Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Triển khai đợt 3 tiêm vắcxin phòng Covid-19:“Tiêm tới đâu an toàn tới đó”

Thứ Hai 17/05/2021 | 11:58 GMT+7

VHO- Ngày 16.5, Việt Nam tiếp tục nhận 1.682.400 liều vắcxin phòng Covid-19 của AstraZeneca do Chương trình COVAX Facility tài trợ đợt 2 để triển khai tiêm chủng trên toàn quốc. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương, đơn vị chuẩn bị ngay kế hoạch tiêm đợt 3, trên tinh thần rà soát đối tượng ưu tiên đợt 1-2, mở rộng đối tượng và phạm vi tiêm chủng.


 Tiêm vắcxin ngừa Covid-19 cho lực lượng tuyến đầu

 Đồng thời tiếp tục thực hiện phương châm tiêm đến đâu an toàn đến đó, đảm bảo độ bao phủ tiêm chủng.

An toàn cho mình, cho mọi người

Từ ngày 8.3, Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia đã tổ chức tiêm vắcxin phòng Covid-19 cho lực lượng tuyến đầu là các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội… Đến ngày 15.5, trên toàn quốc đã có hơn 977.000 liều vắcxin phòng Covid-19 được tiêm cho các đối tượng. Theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, đa số những người tiêm không có phản ứng gì nặng, một số có phản ứng đau tay, đau cơ, đau đầu, sốt…

Chị Phạm Nhung, phóng viên Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC cho biết, vừa hoàn thành mũi tiêm vắcxin phòng Covid-19 vào ngày 12.5 và hiện nay sức khỏe hoàn toàn bình thường. “Khi tôi thông báo với gia đình về quyết định tiêm vắcxin, bố mẹ tôi động viên, nếu được tiêm thì đi tiêm để đảm bảo sức khỏe. Nhưng sau đó, nghe tin một nữ nhân viên y tế tại An Giang tử vong sau tiêm vì cơ địa quá mẫn cảm với non steroid (NSAIDs) lại khiến tôi bất an. Tuy nhiên, làmột phóng viên chuyên theo dõi về tình hình dịch bệnh, tôi hiểu Bộ Y tế và các cơ sở tiêm chủng đã được trang bị đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm và các máy móc để nếu có điều không may sẽ sẵn sàng ứng phó. Kết quả đã chứng minh những lo ngại của tôi đã hơi quá vì sau mũi tiêm, tôi chỉ hơi đau nơi mũi kim tiêm, ngoài ra không có bất cứ phản ứng nào”, chị Nhung cho hay.

Trong khi đó, chị Dương Ngân, phóng viên Báo Đầu tư cũng cho hay, trước khi quyết định đăng ký tiêm vắcxin cũng không khỏi trăn trở, lo lắng. Nhưng ở xung quanh, chị thấy những nhân viên y tế nhọc nhằn chống dịch trong những bộ đồ bảo hộ nóng bức, bí bách nhiều tháng, nhiều ngày không được về nhà với bữa cơm qua loa, giấc ngủ chập chờn. Chị thấy nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, người lao động đối mặt với nguy cơ mất việc làm, cuộc sống bếp bênh; giáo viên mầm non khóc ròng vì trẻ em nghỉ học dài đồng nghĩa việc họ không được trả lương… “Tôi cũng chứng kiến nhiều người dân bị cách ly, nhiều khu vực bị phong tỏa, dịch bệnh tấn công vào thành trì cuối cùng là các bệnh viện; chứng kiến nhiều người có dấu hiệu bệnh mà không dám đi khám do sợ lây nhiễm dịch, hay có bệnh nhân trở nặng vì không được điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Và còn rất nhiều, rất nhiều những thiệt hại khác về du lịch, kinh tế hay những hệ luỵ to lớn khác sẽ diễn ra nếu dịch bệnh không được kiểm soát. Vì vậy, tôi nghĩ mỗi liều vắcxin được tiêm là giảm một nguy cơ cho cộng đồng, nên tôi đã đăng ký chờ đến lượt được tiêm bởi đó không chỉ là thực hiện nghĩa vụ công dân mà còn là niềm tin rằng càng nhiều người được tiêm thì đại dịch Covid-19 sẽ nhanh chóng được đầy lùi”, chị Ngân chia sẻ.

Phải theo hướng dẫn của Bộ Y tế

Thực tế cho thấy, trước những thông tin về phản ứng phụ, về hiệu quả sau khi tiêm vắcxin AstraZeneca, việc nghi ngờ, ám ảnh buộc người dân phải thận trọng hơn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu ai cũng mang trong mình một mối nghi hoặc, không tin tưởng vào trình độ nền y tế nước nhà thì cộng đồng, xã hội không thể trở lại với sinh hoạt bình thường, với cuộc sống lâu dài…

Trong khi dịch bệnh còn phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, chỉ cần phát sinh một ca bệnh có thể ảnh hưởng, phong toả cả một khu vực; và thực tế cũng đã chứng minh ở những quốc gia có tỷ lệ bao phủ người dân được tiêm vắcxin, số ca mắc đã giảm mạnh, dần kiểm soát được dịch bệnh. Theo TS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, không có vắcxin nào đảm bảo 100% cho người tiêm. Theo các nhà khoa học, vắcxin AstraZeneca đảm bảo hiệu quả tới 85%. Nhưng với những người đã tiêm nếu mắc Covid-19 chắc chắn tình trạng bệnh cũng được giảm rất nhiều, không bị thể nặng và không đối diện nguy cơ tử vong. “Sau khi tiêm mũi 1, hiệu quả phòng các thể của Covid-19 đạt mức 50-70%. Ở liều thứ 2, hiệu quả bảo vệ lên tới trên 80%. Cho đến thời điểm này, tại Việt Nam chưa có trường hợp nào tiêm đủ hai mũi bị bệnh nặng hay tử vong vìmắc Covid-19”, ông Thái cho hay.

Trở lại với việc triển khai đợt tiêm vắcxin đợt 3, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, Chương trình sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn về công tác tiêm vắcxin phòng Covid-19 cho các tuyến, đặc biệt là công tác khám sàng lọc và xử trí phản ứng sau tiêm chủng để đảm bảo an toàn tiêm chủng. Song song với đó, các địa phương sơ kết chia sẻ kinh nghiệm triển khai tiêm vắcxin phòng Covid-19 đợt 1, đợt 2 để chuẩn bị cho triển khai cho đợt 3. “Chúng tôi đặc biệt lưu ýcác địa phương phải tổ chức tiêm chủng an toàn và phòng lây nhiểm Covid-19 tại các điểm tiêm chủng theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế và Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia. Các địa phương sẽ càng phải nỗ lực hơn nữa với quyết tâm cao sớm đạt được độ bao phủ 2 mũi vắcxin cho các nhóm đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ”, PGS Dương Thị Hồng nói.

Hiện, Bộ Y tế đang nỗ lực, khẩn trương đàm phán, làm việc với nhiều quốc gia, tổ chức, nhà sản xuất và đã có khoảng 110 triệu liều vắcxin cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm 2021 gồm: 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triệu liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với Chương trình COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều vắcxin theo cơ chế chia sẻchi phí. Ngoài ra, các nguồn vắcxin khác của Moderna, Johnson&Johnson và của các quốc gia như Đức (CureVac), Nga (Spunik V), Trung Quốc (Sinopharm) cũng đang được Bộ Y tế tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất với mục tiêu đa dạng hóa nguồn vắcxin để phục vụ người dân. 

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ)

QUỲNH HOA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top