Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Văn chương khoa học viễn tưởng Việt Nam: Khoảng trời rộng mở

Thứ Hai 14/12/2020 | 14:58 GMT+7

VHO- Mang vẻ đẹp kỳ ảo của nghệ thuật ngôn từ, thú vị và cuốn hút bởi những ý tưởng độc đáo, những lý giải khoa học xác thực, dòng sách khoa học viễn tưởng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của mỗi người. Những năm gần đây, đi cùng xu hướng phát triển như vũ bão của cách mạng 4.0, dòng văn học này ngày càng thu hút nhiều cây viết cùng bạn đọc yêu văn chương và ưa thích khám phá ở Việt Nam.

 Ngày càng có nhiều tác phẩm khoa học viễn tưởng Việt Nam ra mắt độc giả

Không phải khi khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ, thể loại văn chương này mới xuất hiện, các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng (science-fiction, viết tắt là sci-fi) đã ra đời từ nhiều thế kỷ trước ở các nước phương Tây, nơi khoa học vốn được chú ý khá sớm.

Văn chương gặp khoa học để cùng thăng hoa

Từ đó tới nay, nhiều tác phẩm đã ra đời và chinh phục độc giả, với sự tưởng tượng về một thế giới không có thật trong hiện tại, thể hiện ý tưởng phát minh khoa học công nghệ hay những cuộc khám phá, thám hiểm vũ trụ... Là tác phẩm văn chương nhưng không phải chỉ là một thứ giải trí thuần túy, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng còn hướng tới khám phá bản chất của thực tại bằng những lý giải khoa học; hoặc từ quan sát thực tại để đưa ra những dự đoán về tương lai nhân loại, dựa trên hiểu biết khoa học.

Với sự pha trộn tinh tế giữa chất phiêu lưu, thần bí, các tình tiết, sự kiện bất thường, như con người du hành vượt không gian, thời gian, sự sống trên hành tinh bên ngoài hệ Mặt trời hay trở về lý giải những bí hiểm của quá khứ…, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng là mảnh đất màu mỡ cho những cây viết thả sức tưởng tượng. Bởi những nội dung hấp dẫn, nội dung phong phú, mới lạ và đầy logic, loại hình này đã chinh phục nhiều thế hệ độc giả trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng vốn không được nhiều cây bút chú ý, một thời kỳ còn được coi là văn học dành cho trẻ em; trong khi nhu cầu đọc thể loại này vẫn tồn tại và thu hút độc giả đủ mọi lứa tuổi. Phần lớn tác phẩm thể loại này là các tác phẩm dịch, như Hai vạn dặm dưới đáy biển của nhà văn Jules Verne; Hòn đảo tàu ma, Người cá của nhà văn Aleksander Romanovich Belyaev (Nga); loạt tác phẩm Ulysses Moore của tác giả Italia Dockdomenico Baccalario; Người về từ Sao Hỏa của Andy Weir; Tam Thể của tác giả Lưu Từ Hân; Đỏ trỗi dậy của Pierce Brown...

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tác phẩm khoa học viễn tưởng Việt Nam còn khá mờ nhạt trên văn đàn, tác giả quá hiếm hoi, độc giả chưa ổn định. Tuy vậy, với một thế hệ trẻ sống trong môi trường khoa học công nghệ phát triển, thể loại này đã dần được quan tâm. Theo nhà văn Phan Hồn Nhiên thì so với hàng chục năm trước, hiện nay nhiều bạn trẻ có thói quen đọc, có môi trường tiếp cận khoa học kỹ thuật trong bối cảnh công nghệ phát triển, có ý niệm về khoa học. Từ môi trường đó, sự đón nhận các tác phẩm khoa học viễn tưởng của giới trẻ không còn manh mún như 10 năm trước. Độc giả của sci-fi tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đã có những cộng đồng những người đọc sci-fi lên tới hàng trăm ngàn thành viên.

