiều về áo dài, cả du khách nước ngoài cũng như vậy. Bằng chứng là số khách đến với Bảo tàng Áo dài tăng dần, năm 2017 chỉ có khoảng 2.000 khách thì năm 2018 đã tăng lên 5.000 khách và năm 2019 là hơn 10.000 khách, đó là tín hiệu rất đáng mừng. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức những hội thảo, tọa đàm về áo dài để cho các nhà khoa học có điều kiện trao đổi sâu hơn về văn hóa áo dài, về kỹ thuật cắt may, về chất liệu, kiểu dáng… để đào sâu những vấn đề nhằm đưa áo dài đến gần hơn với công chúng. Chúng tôi cũng có những triển lãm ở các địa phương khác để công chúng tiếp cận được với lịch sử áo dài, đồng thời sưu tầm nhiều loại áo dài như: áo dài về di sản văn hóa, trong đó bao gồm các loại hình Quan họ, Ví giặm, Đờn ca tài tử, Nhã nhạc cung đình Huế... Chúng tôi còn sưu tầm áo dài của những nhân vật có sự đóng góp cho đất nước, ở nhiều lĩnh vực khác nhau, cả áo dài nữ và nam. Bên cạnh đó, Bảo tàng Áo dài còn tổ chức những hoạt động dạy trẻ em làm lồng đèn, tổ chức cho cả gia đình cắt may áo dài đơn giản nhằm tạo sự gắn kết thông qua việc cùng chung tay thực hiện một chiếc áo dài dân tộc...

(Bà HUỲNH NGỌC VÂN, Giám đốc Bảo tàng Áo dài)

Cần phải có sự chọn lọc

Việc Sở VHTT Thừa Thiên Huế đang từng bước thực hiện việc cán bộ, nhân viên công sở mỗi tháng mặc áo dài một lần, cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ. Tôi thấy rằng, về màu sắc cũng như kiểu dáng, chất liệu, Sở đưa ra như vậy là hợp lý, chừng mực. Tôi đã làm việc với Huế và nhận thấy nơi đây làm việc rất cẩn thận, cân nhắc kỹ càng, đó cũng chính là thuộc tính của người miền Trung nói chung, người Huế nói riêng.

Tuy nhiên, những gì đang hồi phục lại sau thời gian dài bị lãng quên vì nhiều lý do, chưa nói là cái mới, thì khi quay trở lại chắc chắn sẽ có ý kiến khác nhau. Theo dõi dư luận những ngày qua, tôi thấy đa phần công chúng đã ủng hộ, còn người không ủng hộ, có lẽ là họ chưa từng mặc áo dài, nên họ có cảm giác bất tiện. Hơn nữa, nếu mình nhìn từ xưa tới nay thì hầu như ngành nghề nào người ta cũng mặc áo dài. Nhìn ở một khía cạnh xa hơn, là khi văn hóa được phục hồi thì kinh tế cũng được phục hồi, dễ thấy nhất là kinh tế làng nghề. Các làng dệt, làng may truyền thống giờ đang thất truyền gần hết rồi, vậy có phải nếu thực hiện điều này thì chúng ta sẽ phục hồi lại các làng nghề không? Chưa kể là các nghề làm phụ kiện đi cùng cũng được phục hồi, như nghề làm khăn, hài, guốc, giày, dép,... mà làng nghề chính là những giá trị quan trọng để Huế trở thành trung tâm văn hóa - du lịch của cả nước. Vì vậy, trong dự án về việc xây dựng Huế trở thành Kinh đô Áo dài mà tôi đang tham gia, tôi có nêu: Nếu tất cả các điểm du lịch trong Thành nội, khi khách đến là họ sẽ mặc áo dài, thì không chỉ tái hiện kiến trúc, phong cảnh mà còn là khắc họa con người trong tổng thể hài hòa này.

Trở lại việc mặc áo dài trong công chức, viên chức, khi người ta khoác lên mình bộ áo dài thì tôi tin sẽ không ai dám làm điều xấu, tự động họ biết điều chỉnh hành vi, tác phong, từ đó ta có thể liên tưởng những chuyện lớn hơn như tham nhũng hay muốn làm điều gì sai quấy cũng phải dè chừng, mà quan trọng là trong giao tiếp hằng ngày trở nên đẹp hơn, văn minh hơn.

TP.HCM đã làm rất tốt qua 7 lần tổ chức Lễ hội Áo dài và từ đó đến nay, cả nam nữ, trẻ con, người già tại TP.HCM đã mặc áo dài nhiều nhất nước, trong những dịp có thể. Đó cũng là kết quả mà UBND TP.HCM chủ trương đặt ra Lễ hội Áo dài từ cách đây 7 năm, tức là TP.HCM muốn tạo ra một thương hiệu Thành phố Áo dài, còn Huế đang xây dựng thương hiệu Huế - Kinh đô Áo dài. Theo tôi đây là những ý tưởng, chủ trương hoàn toàn đúng.

Chúng ta thấy ngay vì đại dịch Covid-19, thế giới đang lao đao, người ta đang bàn về câu chuyện văn hóa song hành với việc phục hồi kinh tế, thế giới đang ngưỡng mộ một Việt Nam qua công tác phòng, chống dịch hiệu quả, thì đây là cơ hội để quảng bá cho đất nước, do vậy mình đưa lên những giá trị văn hóa, giá trị truyền thống, bên cạnh nền Y học phát triển, là cơ hội vô cùng quý. Tôi là người làm nghệ thuật nhưng trước hết tôi luôn quan tâm đến chính trị, xã hội, kinh tế, môi trường, rồi mới tới sáng tạo nghệ thuật, vì sáng tạo nghệ thuật nằm trong tổng thể đó, không thể nào tách rời. Cho nên, một nước phát triển về kinh tế song hành với văn hóa là nước rất văn minh, đó mới là nước bền vững.

Tôi hy vọng chủ trương của Thừa Thiên Huế sẽ được triển khai mạnh mẽ và tôi tin rằng đó là một chủ trương đúng. Thực sự tôi đang lo lắng câu chuyện của Huế đang rất hay, nhưng chẳng may có một vài ý kiến trái chiều, dẫn đến bị phá sản. Do vậy, việc phục hồi giá trị truyền thống cần phải có sự chọn lọc, gạn đục khơi trong, cần phải có sự đồng thuận, góp ý xác đáng từ các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực như lịch sử, dân tộc học, văn hóa học,... phân tích trên cơ sở khoa học chứ đừng vì nhiều ý kiến phát biểu một cách chung chung, chủ quan của những người không am tường mà ảnh hưởng đến sự nghiệp chủ trương đó.

(Họa sĩ, nhà thiết kế SĨ HOÀNG)

 

Trở lại việc mặc áo dài trong công chức, viên chức, khi người ta khoác lên mình bộ áo dài, tôi tin sẽ không ai dám làm điều xấu, tự động họ biết điều chỉnh hành vi, tác phong, hay muốn làm điều gì sai quấy cũng phải dè chừng, mà quan trọng là giao tiếp hằng ngày sẽ trở nên đẹp hơn, văn minh hơn.

(Họa sĩ, nhà thiết kế SĨ HOÀNG)

 THÙY TRANG (thực hiện)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top