Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Khám chữa bệnh không bị gián đoạn trong và sau mưa lũ

Thứ Hai 26/10/2020 | 11:02 GMT+7

VHO- Hiện các cơ sở khám chữa bệnh bị ngập trong trận lụt vừa qua tại Quảng Bình, Quảng Trị đang khẩn trương khắc phục để đảm bảo tốt công tác khám chữa bệnh cho người dân. Trước đó, trong giai đoạn nước lên cao nhưng các y, bác sĩ không có ngày nào nghỉ điều trị, cấp cứu cho bệnh nhân.

 Đoàn công tác của Bộ Y tế thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) Ảnh: H.THÁI

Ngay sau nước rút, GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế và đoàn công tác của Bộ Y tế đã có mặt tại Quảng Bình vào chiều ngày 24.10 để kiểm tra công tác ứng phó y tế trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

Dù bị ngập lụt vẫn tiến hành cấp cứu…

Tại đây, bác sĩ Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cho hay, có hơn 100 trạm y tế xã bị ngập lụt trong mưa lũ lịch sử vừa qua, nhiều cơ sở y tế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt BV đa khoa của huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy chịu thiệt hại nặng nhất. Dù khó khăn, các y bác sĩ vẫn cố gắng khắc phục để đảm bảo cấp cứu, đỡ đẻ, phẫu thuật an toàn cho bệnh nhân. “Mất điện toàn viện, không ít ca bác sĩ phải dùng đèn pin hoặc dụng cụ khác để mổ cho bệnh nhân”, ông Cường nói.

Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy là một trong những cơ sở y tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua. Theo bác sĩ Thái Văn Công, Giám đốc Bệnh viện, nước ngập vào Bệnh viện tới hơn 2m khiến hệ thống máy chủ có nguy cơ cao bị hỏng nặng; 3 máy giặt, là, sấy; hệ thống xử lý nước thải; nhà máy phát điện ngập sâu; hệ thống mô tơ chạy máy phát điện hay bơm nước lên bể, hệ thống cứu hỏa... đều đã hỏng. Ngoài ra, trang thiết bị văn phòng, hồ sơ bệnh án bị nước ngập hư hại... Chia sẻ với những khó khăn của ngành Y tế Quảng Bình và huyện Lệ Thủy phải chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt mưa lũ lịch sử, quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long ghi nhận đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ y tế của Bệnh viện tại đây, dù mưa lũ, nước lụt dâng cao nhưng đã hết sức cố gắng, cứu chữa, phẫu thuật cho bệnh nhân. “Bệnh viện vẫn mổ đỡ đẻ 4 ca, mổ cấp cứu ruột thừa cho người dân trong huyện. Bệnh nhân được đảm bảo dinh dưỡng, thực phẩm an toàn trong thời gian phải ở lại viện, không trường hợp tử vong nào đáng tiếc xảy ra. Trong hoàn cảnh mưa lũ, các cơ sở y tế càng thể hiện tình đoàn kết, tương trợ. Đó là trách nhiệm của chúng ta với nhân dân”, ông Long nhấn mạnh.

GS.TS Nguyễn Thanh Long lưu ý, sau mưa lũ rất cần quan tâm vấn đề dịch bệnh phát sinh. Cùng với đó, cần đề phòng có nhiều bệnh nhân bị chấn thương, tai nạn thương tích do làm lại nhà, lợp lại nóc nhà. “Trước mắt, cần đảm bảo người dân được hưởng dịch vụ nước sạch và dịch vụ y tế, không bị bệnh sau lũ như bệnh lây qua đường tiêu hóa, côn trùng đốt, da liễu... Tới đây, Bộ tiếp tục tăng cường sự hỗ trợ này bằng cách thành lập các đoàn, sao cho mỗi tỉnh có ít nhất 2 đoàn giúp các địa phương phục hồi công tác khám chữa bệnh, không để bị gián đoạn và công tác phòng chống dịch bệnh. Các địa phương cần nhanh chóng khẩn trương đưa các cơ sở y tế vào hoạt động, đảm bảo tính liên tục trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân”, ông Nguyễn Thanh Long chỉ đạo.

Chuyển 8 trường hợp phụ nữ mang thai đi sinh

Trước đó, Bộ Y tế đã hỗ trợ bè cứu sinh, phao cứu sinh, đặc biệt là Cloromin B, thuốc sát trùng, viên sát khuẩn nước quan điểm là không để địa phương thiếu. Quyền Bộ trưởng giao cho các đơn vị sẽ cấp cho mỗi địa phương 2 triệu viên khử khuẩn Aquatabs và 2 tấn Cloramin B.