Triển vọng của văn chương khoa học viễn tưởng Việt Nam

Trước nhu cầu của độc giả và sự thôi thúc của lớp nhà văn trẻ hiểu hơn về công nghệ và khoa học, những năm gần đây, đã có nhiều tác giả viết về thể loại này, như ba tác phẩm Máu hiếm, Luật chơi, Hiện thân của nhà văn Phan Hồn Nhiên, Thiên Mã của nhà văn Hà Thủy Nguyên...

Gần đây, tác phẩm Ác quỷ rừng phế tích (Aftermath Saga), tác giả Nam Thanh và Nguyễn Thành Phong đã được ra mắt, thu hút sự chú ý của bạn đọc, thậm chí phải đặt trước khá lâu mới được sở hữu cuốn sách trong tay. Chuỗi tác phẩm dự định có 7 tập, lấy bối cảnh thế giới ở thế kỷ 23 và lấy mốc khởi đầu là sự kiện thảm họa Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (1986). Theo dòng câu chuyện, người đọc sẽ dần tiếp cận với một thế giới với Hạt Temno, thứ vật chất thao túng sinh mệnh của vạn vật và công nghệ thao túng trí não mang tên Aftermath cùng những chủng loài sinh vật hoang dã dần có được trí tuệ như con người. Kể từ đây, một thế giới rộng lớn với đầy rẫy những biến động căng thẳng được mở ra, hé lộ nên âm mưu thống trị thế giới của một kẻ phản diện “bất tử”...

Tuy vậy, để có một dòng sách văn chương khoa học viễn tưởng mang đậm bản sắc Việt vẫn là câu chuyện phải chờ đợi ở thì tương lai. Tác giả Nam Thanh cho rằng: “Nỗi sợ lớn nhất khi viết và xuất bản sci-fi ở Việt Nam là do nó vốn chưa có tiền lệ. Các nhà xuất bản thường chọn phương án an toàn là chuyển ngữ các tác phẩm đã có tiếng trên thế giới hơn là trao cho các tác giả trẻ trong nước một cơ hội chứng minh khả năng”. Thực tế, khi anh liên hệ một số nhà xuất bản để tìm đầu ra cho tác phẩm thì đều gặp những phản ứng e dè, đa số các đơn vị xuất bản tỏ ra nghi ngờ về sự tồn tại của một “thị trường đọc sci-fi” ở Việt Nam...

Hơn thế nữa, nhiều cây viết trẻ còn cho rằng, sci-fi không phải là thể loại dễ viết, bởi tác giả am hiểu và cập nhật kiến thức khoa học, có những ý tưởng hay nhưng lại vừa phải kể được câu chuyện hấp dẫn để tác phẩm không bị khô khan như một cuốn sách lý thuyết. Do đó, nhiều tác giả trẻ thích fantasy hơn vì nó tự do bay bổng trong trí tưởng tượng mà không bị giới hạn bởi các quy luật thông thường hay logic khoa học.

Từ kinh nghiệm sáng tác, nhà văn Phan Hồn Nhiên cho rằng, bạn đọc Việt Nam lâu nay tiếp nhận dòng truyện khoa học viễn tưởng rất tốt. Tuy nhiên, các đơn vị xuất bản còn chưa hình dung ra sức sống nội sinh của truyện sci-fi trong nước, cho nên chưa có những cú bắt tay giữa người viết và nhà xuất bản để thúc đẩy trào lưu sci-fi Việt phát triển. Tác giả Phan Hồn Nhiên mong rằng sẽ có một “vệt sách sci-fi của Việt Nam ra đời và được đón nhận như đã từng đón nhận sci-fi nước ngoài”, tất nhiên, để làm được điều đó, phải có một lực lượng sáng tác truyện sci-fi hùng hậu. Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng, khi bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với sự phát triển khoa học, văn chương khoa học viễn tưởng sẽ là khoảng trời rộng mở, thôi thúc các cây viết trẻ khẳng định mình, không chỉ hướng tới độc giả trong nước mà cả bạn đọc thế giới. 

 LAN BÌNH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top