Triệt phá 8 tổng kho chuyên bán sản phẩm không rõ nguồn gốc

VHO- 8 kho hàng, cơ sở kinh doanh tại Hà Nội và Hưng Yên gồm 40 tấn hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... không rõ nguồn gốc vừa bị cơ quan chức năng triệt phá.

Triệt phá 8 tổng kho chuyên bán sản phẩm không rõ nguồn gốc - Anh 1

Hàng trăm nghìn sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang không rõ nguồn gốc (Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường)

Tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), sáng 22.6, 8 mũi tấn công của lực lượng QLTT gồm Tổng cục QLTT, Cục QLTT Hà Nội, Cục QLTT Hưng Yên phối hợp với lực lượng công an tổng tấn công vào các địa điểm đã được trinh sát trên địa bàn Hưng Yên và Hà Nội.

Theo đó, mũi 1 với sự tham gia chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đã có mặt thôn Ngọc Đà, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Đây là điểm tập kết hàng hoá do ông Trần Tiến Quang có Hộ khẩu thường trú tại Hồng An, Hưng Hà, Thái Bình đứng tên chủ kho thuê.

Theo một nguồn tin, chủ cơ sở đã nhập các mặt hàng từ Hàn Quốc, Nhật Bản về Việt Nam qua Cảng Hải Phòng, đưa về tập kết tại kho hàng có địa chỉ tại Ngọc Đà, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Tại đây, hàng hóa được xé lẻ, vận chuyển bằng phương tiện xe tải về tập kết tại một số điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội để tiêu thụ, kiếm lời.

Tại địa bàn Hưng Yên, hàng hóa chủ yếu được tiêu thụ qua các nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt là livetreams bán hàng qua các fanpage “Chego Shop – Thế giới hàng Nhật”, “Chego Hàng Nhật EU” và giao dịch thông qua các ứng dụng trên điện thoại như Zalo, Viber.

Cùng thời gian trên, 7 mũi tấn công thuộc Đội QLTT số 14, Cục QLTT Hà Nội đã phối hợp với Đội 7, PC03, Công an TP Hà Nội tiến hành kiểm tra 7 điểm kinh doanh và tổng kho nằm rải rác ở các vị trí khác nhau trên địa bàn TP Hà Nội.

Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hàng trăm nghìn sản phẩm mỹ phẩm, thời trang và thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Đáng chú ý, trong số này, nhiều sản phẩm được quảng cáo có tác dụng tăng chiều cao, được bán với giá 3 triệu đồng nhưng không được cơ quan nào kiểm định, không được cấp phép nhập khẩu và hướng dẫn sử dụng.

* Chiều 24.6, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng cho biết vừa đồng loạt kiểm tra Trung tâm dược phẩm Hapulico, tại phố Nguyễn Huy Tưởng, Quận Thanh Xuân và 4 cơ sở kinh doanh bán lẻ tại các quận, huyện ngoại thành Hà Nội.

Lực lượng chức năng thu giữ gần 1.700 sản phẩm mỹ phẩm kem đánh răng giả thương hiệu. Các sản phẩm giả này được bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng và phân phối tiêu thụ trên các nền tảng kinh doanh online, sàn thương mại điện tử với mức lợi nhuận gấp đôi so với sản phẩm thật.

VTV.VN

Ý kiến bạn đọc