Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Ca khúc Việt:  Chuyển ngữ để hội nhập

Thứ Tư 23/06/2021 | 09:44 GMT+7

VHO- Sau một thời gian trầm lắng, thời gian gần đây, việc chuyển ngữ ca khúc Việt Nam sang tiếng nước ngoài đang được quan tâm trở lại. Điều này không chỉ đưa âm nhạc Việt đến gần hơn với khán giả ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, mà còn mang tới cách tiếp cận mới cho khán giả trong nước với những ca khúc quen thuộc.

 “Ghen Cô Vy” phiên bản tiếng Anh được bạn bè quốc tế yêu thích và được phát sóng trên nhiều kênh truyền hình uy tín của thế giới Ảnh: ITN

 Các tác phẩm được chọn chuyển ngữ thường có một vị trí nhất định trong làng âm nhạc nước nhà hoặc là những ca khúc đang ăn khách, được nhiều khán giả yêu mến.

Phiên bản mới cho ca khúc Việt

Vừa qua, dự án phi lợi nhuận Bilingual Songs for Kids đã thực hiện dịch các ca khúc thiếu nhi nổi tiếng của Việt Nam như Trái đất này là của chúng mình (nhạc Trương Quang Lục, thơ Định Hải); Cánh én tuổi thơ (nhạc sĩ Phạm Tuyên); Cho con (nhạc Phạm Trọng Cầu, thơ Tuấn Dũng)... Khởi nguồn từ ý tưởng của Nguyệt Ca, một cô giáo dạy tiếng Anh ở Hà Nội và cũng là một ca sĩ hát nhạc Trịnh Công Sơn, các ca khúc được làm mới bằng cách phối khí lại, thêm phần lời tiếng Anh, mang đến cách tiếp cận và cảm nhận mới cho nhiều đối tượng khán giả, nhất là thiếu nhi. Đây là cách tiếp cận thú vị cho các bạn nhỏ người Việt đang sống ở nước ngoài và cũng là cơ hội để thiếu nhi thế giới biết đến những giai điệu đẹp và dễ thương của thiếu nhi Việt Nam.

Việc chuyển ngữ ca khúc Việt đang là một trong những xu hướng sáng tác của nhạc sĩ trẻ. Minh Beta, tác giả ca khúc Việt Nam ơi, đánh bay Covid đã dịch lời sang tiếng Anh sau khi đã tạo được hiệu ứng cộng đồng với lời Việt. Lời mới hầu như thể hiện được hết những ý nghĩa trong bản tiếng Việt, tác giả cũng chỉnh sửa, thêm bớt một số ca từ để phù hợp với bản quốc tế như: “From Vietnam to the world, let’s unite to fight Corona” (Từ Việt Nam đến thế giới, hãy cùng đoàn kết đánh bay Corona), “We will leave no one behind” (Chúng ta sẽ không bỏ lại ai phía sau)... Hiệu ứng trên toàn cầu của ca khúc đã gây bất ngờ cho chính tác giả sau gần một tháng ra mắt. Bài hát nhận được hàng chục triệu lượt nghe trên các trang mạng trực tuyến.

Trước đó, trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, công chúng cảm thấy thú vị khi ca khúc “Ghen Cô Vy” phiên bản tiếng Anh được bạn bè quốc tế yêu thích, được phát sóng trên những kênh truyền hình uy tín của thế giới. Phiên bản tiếng Anh của ca khúc này ra đời sau bản gốc chỉ khoảng một tháng, đã nhanh chóng truyền đi thông điệp chống dịch dễ hiểu, mang tính quốc tế cao với giai điệu rộn ràng, trẻ trung, vũ điệu sinh động, trẻ trung, đẹp mắt. Màu sắc phiên bản tiếng Anh được đánh giá là hiện đại, hợp thị hiếu công chúng quốc tế…

Kênh quảng bá tác phẩm âm nhạc hiệu quả

Không phải đến bây giờ các nhạc sĩ, ca sĩ mới có ý thức chuyển ngữ những ca khúc Việt Nam sang tiếng nước ngoài để quảng bá sáng tác của mình ra thế giới. Nhiều bài hát Việt Nam đã được chuyển lời, nhất là tiếng Anh và tiếng Nhật. Với những ca sĩ được mời tham gia liên hoan âm nhạc quốc tế, họ thường chủ động dịch sang tiếng Anh ca khúc thuộc sở trường của mình, vừa giúp bạn bè quốc tế hiểu được ý nghĩa bài hát, vừa đủ tự tin để phô diễn tài năng, chất giọng. Có thể kể đến ca sĩ Mỹ Linh từng trình bày bằng tiếng Anh ca khúc Hương ngọc lan (sáng tác Anh Quân), Hát cho hành tinh xanh (Huy Tuấn); Đức Tuấn có Chúc ngủ ngon (Xuân Nghĩa), Hương xưa (Cung Tiến); Thu Minh có Nhớ anh (Kỳ Phương)...

Từng có nhiều ca khúc Việt được chuyển ngữ thành công không kém gì bản gốc. Điển hình có Diễm xưa của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được dịch ra tiếng Nhật với tên gọi Utsukushii mukashi và được ca sĩ Khánh Ly trình bày ở Osaka năm 1970. Đặc biệt, bản Utsukushii mukashi dưới giọng hát của ca sĩ Nhật Bản Yoshimi Tendo đã được xếp hạng 11 trong 20 ca khúc hay nhất của Nhật Bản năm 2004, trở thành một trong 10 bản tình ca hay nhất mọi thời đại ở đất nước Mặt trời mọc. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn có một số ca khúc được dịch ra nhiều thứ tiếng như: Nối vòng tay lớn, Người con gái Việt Nam da vàng, Ca dao mẹ… Cũng gặt hái thành công khi chuyển ngữ sang tiếng Nhật có thể kể đến ca khúc Nhật ký của mẹ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, Yoshimoto Kayo phổ lời Nhật và được biết đến rộng rãi ở nước này nhờ ca từ đẹp, ý nghĩa, đậm tính nhân văn.

Trong thời đại công nghệ số, việc giới thiệu tác phẩm âm nhạc qua các kênh trực tuyến giúp cho tác phẩm âm nhạc Việt dễ dàng vượt qua khỏi biên giới. Tuy nhiên, để các tác phẩm chuyển ngữ thành công, được sự đón nhận của khán giả trong nước và quốc tế, chất lượng của dịch thuật là điều quan trọng nhất để làm sao có sự uyển chuyển, linh động mà vẫn giữ được tinh thần ca khúc gốc.

Ca sĩ Nguyệt Ca cho biết, các ca khúc cần được chuyển ngữ một cách chuẩn xác, mượt mà, tôn trọng tinh thần của tác giả và được nhìn nhận như một tác phẩm có đời sống riêng chứ không chỉ là sản phẩm dịch gượng ép sang một ngôn ngữ khác. Bởi vậy, trong quá trình thực hiện, có những bài hát nhóm đã dịch được một nửa rồi mà vẫn phải dừng lại vì không tìm được hướng đi phù hợp, hoặc có bài mất đến vài năm mới có được bản dịch hoàn thiện ưng ý. Khán giả chỉ có thể cảm nhận một cách sâu sắc cái hay về giai điệu, ngôn từ khi hiểu được nội dung của ca khúc. Do đó, việc chuyển ngữ những ca khúc Việt Nam sang tiếng nước ngoài, đặc biệt là những ngôn ngữ thông dụng, góp phần không nhỏ vào việc đưa ca khúc đến gần hơn với khán giả quốc tế và thực sự là kênh quảng bá nhạc Việt hữu hiệu. 

 HÀ AN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top