Trong ngày 24.10, TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) dẫn đầu đoàn công tác đã đến Quảng Trị làm việc về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ. Ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị cho biết, trước khi xảy ra bão lũ, ngành y tế Quảng Trị đã chuẩn bị các kế hoạch ứng phó, do đó đã giảm thiểu được tối đa thiệt hại. Trong thời gian mưa lũ, Sở Y tế Quảng Trị đã điều động tổ cấp cứu lưu động thường trực 24/24h tại cảng Cửa Việt. Các y bác sĩ, nhân viên y tế đã cứu hộ 39 người, trong đó 12 trường hợp được sơ cứu tại chỗ và bàn giao cho lực lượng cứu nạn của cảng Cửa Việt; 27 người được chuyển cấp cứu tại các cơ sở y tế trên địa bàn (trong đó có 19 trường hợp có yếu tố dịch tễ với Covid-19 được cách ly y tế tại Bệnh viện chuyên khoa Lao và bệnh phổi tỉnh).

Tuy nhiên, toàn tỉnh có 41 trạm y tế bị ngập lụt, 43 trạm y tế bị hư hỏng, hệ thống mái che bị thấm dột, một số trang thiết bị y tế bị hỏng hóc. Trong đó, một số trạm y tế bị cô lập, chia cắt và vùi lấp, thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lũ, hiện đến thời điểm này một đoàn công tác của Trung tâm y tế huyện Hướng Hóa đi tiếp cận cơ sở- trạm y tế xã Hướng Phùng bị vùi lấp, thiệt hại nặng vẫn chưa về được vì giao thông chia cắt, tuy nhiên hiện sức khỏe của đoàn an toàn.

Trung tâm y tế huyện Triệu Phong cơ sở 2 cũng là nơi bị ngập nặng nề, nhưng công tác khám chữa bệnh cho nhân dân vẫn được thực hiện đầy đủ. Tại thời điểm nước ngập có 36 cán bộ y tế và 25 bệnh nhân đang điều trị tại đây. Trong những ngày ngập phải có thuyền nhỏ đưa đồ ăn vào bệnh viện cho người bệnh và cán bộ, nước sinh hoạt thì hứng nước mưa, nước ăn thì mua để phục vụ người bệnh, y bác sĩ của bệnh viện. “Đội cấp cứu cơ động của Trung tâm y tế cùng y tế xã và công an huyện đi ca nô đến vùng ngập lụt chuyển 8 trường hợp phụ nữ mang thai đi sinh, một trường hợp viêm phế quản và một trường hợp bị suy thận nặng đến Bệnh viện đa khoa huyện Triệu Hải và Bệnh viện tỉnh để cấp cứu”, BSCK II Võ Thanh Tâm thông tin.

TS Đặng Quang Tấn chia sẻ những khó khăn vất vả của ngành y tế Quảng Trị, đồng thời nhấn mạnh công tác vệ sinh môi trường sau bão lũ rất quan trọng vì nguy cơ bệnh truyền nhiễm xuất hiện và gia tăng, đặc biệt là bệnh liên quan đến tiêu hóa, bệnh đường ruột, bệnh ngoài da, bệnh do dinh dưỡng không đáp ứng, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề nghị ngành y tế địa phương cần tiếp tục quan tâm đến vấn đề này, tránh để dịch bệnh sau mưa lũ bùng phát. Đoàn công tác của Bộ Y tế đã tặng ngành y tế Quảng Trị 100 cơ số thuốc, 700.000 viên khử khuẩn nước Aquatabs; 50 bộ dụng cụ phòng chống lụt bão, 600 kg sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em, thực phẩm trị giá 150 triệu và 100 triệu đồng. 

Xuất cấp không thu tiền 6,7 triệu viên sát khuẩn nước

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1650/QĐ-TTg về việc xuất cấp hóa chất khử khuẩn từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Tĩnh và Bộ Y tế. Thủ tướng giao Bộ Y tế xuất cấp không thu tiền 6,7 triệu viên sát khuẩn nước Aquatabs 67mg từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Tĩnh và Bộ Y tế để cấp cho các đơn vị phòng, chống dịch bệnh.

Cụ thể, tỉnh Quảng Trị 1 triệu viên; tỉnh Quảng Ngãi 0,2 triệu viên; tỉnh Quảng Nam 1 triệu viên, tỉnh Hà Tĩnh 1,5 triệu viên và Bộ Y tế 3 triệu viên. Bộ Y tế chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo. UBND các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Tĩnh và Bộ Y tế tiếp nhận, quản lý và sử dụng số hóa chất khử khuẩn nêu trên theo đúng quy định hiện hành. P.V

 BÌNH AN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top