Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Hiếm, độc, lạ nghề làm đồ chơi nơi làng Ông Hảo

Thứ Sáu 18/09/2020 | 11:02 GMT+7

VHO- Khi không khí tết Trung thu tràn ngập khắp phố phường thì cũng là lúc làng nghề Ông Hảo (xã Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên) nhộn nhịp, tất bật suốt ngày đêm.

Tỉ mẩn trong từng nét vẽ mặt nạ Ông Địa

Trải bao thăng trầm, có lúc tưởng như đã bị “xóa sổ”, nhưng người dân nơi đây vẫn bền bỉ gắn bó với nghề bằng ước mơ cháy bỏng “giữ hồn” cho tết Trung thu truyền thống.

Nặng lòng với nghề

Theo quốc lộ 5B chúng tôi tìm về thị trấn Như Quỳnh (Hưng Yên) rồi ngược con Phố Nối để đến làng Ông Hảo. Nằm ở vị trí trung tâm của xã Liêu Xá thuộc huyện Yên Mỹ nhộn nhịp người xe xuôi ngược, thế nhưng ngôi làng cổ kính này lại đẹp và bình yên lạ lùng. Ẩn dưới những nếp nhà ngói ba gian đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ, người làng Hảo vẫn bền bỉ gắn bó với nghề làm đồ chơi truyền thống mỗi dịp Tết Trung thu cận kề.

Trong ký ức người dân làng Ông Hảo, những chiếc mặt nạ giấy bồi nhỏ xinh, chiếc trống ếch ngộ nghĩnh hay ông sư tử lung linh bảy sắc cầu vồng đã được các cụ làm ở đây từ rất lâu rồi. Khi những món đồ chơi hiện đại chưa xuất hiện thì nhà nào cũng là một xưởng sản xuất nhỏ. Có lúc, số người nặng lòng với nghề vơi đi rất nhiều và tưởng như thời của những món đồ chơi xưa cũ kia chỉ còn là dĩ vãng… Thế rồi nhiều năm gần đây, khi các giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm và phát huy trở lại, thì mặt hàng đồ chơi Trung thu được làm thủ công cũng tìm thấy được vị thế vốn có của mình. Phải chăng vì lẽ đó mà danh tiếng của đồ chơi Ông Hảo đã vang xa khắp cả nước.

Chúng tôi tới thăm nhà ông Vũ Huy Đông, một trong những hộ gia đình gắn bó với nghề làm đồ chơi truyền thống qua nhiều thế hệ. Dù chẳng quen biết từ trước, nhưng ông Đông chân tình bảo: “Ai yêu thích đồ chơi truyền thống mà tìm về đây thì đều được coi là người nhà”. Nghệ nhân đã có gần 40 năm gắn bó với mặt nạ giấy bồi tâm sự: “Hiếm có nơi nào được đón tết Trung thu sớm như ở làng Hảo. Cách rằm tháng 8 chừng một tháng, thương lái đã đổ về gom hàng. Số lượng sản phẩm được đặt mua cứ năm sau lại nhiều hơn năm trước, mỗi hộ dân bán được tới hàng vạn sản phẩm, công việc của người làm nghề vì thế mà cũng bận bịu hơn, thời điểm vào vụ cũng bắt đầu sớm hơn!”. Ở thời điểm hiện tại, một chiếc mặt nạ hay đầu sư tử giấy có giá dao động khoảng 30.000 đồng. Trống ếch tùy từng kích cỡ nhỏ to mà có giá từ 15.000 đồng cho tới 200.000 đồng một chiếc.

Cách nhà ông Đông không xa, gia đình bà Vũ Thị Thoàn cũng là một trong năm hộ sống bằng nghề làm trống gia truyền. Với 20 người thợ đang làm việc liên tục, một năm cơ sở này sản xuất được khoảng 50.000 - 60.000 sản phẩm. Suốt mấy chục năm gắn bó với nghề, chưa một lần bà Thoàn mảy may ý định sẽ tìm công việc khác. Bà bảo: “Tết Trung thu mà vắng đi tiếng trống của con trẻ hay thiếu đi chiếc đầu sư tử thì không còn là Trung thu nữa! Dù thế nào thì chúng tôi cũng sẽ gắn bó với nghề và coi đó như tài sản vô giá của cha ông để lại. Nhất định sẽ không để nghề mai một”.

