Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu vắc xin để tiêm cho người lao động

Thứ Ba 01/06/2021 | 09:27 GMT+7

VHO- Việt Nam đề nghị các nước gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vắc xin; khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu trực tiếp vắc xin để tiêm chủng cho người lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; cơ chế chia sẻ chi phí liên quan đến việc tiếp cận vắc xin…

Đây là một trong những nội dung mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề xuất tại các cuộc họp với các doanh nghiệp, đại sứ quán, tổ chức quốc tế nhằm cung cấp vắc xin phòng Covid-19 cho Việt Nam.

Tại cuộc họp trực tuyến với công ty Zuellig Pharma là đơn vị đại diện cung ứng vắc xin phòng Covid-19 của Moderna cho Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Zuellig Pharma cung ứng vắc xin cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất với giá cả hợp lý nhất để ứng phó kịp thời, hiệu quả với đại dịch. Đại diện Zuellig Pharma cam kết sẽ sớm thảo luận với Moderna các đề xuất của Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đàm phán với các bên về cung cấp vắc xin cho Việt Nam

Chiều ngày 28.5, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã có cuộc làm việc với đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và đại diện các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam gồm: Phòng Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM); Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EURO CHAM); Hiệp hội Doanh nghiệp Anh; Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản và các công ty Samsung Việt Nam, SK, LG … để thảo luận về vấn đề cung ứng vắc xin phòng Covid-19 cho Việt Nam cũng như việc tiêm chủng vắc xin cho công nhân, người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, quan điểm của Việt Nam là làm thế nào để có thể tiếp cận vắc xin phòng COVID-19 nhanh nhất và đảm bảo độ bao phủ tiêm chủng vắc xin rộng nhất. Mặc dù vậy, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh trong thời gian qua, Việt Nam không phải là điểm nóng về dịch Covid-19 nên việc tiếp cận vắc xin cũng hạn chế hơn do các đơn vị cung ứng vắc xin ưu tiên cho các khu vực là điểm nóng về dịch bệnh.

Bộ Y tế cùng các bên đã thảo luận về các cơ chế tiếp cận vắc xin phòng Covid-19 như đề nghị các nước gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vắc xin; khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu trực tiếp vắc xin để tiêm chủng cho người lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; cơ chế chia sẻ chi phí liên quan đến việc tiếp cận vắc xin… Các bên đều ủng hộ cùng tham gia chia sẻ để giảm nhẹ gánh nặng đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong vấn đề tiếp cận và cung ứng vắc xin.

Đại diện các Hiệp hội, Phòng thương mại, các công ty cũng đồng ý chia sẻ chi phí liên quan đến việc tiêm chủng vắc xin cho người lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các bên đánh giá cao việc Bộ Y tế sẽ hỗ trợ phê duyệt các thủ tục nhập khẩu vắc xin nhanh nhất, nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy định của Việt Nam.

Vắc xin theo chương trình COVAX facility về tới Việt Nam 

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin Chương trình COVAX Facility đã cam kết hỗ trợ Việt Nam 38,9 triệu liều vắc xin Covid-19 và Việt Nam cũng đề xuất COVAX Facility hỗ trợ Việt Nam thêm 10 triệu liều vắc xin theo cơ chế chia sẻ chi phí. Bộ trưởng mong muốn các Đại sứ quán, các doanh nghiệp của các Quốc gia tài trợ cho COVAX Facility hỗ trợ, tác động để có thêm vắc xin cho Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các nước có dư thừa vắc xin, tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận được nhiều nguồn vắc xin.

Liên quan đến những biến thể và khả năng “siêu lây nhiễm” của virus SARS-CoV-2, GS.TS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, hiện nay, trên thế giới đã phát hiện khoảng hơn 28 nghìn đột biến trên gen của vi rút SARS-CoV-2. Hầu hết các đột biến không làm thay đổi đặc tính của virus, nhưng có một số đột biến có thể gây ảnh hưởng đến đặc tính sinh học như làm tăng khả năng lây nhiễm, giúp vi rút có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch hay làm tăng khả năng xâm nhập vào các tế bào biểu mô đường hô hấp.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chia các biến thể của SARS-CoV-2 làm 2 nhóm là Biến thể đáng quan tâm (VOIs) và Biến thể đáng quan ngại (VOCs). Biến thể đáng quan tâm (VOIs) khi có thay đổi về kiểu hình hoặc có 1 gen với nhiều đột biến có khả năng làm thay đổi acid amin liên quan đến kiểu hình; và gây lây lan dịch trong cộng đồng hoặc có nhiều ca/chùm ca bệnh xuất hiện cùng lúc; hoặc được phát hiện ở nhiều quốc gia.

Còn biến thể đáng quan ngại (VOCs) là những biến thể được khẳng định có liên quan đến gia tăng đáng kể khả năng lây lan; làm thay đổi đáng kể tình hình dịch tễ Covid-19 một cách tiêu cực; tăng độc lực vi rút/làm nặng lên biểu hiện lâm sàng; giảm hiệu quả các biện pháp y tế công cộng; hay giảm hiệu quả của các vaccine, xét nghiệm chẩn đoán, liệu pháp điều trị hiện hành.

Các biến thể đáng quan ngại (VOCs) bao gồm: Biến thể B.1.1.7 (phát hiện ở Anh) đã được ghi nhận ở 155 quốc gia, Biến thể B.1.351 (ở Nam Phi) đã được ghi nhận ở 111 quốc gia, Biến thể P.1 (ở Brazil) đã được ghi nhận ở 62 quốc gia, và biến thể B.1.617 (ở Ấn Độ) đã được ghi nhận ở 63 quốc gia. Theo WHO, các biến thể với lợi thế thích nghi sẽ dần dần thay thế các biến thể cũ theo thời gian.

Tại Việt Nam, biến thể B.1.1.7 và biến thể B.1.351 được ghi nhận vào tháng 10.2020 từ những công dân về nước từ Anh và hiện nay là biến thể B.1.617 từ ổ dịch Yên Bái, Hà Nam.

Đối với vắc xin, theo WHO, các vắc xin Covid-19 hiện được cấp phép cung cấp sự bảo vệ nhất định chống lại các biến thể vi rút mới vì chúng tạo ra một phản ứng miễn dịch rộng rãi liên quan đến một loạt các kháng thể và tế bào. Do đó, những biến đổi hoặc đột biến của virus sẽ không làm cho vắc xin mất hoàn toàn tác dụng. Trong trường hợp bất kỳ loại vắc xin nào được chứng minh là kém hiệu quả hơn đối với một hoặc nhiều biến thể, thì có thể thay đổi thành phần của vắc xin để bảo vệ chống lại các biến thể này. Do đó, việc giám sát các đột biến của vi rút cũng như tác động của các biến thể mới đối với hiệu quả bảo vệ của vaccine cần được tiếp tục theo dõi, cập nhật và đánh giá.

Chính phủ, Bộ Y tế đang nỗ lực để có vắc xin cho người dân và dựa trên hệ thống tiêm chủng sẽ nhanh chóng tiêm cho người trong diện tiêm chủng. Cần phải tiêm sớm và tiêm đủ liều theo hướng dẫn của Bộ Y tế để có đủ miễn dịch bảo vệ. Khi tỷ lệ bao phủ vắc xin cao, không chỉ giúp cho cá nhân được bảo vệ bệnh nặng, tử vong mà còn giảm sự lây nhiễm SARS-CoV2, ngăn lây lan và phát sinh các biến thể mới.

VIỆT THANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top