Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Để kinh tế ban đêm là cơ hội lớn của ngành du lịch (Bài 4): Địa phương phải đóng vai trò chủ đạo

Thứ Hai 21/09/2020 | 12:03 GMT+7

VHO- Với những lợi ích to lớn mà kinh tế ban đêm có thể mang lại, sau khi đã được Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm, các địa phương cần bắt tay ngay vào việc quy hoạch, đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng các sản phẩm và dịch vụ về đêm, tăng cả lượng và chất để phát triển kinh tế ban đêm, đáp ứng nhu cầu của người dân và khách du lịch.

 Phố đi bộ Bùi Viện (TP.HCM) về đêm

 TP.HCM sẽ tăng cường các hoạt động giải trí về đêm

Trong số 10 địa phương được chọn để thí điểm phát triển kinh tế ban đêm, TP.HCM có vị trí quan trọng, là đầu tàu kinh tế, trung tâm tiêu dùng, du lịch của cả nước. Mới đây, khi làm việc với lãnh đạo TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP.HCM thúc đẩy rõ hơn kinh tế ban đêm. “Theo tính toán, cứ 4 tiếng đồng hồ thêm về kinh tế ban đêm thì đóng góp từ 5-8% GDP của thành phố. Cho nên cần tăng cường tổ chức kinh tế ban đêm, bảo đảm an ninh trật tự cho kinh tế ban đêm. TP.HCM cần tập trung kích cầu tiêu dùng, từ đó sẽ giúp kích cầu cho cả nước, lan tỏa cả nước. Thành phố phải hướng mạnh mẽ vào lĩnh vực dịch vụ, nhất là dịch vụ bất động sản, dịch vụ tài chính ngân hàng, dịch vụ chứng khoán, dịch vụ du lịch khi mà dịch vụ chiếm trên 60% GDP”.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM nhận định: “Hoạt động kinh tế ban đêm thu hút cả khách quốc tế lẫn khách nội địa và có tiềm năng phát triển rất lớn thời gian tới. Ðề án phát triển kinh ban đêm mà chúng tôi vừa xây dựng tập trung tăng cường các hoạt động giải trí về đêm của TP.HCM, với hai nhóm giải pháp chính. Thứ nhất, hoàn thiện và nâng chất lượng cơ sở vật chất các cơ sở giải trí về đêm hiện tại, nâng cao chất lượng nhân sự, dịch vụ đạt chuẩn; Đảm bảo công tác an toàn, an ninh cho các hoạt động giải trí về đêm; Tập trung truyền thông, quảng bá dịch vụ về đêm của thành phố tới các thị trường mục tiêu. Thứ hai là tập trung phát triển các dịch vụ, cơ sở và sản phẩm mới để tăng hoạt động kinh tế về đêm trên cơ sở phối hợp với các Sở, ban, ngành, quận, huyện như tăng các hoạt động biểu diễn nghệ thuật với nhiều chương trình đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách và người dân thành phố”.

Bà Hoa cũng cho biết, thành phố sẽ tập trung phát triển các khu ẩm thực, khu mua sắm, hoạt động về đêm, gắn liền với việc đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh ẩm thực và hoạt động biểu diễn, ngành Du lịch TP.HCM sẽ quy hoạch và phát triển mở rộng các câu lạc bộ giải trí về đêm, đảm bảo các hoạt động này mang tính chất giải trí lành mạnh; Tạo thêm việc làm và tăng nguồn thu.

Chính quyền địa phương cần chủ động

Chủ tịch HĐQT Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, du lịch Việt Nam đang bị hụt thu khoảng 3 tỉ USD do khách du lịch chủ yếu chi tiêu ban ngày, thiếu hẳn các sản phẩm, dịch vụ du lịch về đêm. Vì thế, kinh tế du lịch ban đêm sẽ là điểm đột phá thúc đẩy du lịch Việt Nam giữ lại 3 tỉ USD đó. Trước đây khi chưa xảy ra đại dịch Covid-19, mặc dù có tốc độ phát triển nhanh, lượng khách lớn nhưng doanh thu từ du lịch của Việt Nam vẫn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực, đóng góp của ngành du lịch cho GDP chưa được 10%. Ông Nguyễn Quốc Kỳ đã thẳng thắn đánh giá ngành du lịch bị “mắc kẹt” ở đâu đó, chưa có những giải pháp đột phá để phát triển, thừa chỗ ngủ, thiếu chỗ chơi và không có chỗ để khách tiêu tiền. Các địa phương cần chủ động trong việc tạo ra các hệ sinh thái kinh tế ban đêm thật an toàn, hấp dẫn để tạo thêm việc làm, thu nhập cho dân cư đô thị, thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch.

Đồng tình với ý kiến này, ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam cho rằng: “Ngoài việc nâng cao doanh thu, lợi nhuận, kinh tế ban đêm còn có thể tạo ra sự đột phá của ngành du lịch, nâng cao sức cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. Muốn thế, các địa phương khi phát triển kinh tế ban đêm cần quy tụ được mọi thành phần, mọi dịch vụ cần thiết để phục vụ du khách và người dân. Đồng thời, phải có quy hoạch, chiến lược hành động và quy chế rõ ràng để cộng đồng tham gia vào phát triển kinh tế ban đêm, gắn liền với quyền lợi cũng như trách nhiệm của người tham gia. Chính quyền địa phương đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển kinh tế ban đêm, vì thế các địa phương phải hiểu được giá trị tiềm ẩn của nền kinh tế mới mẻ này ở nước ta và cần phải tập trung vào đâu để đẩy mạnh khai thác nền kinh tế này, kết nối giữa kinh tế ban ngày và kinh tế ban đêm”.

“Ở Đà Nẵng, nhận thức rõ những lợi thế của nền kinh tế ban đêm, đặc biệt cho phát triển du lịch, thành phố đã có những định hướng phát triển kinh tế ban đêm theo các nhóm hoạt động, dịch vụ gồm: Văn hóa, vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm và tham quan du lịch. Trước mắt, Đà Nẵng chọn lọc, tổ chức khai thác các khu vực, dịch vụ có sẵn trên nguyên tắc đảm bảo mỹ quan, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, chất lượng, tính hấp dẫn có khả năng phát triển và có hiệu quả. Đồng thời, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân. Về lâu dài, Đà Nẵng sẽ thực hiện quy hoạch và dành quỹ đất cho các cụm, khu vực trọng điểm phát triển kinh tế ban đêm riêng biệt với khu dân cư để định hướng, kêu gọi đầu tư cho các tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt, hấp dẫn, chất lượng”, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết.

Nhiều doanh nghiệp du lịch, chuyên gia kinh tế, khách du lịch và người dân cũng hy vọng sự vào cuộc của Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… sẽ thúc đẩy kinh tế ban đêm phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. 

 THÚY HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top