 Những chiếc trống làng Ông Hảo đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước

Kỳ công đồ chơi truyền thống

Ngồi xem các chị, các mẹ nắn nót từng nét vẽ trên chiếc mặt nạ giấy bồi, tỉ mẩn tạo dáng hình cho chiếc đầu sư tử hay cẩn thận trong từng công đoạn làm trống mới thấy hết được sự kỳ công và vất vả của người thợ. Khi đã chuẩn bị xong các nguyên liệu cần thiết, người làng Ông Hảo chia nhỏ từng mảnh giấy, khéo léo dán chúng thành nhiều lớp lên khuôn xi măng đúc sẵn để bắt đầu cho công đoạn tạo hình. Tô màu là khâu quan trọng nhất bởi nó sẽ quyết định phần “hồn” của sản phẩm. Tới lúc này thì già trẻ gái trai trong nhà tất thảy đều trở thành họa sĩ. Chính bởi vậy mà khi có cơ hội được nâng niu chiếc mặt nạ hay đầu sư tử của làng Ông Hảo trên tay, người ta không thể nào tìm ra được hai cái giống nhau y hệt. Mỗi người thợ lại có cách vẽ riêng. Đơn giản như chỉ cần thêm cái răng sún cho mặt nạ Ông Địa đã thấy được sự hài hước, thú vị và khác biệt rồi!

Để màu sắc tươi sáng không bị lấm lem, màu này khô thì mới được tô màu mới, mặt nạ nhiều màu thì phải tô nhiều lần. Tuy mất nhiều thời gian nhưng khi gặp nắng thu hanh vàng, thứ nước sơn được phết đều tay kia sẽ khô đanh lại, bật lên sắc màu óng ánh và bóng bẩy.

Người làng Ông Hảo thường đem sản phẩm ra hong dưới nắng. Đây cũng chính là lúc cả khoảng sân trước nhà hay con ngõ nhỏ trở nên đẹp hút hồn. Nào trống ếch, nào mặt nạ, nào đầu sư tử đủ màu sắc sặc sỡ được dàn ra thẳng đều tăm tắp. Đôi khi người ta còn thấy chúng nằm vắt vẻo trên bờ rào hay đong đưa trên những sợi dây chăng bên giếng nước. Nhưng điều khiến người ta phải lưu luyến nhiều nhất có lẽ là hình ảnh những chiếc xe đạp của các mẹ, các chị chầm chậm tiến ra đường quốc lộ với hàng chục chiếc đầu sư tử rực rỡ đỏ xanh vàng tía buộc ở phía sau. Mỗi chuyến xe đi hàng lại thấy Trung thu về gần thêm một đoạn.

Cũng như các sản phẩm văn hoá dân gian khác, chiếc mặt nạ giấy bồi phản ánh khá rõ nét những mong ước về cuộc sống no đủ của người dân đất Việt. Chúng còn gần gũi ở chỗ từ gò má, sống mũi, đến chiếc khăn vấn đội đầu… tất cả đều mang dáng dấp hình hài thuần Việt, thể hiện sự duyên dáng, hóm hỉnh cũng như nét văn hóa không thể pha trộn của con người Việt Nam. Vài năm trở lại đây, để tạo sự mới mẻ, hấp dẫn hơn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhí, người làng Ông Hảo còn sáng tạo thêm khuôn hình các nhân vật truyện tranh nước ngoài như Batman, người nhện, công chúa, hoàng tử…

Tạm biệt làng Ông Hảo để ra về, trong lòng chúng tôi cứ lưu luyến mãi hình ảnh ấn tượng của những món đồ chơi Trung thu truyền thống. Đó cũng là lý do khiến không ít người đã đến và “phải lòng” mảnh đất này. 

 VŨ MỪNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top