Nhật Bản công bố kế hoạch viện trợ vaccine cho nhiều nước Đông Nam Á

VHO - Ngày 25.6, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã thông báo về kế hoạch viện trợ hàng triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho các nước Đông Nam Á.

Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi. (Ảnh: Reuters)

Theo thông báo của Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi, Nhật Bản sẽ viện trợ 1 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan vào tuần tới.

Trong cuộc họp báo ngày 25.6, ông Motegi cũng công bố kế hoạch của Nhật Bản viện trợ 1 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca cho Việt Nam và 1 triệu liều khác cho Đài Loan (Trung Quốc). Trước đó, Nhật Bản cũng đã cung cấp 1,24 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho Việt Nam và 1 triệu liều vaccine cho Đài Loan (Trung Quốc)

Số vaccine viện trợ đều của AstraZeneca được cấp phép sản xuất tại Nhật Bản.

Ngoài kế hoạch viện trợ vaccine nói trên, từ giữa tháng 7, Nhật Bản sẽ viện trợ khoảng 11 triệu vaccine cho các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, Nam Á và các quần đảo Thái Bình Dương thông qua chương trình chia sẻ vaccine COVAX.

Theo nghiên cứu của một số tổ chức, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến cuối tháng 5.2021, biến thể Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ đã xuất hiện khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nhật Bản đến nay đã nhận đủ số lượng vaccine để tiêm chủng cho 60 triệu dân nước này và cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp từ tháng 5.2021.

Liên quan đến vaccine Covid-19, những lô vaccine Sputnik Light đầu tiên đã được đưa vào lưu hành dân sự từ ngày 25.6. Đây là vaccine ngừa Covid-19 thứ 4 được cấp phép tại Nga. Tuy nhiên, Sputnik Light không phải là một loại vaccine hoàn toàn mới mà được điều chế trên cơ sở vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V để có một phiên bản tiện lợi hơn với chỉ một mũi tiêm.

Theo Bộ Y tế Nga, 4 triệu liều vaccine Sputnik Light sẽ có mặt tại các điểm tiêm chủng ở Moscow ngay trong tuần tới đây, trong đó có cả các điểm tiêm vaccine trả phí dành cho người nước ngoài. Các dữ liệu nghiên cứu cho thấy, loại vaccine một liều này có hiệu quả ngừa Covid-19 đạt khoảng 80%, thấp hơn loại 2 liều Sputnik V nhưng thuận lợi hơn trong sản xuất và sử dụng.

Theo người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Gamaleya, ông Aleksander Gintsburg, vaccine Sputnik Light mang lại hiệu quả trong cả những mũi tiêm ban đầu hay tiêm nhắc lại và có thể được sử dụng làm mũi tiêm tăng cường khi kết hợp với các loại vaccine khác.

Tính đến ngày 25.6, tại Nga đã có hơn 21 triệu người được tiêm ít nhất một mũi tiêm vaccine ngừa Covid-19, theo đó đạt gần 15% dân số và hơn 30% kế hoạch tiêm chủng đã đề ra. Hiện tại, người dân Nga có thể chọn 4 loại vaccine đang được sản xuất và lưu hành trong nước là Sputnik V, EpiVacCorona, KoviVak và Sputnik Light.

VTV.VN

Ý kiến bạn đọc