Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Tiết kiệm, sáng tạo trong phòng, chống dịch Covid-19: Bài cuối: Tạo khối đại đoàn kết vững mạnh để chiến thắng dịch bệnh

Chủ Nhật 20/06/2021 | 23:23 GMT+7

VHO- Việt Nam đã có hơn 10.000 bệnh nhân Covid-19, cùng với đó số người bị đưa đi cách ly y tế cũng tăng lên, nhiều Bệnh viện dã chiến, trường học, trường mầm non được trưng dụng thành cơ sở cách ly. Nhiều nơi hạ tầng cơ sở chưa kịp thời đáp ứng nên người dân phải trải chiếu xuống đất vì không có giường. Đây chính là động lực để các nhà khoa học Việt Nam lại tiếp tục sáng tạo ra giường bằng bìa carton an toàn, chắc chắn thay cho loại giường bằng inox có giá hàng triệu đồng.

Giường cách ly độc đáo từ bìa carton

Ngày 7.6, 500 chiếc giường carton đầu tiên được vận chuyển tới và lắp đặt tại khu cách ly ở Bắc Ninh. Như vậy đã có tổng số 1.500 giường được Quỹ Một quả trứng vận động tài trợ để tặng cho một số điểm nóng dịch bệnh gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Điện Biên.

Giường carton được lắp đặt tại khu cách ly tập trung tại Bắc Ninh

Tác giả thiết kế kiểu giường này không ai khác, chính là PGS.TS Phan Trung Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Khoa học và công nghệ cao su (Trường ĐH Bách Khoa  Hà Nội). Anh cũng là tác giả của loại mặt nạ lọc khí áp lực dương được tặng cho y bác sĩ ở nhiều bệnh viện tuyến đầu chống dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cùng nhiều sản phẩm, thiết bị y tế phục vụ chống dịch khác.

Anh Nghĩa cho biết, khi xem trên tivi về tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ, Thái Lan có hình ảnh về giường carton, trong khi đó, tại khu cách ly của Việt Nam nhiều người phải nằm đất vì không kịp trang bị giường. Do đó, khi được Quỹ Mỗi ngày 1 quả trứng đề nghị, anh đã bày tỏ ý kiến về việc thiết kế giường chống dịch bằng carton. Không lâu sau, vào đầu tháng 6.2021 lô giường đầu tiên đã ra đời và lên đường tới Điện Biên, nơi nhiều trẻ em bị cách ly phải nằm đất hoặc giường tầng, khiến nhiều bé bị ngã. 

Giường được cấu tạo gồm 9 -12 thùng carton ghép vào nhau (tùy kích thước giường), bên trong thùng có vách ngăn để đỡ trọng lực. Kích thước của giường là rộng 90 cm, dài 190 cm, cao 60 cm, thuận tiện cho bác sĩ trong quá trình thăm khám, lấy mẫu ở khu cách ly, đồng thời an toàn cho trẻ em; phía trên có các tấm che chắn kín đáo và phòng tránh lây nhiễm. Theo tính toán, loại giường này có thể đỡ được trọng lực từ 180 – 200kg, lắp đặt chỉ trong vòng 5 phút và thời gian sử dụng khoảng 6 tháng. “ Giường có nhiều ưu điểm như virus sống trên bề mặt carton ngắn hơn trên bề mặt khác, giá thành rẻ, dễ dàng vận chuyển, khi không cần sử dụng có thể tái chế, hoặc làm thùng đựng đồ”, PGS Phan Trung Nghĩa nói.

Người cách ly y tế sử dụng giường carton thuận tiện hơn so với việc phải nằm chiếu dưới đất

Chia sẻ thêm về việc tặng giường này, bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh – người sáng lập và điều hành Quỹ Mỗi ngày 1 quả trứng cho biết, ngay khi có được thiết kế về loại giường carton nay, chị đã đưa lên mạng xã hội để xin báo giá sản xuất. Trong khi một số nơi báo giá 500.000 – 600.000 đồng/chiếc thì Cổ phần In và Bao bì Goldsun đã lập tức chung tay, với giá thành 320.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, Công ty chỉ lấy chi phí nguyên liệu trị giá 187.000 đồng/chiếc; chi phí còn lại gồm sản xuất,  vận chuyển và các chi phí khác được Công ty hỗ trợ miễn phí. Giá này rẻ hơn rất nhiều nếu mua 1 giường sắt hoặc inox có giá từ 8 trăm ngàn - 2 triệu đồng, và khi dịch qua đi sẽ gặp khó khăn trong việc phân phối sử dụng hoặc kho chứa. 

Nhân dân chung tay cùng Nhà nước quyết tâm chiến thắng dịch bệnh

Hiện chúng ta đang đối mặt với làn sóng dịch lần thứ 4, chủ yếu do chủng Ấn Độ gây ra. Vụ dịch này có quy mô và tính phức tạp cao hơn các vụ dịch trước vì nó bùng phát cả ở bệnh viện, nơi có nhiều người  bệnh nặng, nhiều bệnh  lý nền, cả ở trong cộng đồng nhiều địa phương, cả ở trong các khu công nghiệp lớn với ca mắc tăng nhanh, lên tới 10.000 ca lây nhiễm trong nước chỉ chưa đầy 2 tháng qua.

