Khi học trò được hóa thân trong vai nhà giáo

VHO- Đã thành thông lệ từ 5 năm nay, mỗi mùa tháng 3 về, tháng của thanh niên, tháng của nhiệt huyết tuổi trẻ, học sinh Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TP.HCM) lại được hòa mình vào ngày hội “Một ngày làm giáo viên”.

Khi học trò được hóa thân trong vai nhà giáo - Anh 1

 Phong thái tự tin của một nam sinh trong vai trò thầy giáo

Năm nay, 194 học sinh ở ba khối lớp đã có một ngày thú vị nhiều cảm xúc khi được trải nghiệm đứng trên bục giảng sắm vai thầy, cô giáo.

“Cảm giác mong muốn các học trò mình cần chú ý”

Chương trình năm nay có chủ đề “Vinh quang viên phấn trắng” vừa là hoạt động kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đồng thời đây cũng chính là một dự án của trường nhằm định hướng nghề nghiệp, khơi nguồn cảm hứng, “tiếp lửa” cho học sinh đến với nghề “kỹ sư tâm hồn” trong tương lai.

Trong bài phát biểu đại diện cho các học sinh tham gia ngày hội, em Đỗ Thị Khánh Ngọc, lớp 12A2 bày tỏ “có thể nói rằng chương trình “Một ngày làm giáo viên” là cơ hội mà chúng em không dễ có được, để từ đó ươm mầm những khát khao, hoài bão, góp phần to lớn vào hành trang chắp cánh cho ước mơ trong mỗi chúng em. Chúng em có một ngày được trở thành các thầy, các cô, được tự mình chọn môn học yêu thích để dạy, được tự tay chuẩn bị giáo án, bài giảng và quan trọng hơn hết, chúng em được đứng trên bục giảng để thực hiện sứ mệnh cao cả của một người lái đò trên dòng sông chữ thực thụ, điều đó sẽ cho chúng em nhiều giá trị trong cuộc sống”. Tương tự, học sinh Nguyễn Thùy Ánh Dương, lớp 11A14, tham gia dạy môn tiếng Anh cho hay, “trải nghiệm đứng lớp đã giúp em tự tin, dạn dĩ hơn trước đây rất nhiều. Qua đây em biết cảm thông nhiều hơn với các thầy cô, hiểu được cảm giác người đứng trên bục giảng mong muốn các học trò mình cần chú ý những gì khi chúng em ngồi bên dưới, để từ đó em hoàn chỉnh bản thân hơn”.

Tham gia dạy môn Ngữ văn, học sinh Phan Lê Thanh Thảo, lớp 11A2 thì bày tỏ, em đã chuẩn bị mấy tuần nay cho tiết lên lớp của mình. “Bài dạy của em là phân tích bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính, qua việc soạn giáo án và nhờ sự hỗ trợ của thầy cô, em biết được nỗi vất vả, khó nhọc thế nào để có một tiết dạy chỉn chu. Nhưng cũng nhờ vậy em cảm nhận mình được trưởng thành hơn, cảm thông sâu sắc với các thầy cô nhiều hơn. Chúng em được học cách sống với tình yêu thương, sống có trách nhiệm hơn”, Thảo chia sẻ. Trong số 194 học sinh tham gia làm giáo viên, trường đã chọn ra 59 bạn thực hiện tốt nhất giờ giảng của mình để khen thưởng.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho biết, đây là dự án của trường đã thực hiện được năm thứ 5 với sự tham gia của tập thể hội đồng sư phạm nhà trường. Qua 5 năm cho thấy không chỉ học sinh và giáo viên đều rất hào hứng với hoạt động này, mà nhiều phụ huynh cũng rất đồng tình, các phụ huynh cũng đã tham gia ngồi dưới lớp để chứng kiến con em mình trưởng thành trong vai trò người đứng lớp. “Hoạt động nhằm tạo sân chơi đồng thời hướng nghiệp cho các học sinh, tuy nhiên cho dù sau này các em không nhất thiết theo ngành sư phạm, cũng có được kỷ niệm đẹp dưới mái trường phổ thông”, ông Phú chia sẻ.

Khi học trò được hóa thân trong vai nhà giáo - Anh 2

 Ngày hội “Một ngày làm giáo viên” giúp học sinh hiểu hơn về nghề “lái đò qua sông”

Tạo mối gắn bó khắng khít hơn giữa thầy cô và học trò

Theo các giáo viên, để chuẩn bị cho một tiết dạy này, từ đầu tháng 3 trường đã lên kế hoạch thực hiện, riêng các học sinh phải tập trung học bài rất nhiều, bên cạnh đó các em đầu tư trang phục, tập nói trước công chúng... Các học sinh đã có thời gian dài để soạn giáo án, chuẩn bị bài vở với sự hỗ trợ của giáo viên bộ môn.

Tham gia đứng lớp, các em được tạo điều kiện tối đa của nhà trường, ngoài tham gia trao đổi chuyên môn, sinh hoạt trong phòng giáo viên, các em cũng được xem hồ sơ sổ sách liên quan đến nội dung môn học, được trao đổi với giáo viên, đến các phòng ban, gặp gỡ hiệu trưởng đề đạt ý kiến… Theo ông Huỳnh Thanh Phú, chương trình nhằm giúp các học sinh trưởng thành hơn khi hóa thân trong vai trò của một nhà giáo, hình ảnh quen thuộc mà các em nhìn thấy hằng ngày, qua đó học sinh rèn được kỹ năng tự tin đứng trước tập thể. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là hỗ trợ tích cực việc học tập của các em hiện tại, tạo mối gắn bó khắng khít hơn giữa thầy cô và học trò. Đồng thời qua đây học sinh có thể gửi gắm tâm tư, phong cách giảng bài mà các em cần đối với thầy cô của mình.

Thời khắc các em sắm vai thầy cô sẽ đọng lại trong mỗi người những kỷ niệm khó phai... Có thể nói, sau năm năm tổ chức, chương trình đã khẳng định đây là một sân chơi trí tuệ bổ ích khi số lượng học sinh tham gia ngày càng nhiều, phủ đầy tất cả các môn học. Ngay cả những môn như thể dục, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục quốc phòng,... các em cũng đăng ký tham gia dạy, điều đó cho thấy các học sinh quan tâm đến tất cả các lĩnh vực môn học, không có sự phân biệt môn chính, môn phụ, từ đó mà việc học tập của các em cũng sẽ toàn diện hơn. 

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc