Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Nghệ sĩ thương tiếc nhạc sĩ Phó Đức Phương

Thứ Bảy 19/09/2020 | 22:08 GMT+7

VHO - Nhiều nghệ sĩ đã bày tỏ cảm xúc trước sự ra đi của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Những ca khúc của ông đã chắp cánh cho rất nhiều nghệ sĩ tài năng.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương qua đời lúc 12 giờ 18 phút trưa nay 19.9 tại Hà Nội sau thời gian chống chọi với bệnh ung thư tụy, hưởng thọ 76 tuổi. Nhạc sĩ phát hiện mắc bệnh hồi tháng 4 năm nay trong tình trạng khá nặng và ngay lập tức được gia đình đưa vào viện. Trong thời gian điều trị bệnh, nhạc sĩ luôn giữ tinh thần lạc quan. Mỗi ngày, ông nghe lại những nhạc phẩm của mình để thư giãn.

Những tác phẩm của ông: Những cô gái Quan họ, Hồ trên núi, Không thể và có thể, Một thoáng Tây hồ, Huyền thoại hồ núi Cốc, Về quê, Vũ khúc con cò... đã trở thành những ca khúc nằm lòng của nhiều thế hệ. Âm nhạc của ông không chỉ chắt lọc được tinh túy của văn hóa đồng bằng Bắc bộ, mà còn đầy ắp trí tuệ, dạt dào cảm xúc, đầy ắp tình yêu con người, quê hương, đất nước.

Trong bài đăng tiễn biệt người tiền bối, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long viết: “Một nhạc sĩ tài ba, người góp phần tạo diện mạo cho nền âm nhạc đại chúng mang đậm chất Việt. Một nhạc sĩ đa tài, yêu quê hương Việt Nam, yêu vùng quê đồng bằng Bắc bộ và yêu quê ngoại Kinh Bắc trong từng nốt nhạc, lời ca. Một nhạc sĩ không ngại tiếp nạp những mới mẻ của âm nhạc đương thời mà giới trẻ đang tiếp nối và sáng tạo. Tôi còn nhớ cách đây chưa lâu, khi hai chú cháu cùng là khách mời tham gia một chương trình do nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam dẫn dắt, sau khi quay xong, ba chú cháu xuống quán cafe trên phố Hàng Trống ngồi trò chuyện, ông nói ông thực sự hứng thú với âm nhạc của các bạn trẻ. Hai gương mặt ông ấn tượng nhất và sẵn sàng tham gia trong nhóm cùng sáng tạo là Hoàng Thuỳ Linh và Phùng Khánh Linh. Trước đó không lâu, cũng những năm thuộc giai đoạn cuối của sự nghiệp sáng tác, tôi thực sự ấn tượng về ca khúc Tửu ca với sự góp mặt của Thanh Ngoan, Thanh Thanh Hiền. Tất nhiên nó không phải ca khúc tiêu biểu nhất gắn với tên tuổi Phó Đức Phương nhưng nó thể hiện chất "điên", chất riêng, như vừa thoát tục như vừa vấn vít bụi trần. Gió mùa Đông Bắc và mưa ở Hà Nội ngày hôm nay sẽ đưa ông về chốn bình yên rong ruổi khắp miền Kinh Bắc. Vĩnh biệt người nhạc sĩ tài ba”.

NSND Thái Bảo cũng bày tỏ trên trang cá nhân của mình: “Hôm nay 19.9.2020, một ngày mưa tầm tã anh đã từ giã gia đình, người thân và bạn bè. Từ giã cuộc đời, đồng nghiệp với những “cuộc chơi” âm nhạc và hàng trăm khán giả ngưỡng mộ, yêu mến anh. Vĩnh biệt anh một trong những cây cổ thụ của làng âm nhạc VN. Cầu cho linh hồn anh “Về quê” siêu sinh nơi miền cực lạc”.

NSND Tuấn Hải cũng ôn lại kỷ niệm may mắn khi có duyên được làm việc với nhạc sĩ Phó Đức Phương: “Có một điều không mấy người biết, những bài hát nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Phó Đức Phương đều xuất phát từ những ... vở kịch. Ví như bài Chảy đi sông ơi là ca khúc vở kịch Thuyền lá của Nhà hát Kịch VN năm 1996, Trên đỉnh phù vân là ca khúc của vở Yêu trên đỉnh Phù vân của Kịch nói Hải Phòng, Không thể có thể là ca khúc vở kịch Không thể và có thể của Kịch nói Nam định ...

Nhạc sĩ tài hoa Phó Đức Phương, ngoài sáng tác nhạc, mấy chục năm trước anh còn thường viết nhạc cho các vở diễn Sân khấu gồm các thể loại Kịch nói, chèo, cải lương ...  Nhà hát Kịch Việt Nam đã nhiều lần được cộng tác với anh qua các vở diễn Thuyền lá, Ngụ ngôn năm 2000, Giấc mộng đêm hè và nhiều vở khác ...

Riêng đặc biệt kỷ niệm với anh cùng vở diễn Giấc mộng đêm hè của Shakespeare trong chương trình hợp tác Sân khấu Việt - Mỹ năm 2000. Dàn diễn viên được huy động của cả hai nước, diễn viên của ta cứ diễn bằng tiếng Việt, diễn viên Hoa kỳ cứ nói bằng tiếng Anh, trên sân khấu có phụ đề chạy theo lời thoại... Và điều đặc biệt âm nhạc của vở diễn này do NS Phó Đức Phương sáng tác, mang đậm âm hưởng dân tộc của Việt Nam, cụ thể là nhạc ... Tuồng. Âm nhạc không được thu thanh, hàng đêm chúng tôi phải diễn trực tiếp với dàn nhạc dân tộc. Điều đặc biệt nữa là trong tác phẩm đồ sộ này lại có ba bài hát. Người phải hát trực tiếp ba bài hát này trên sân khấu là... tôi, một trong những vai chính trong vở kịch. Vở diễn không được sử dụng mic, có nghĩa là diễn viên phải nói và hát bằng tiếng nói thật của mình.

“Không được thu thanh bài hát, vất vả nhất với nhạc sỹ là anh phải đến tập với tôi một tuần liền tại Nhà hát Kịch VN cùng với dàn nhạc dân tộc. Mọi việc rồi cũng xong xuôi, và anh cũng thở phào nhẹ nhõm. Tôi cứ nhớ mãi những giây phút thăng hoa khi mở màn của đêm diễn. Khi tiếng trống và kèn tuồng cất lên, cánh màn nhung mở ra. Mình tôi đứng trên bục cao ba mét vừa nhẩy hiphop vừa hát với dàn nhạc Tuồng bài hát Thúng mủng tùng xèng mở màn của anh, cả hai anh em đều hồi hộp... Nghĩ lại, cho đến bây giờ vẫn thấy rộn ràng. Vở diễn được ra mắt ở cả hai nước VN và Mỹ... Một chút kỷ niệm xin được nhớ đến anh, người nhạc sỹ tài danh” NSND Tuấn Hải nhớ lại.

TRUNG HIẾU

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top