Số ca mắc hiện vẫn chưa có chiều hướng giảm, và đang lan ra nhiều tỉnh thành, do đó cuộc chiến chống dịch lần này được xác định là lâu dài. Vì vậy đòi hỏi phải nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị ở tất cả các tuyến, ưu tiên nguồn lực, đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc,  vật tư hóa chất và trang thiết bị phục vụ công tác khám và điều trị.

PGS.TS Phan Trung Nghĩa giới thiệu với bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh về mặt nạ lọc khí áp lực dương

Trong các thảm họa dịch bệnh, đối tượng dễ bị tổn thương nhất chính là lực lượng nhân viên y tế, vì họ phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Thực tế cho thấy, ngày 19.6 vừa qua đã có thêm 24 y bác sĩ tại Bắc Giang đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Do đó, đội ngũ bác sĩ được bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ tốt là phòng tuyến vững vàng để Việt Nam có thể vượt qua đợt dịch nghiêm trọng này, đồng thời chuẩn bị cho công tác ứng phó dịch về lâu dài.

Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh cho rằng, các bác sĩ không cô đơn, cộng đồng đang ở bên cạnh, dõi theo họ và lo lắng cho sức khỏe của họ. “Với chi phí chỉ 10.000.000 đồng/bộ mặt nạ lọc khí áp lực dương của thầy trò Trường ĐH Bách Khoa thì đây là giải pháp tiết kiệm, hiệu quả nhất trong thời điểm hiện tại, bảo vệ bác sĩ và bảo vệ cộng đồng. Hiện tại ở Việt Nam chưa có đơn vị nào sản xuất loại mặt nạ này, nếu nhập khẩu thì sẽ rất khó khăn vì khan hiếm và đắt tiền, đồng thời nếu dùng ngân Nhà nước nên phải thực hiện nhiều quy trình đấu thầu… Do đó, Quỹ Mỗi ngày 1 quả trứng đã kêu gọi cộng đồng cùng chung tay đóng góp để bảo vệ y bác sĩ”, người điều hành Quỹ chia sẻ.

Từ sự đóng góp của cộng đồng, mà 24 bộ mặt nạ lọc khí đã được trao tặng tới các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch, và việc kêu gọi vẫn đang tiếp tục diễn ra. Cùng với đó là sự đóng góp của người lao động và doanh nghiệp – Công ty Cổ phần In và bao bì Goldsun để tạo ra hàng trăm nghìn chiếc giường carton có giá thành rẻ nhất. Người lao động sẵn sàng làm việc xuyên đêm để kịp thời giao hàng tới tâm dịch.

Theo bác sĩ Oanh, sở dĩ giá thành của bộ mặt nạ lọc khí chống dịch có chi phí 10 triệu đồng/bộ rẻ chỉ bằng 1/3 tới 1/2 so với nước ngoài bởi đây chỉ là giá sản xuất, mà không bao gồm chi phí cho ý tưởng, công sức cũng như thù lao cho PGS.TS Phan Trung Nghĩa cũng như các đồng nghiệp và SV của trường. Tất cả đều mong muốn mang lại những điều tốt đẹp nhất, đóng góp được nhiều nhất có thể cùng Chính phủ, các lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch.

Tương tự như vậy, giá thành của ống môi trường mà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội sản xuất chỉ có giá vài nghìn đồng so với giá mua lên tới 65.000 đồng/ống. Bởi ở đó chưa tính đến chi phí công lao động của nhân viên y tế. Còn nhớ, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm bày tỏ với phóng viên: nhân viên của CDC Hà Nội đã sản xuất hàng trăm nghìn ống môi trường, nhiều khi làm việc không kể ngày đêm suốt gần 1 năm qua, nhưng cũng chưa được nhận một ngày công nào. Bởi vì trong danh mục liên quan đến công tác xét nghiệm có danh mục chi phí mua ống môi trường chứ không có chi phí cho nhân lực sản xuất ống. Tuy vậy, để hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu xét nghiệm, truy vết nhanh, họ vẫn vui vẻ, hằng ngày làm ra hàng nghìn sản phẩm để sẵn sàng cung cấp cho các quận, huyện.

Với các sáng kiến, sáng tạo “cái khó ló cái khôn” của các nhà khoa học, kỹ sư, phối hợp với người lao động đã tiết kiệm cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng mà không hề nhận thù lao tiền công. Điều này chỉ có thể lý giải là tinh thần đoàn kết, gắn bó, chia sẻ với nhau giữa y bác sĩ, cộng đồng và các nhà khoa học để tạo nên sức mạnh to lớn về vật chất và tinh thần cùng đồng lòng, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh, nhanh chóng trở về cuộc sống bình thường mới.

 

QUỲNH HOA

 

 

 

 

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top