Khánh Hòa “báo động” thiếu nguồn lao động chất lượng cao

VHO- Hiện nguồn lao động chất lượng cao trên địa bàn Khánh Hòa còn khá hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Khánh Hòa “báo động” thiếu nguồn lao động chất lượng cao - Anh 1

 Các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động tại các phiên giao dịch việc làm

Thời gian qua, hàng loạt nhà thầu phụ đang thi công tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 liên tục gửi đăng ký tuyển dụng khoảng 1.400 lao động kỹ thuật chất lượng cao tới các ngành chức năng. Mức lương được các đơn vị đưa ra từ 10 đến 90 triệu đồng/tháng. Để hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển lao động, Sở LĐ,TB&XH Khánh Hòa đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh mở các phiên giao dịch việc làm tại các địa phương để kết nối, tuyển dụng nhân sự cho các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, qua các phiên giao dịch việc làm, các doanh nghiệp đều chưa tuyển dụng được lao động theo yêu cầu. 
Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong chia sẻ, tại Khu công nghiệp Suối Dầu có 2 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế tạo đăng ký tuyển 60 kỹ sư nhưng nhiều năm qua vẫn chưa tuyển được người nào đáp ứng nhu cầu. Còn tại các doanh nghiệp đang thi công Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 hiện chỉ có 2 kỹ sư là người Khánh Hòa đang làm việc, số còn lại chủ yếu là người ngoài tỉnh và lao động nước ngoài làm việc. Điều này cho thấy, hiện nay nguồn lao động kỹ thuật, kỹ sư có tay nghề trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế. 
Ông Hoàng cũng cho biết đã đến lúc các cấp, ngành, địa phương cần khẩn trương khảo sát nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp, Khu kinh tế Vân Phong... Trên cơ sở đó để có chương trình, kế hoạch tuyển sinh, đào tạo lao động chuyên sâu theo nhu cầu để cung ứng cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, cần tính toán đến nhân lực chất lượng cao cung ứng cho các nhà máy, doanh nghiệp đang được đầu tư, xây dựng ở Khu kinh tế Vân Phong sau khi đi vào hoạt động. Cùng với đó, cần có định hướng chuyển đổi nghề nghiệp, chính sách đào tạo nghề cho một bộ phận lao động đang làm những ngành nghề có xu hướng thu hẹp như nuôi trồng, đánh bắt hải sản gần bờ, nông nghiệp… 
Ông Văn Đình Tri, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Khánh Hòa cho biết, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các Sở, ngành, địa phương thực hiện khảo sát nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đang đầu tư vào kinh tế biển, Khu kinh tế Vân Phong... Từ đó sẽ xây dựng chính sách, kế hoạch cung ứng, đào tạo, hỗ trợ nhân lực chất lượng cao, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, triển khai. Chỉ đạo, hướng dẫn các trường nghề tập trung tuyển sinh, đào tạo những ngành nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp; liên kết đào tạo và đào tạo chuyên sâu tay nghề cho lao động của doanh nghiệp. Qua đó sẽ đáp ứng nhân lực phục vụ cho các dự án, hoạt động của các nhà máy, doanh nghiệp đã, đang và sẽ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, thời gian tới Sở sẽ tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo lại tay nghề cho hơn 5.000 lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ; thực hiện chính sách đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho hơn 12.000 lao động nông thôn, bị thu hồi đất phục vụ các dự án...
 

NGỌC BẢO CHÂU
 

Ý kiến bạn đọc