Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Hỗ trợ sáng tác văn học: Làm sao để hiệu quả?

Thứ Hai 28/06/2021 | 10:35 GMT+7

VHO- Bộ VHTTDL vừa ban hành Kế hoạch phối hợp công tác giữa Cục Nghệ thuật biểu diễn với Hội Nhà văn Việt Nam, thông qua đó đánh giá tình hình hoạt động văn học, hoạt động hỗ trợ sáng tác văn học của cơ quan quản lý nhà nước và những thuận lợi, khó khăn trong việc tổ chức các trại sáng tác trong thời gian qua ở các địa phương.

Những thành viên của Hội Nhà văn Việt Nam tại Trại sáng tác văn học năm 2020 tổ chức tại Đà Lạt

 Đây là động thái nhằm kích thích hơn nữa các hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Theo báo cáo của Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật, trong năm 2020, Trung tâm đã tổ chức thành công 77 trại sáng tác, trong đó có 54 trại tổng hợp và 23 trại chuyên sâu, với 3.059 tác phẩm thuộc nhiều thể loại văn học, nghệ thuật. Đây có thể xem là nỗ lực rất lớn, biểu hiện cho sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đến không khí sáng tạo của các cá nhân trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đối với đội ngũ những người sáng tác, mọi tác phẩm được “khai sinh” đều bắt nguồn từ chất liệu cuộc sống. Do đó khi có tài trợ, họ sẽ có điều kiện hơn, có một khoảng thời gian không phải lo đến cơm áo gạo tiền để chuyên tâm cho “đứa con tinh thần” của mình. Nói như nhà thơ Lữ Mai, chỉ có những người trong cuộc mới hiểu thấu làm nghệ thuật cực nhọc thế nào khi phải sửa đi sửa lại hàng tuần, thậm chí hàng tháng cho một câu văn, một lời thoại, một nốt nhạc, một chi tiết kịch bản... Chính vì thế, việc họ được yên tĩnh sáng tạo trong một thời gian là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, tham gia các trại sáng tác, văn nghệ sĩ còn được nghe, được hiểu, được học hỏi, trao đổi và khích lệ nhau, bởi với những đề tài nóng, nếu có sự đóng góp ý kiến của tập thể thì khó khăn mấy cũng đều có thể được tháo gỡ.

Vài năm gần đây, các trại sáng tác đã được tổ chức theo mô hình văn nghệ sĩ có đề cương, đề tài tốt được tài trợ để đi sáng tác dài ngày, tập trung sáng tác theo chuyên ngành, theo vùng... Bên cạnh đó, việc chọn lựa những cây bút tiêu biểu, có ít nhiều thành tựu văn học, nghệ thuật (ở quy mô cấp chuyên ngành) hoặc đang có những dự án ấp ủ (đúng với yêu cầu của đơn vị tổ chức trại sáng tác) cần được hỗ trợ để hoàn thiện cũng đã được quan tâm nhiều hơn. Thế nhưng, đến với những trại sáng tác hay những đợt đi thực tế có tài trợ, dễ dàng bắt gặp nhiều gương mặt “người quen”. Điều đáng bàn là số lượng những lần tham dự trại viết của các tác giả này không tỷ lệ thuận với số lượng những tác phẩm có giá trị được giới thiệu tới công chúng. Nói đúng chuyên môn là rất ít sản phẩm có đời sống riêng sau đó.

Giống như các lĩnh vực nghệ thuật khác, để văn học có nhiều đóng góp, nhiều cảm hứng và luồng sáng tạo mới thì phải có người trẻ. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi nói về vai trò của những cây viết trẻ từng nhấn mạnh: “Ta cần người trẻ, cần giọng nói mới, cách thức mới”. Cũng phải bàn thêm rằng, theo quy ước hiện hành của Hội Nhà văn Việt Nam, người viết trẻ là những cây bút không quá 35 tuổi. Có nghĩa, “trẻ” ở đây chỉ là xét về mặt lứa tuổi. Phải minh định sòng phẳng như vậy để “khuyến cáo” những ngộ nhận rằng trẻ là đồng nghĩa với xanh non, thiếu kinh nghiệm sống lẫn viết, đồng nghĩa với cần phải khiêm tốn tầm sư học đạo…

Thông thường, đối với các đơn vị chủ quản, việc mở trại sáng tác là nhằm bù đắp vào sự thiếu hụt đề tài, hay tìm ra những cây bút có triển vọng để bồi dưỡng chuyên sâu nhằm tạo ra lực lượng kế cận. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc mở trại sáng tác như hiện nay vẫn còn khá dễ dãi, bởi lẽ thiếu kịch bản là mở trại, thiếu tác phẩm tuyên truyền về các vấn đề chính trị, xã hội... cũng có thể mở trại viết. Vì vậy, việc xuất bản hay đưa tác phẩm nghệ thuật đến với công chúng cũng trở nên khó khăn hơn do lượng và chất không đồng nhất, chưa kể kinh phí để đầu tư in ấn vẫn còn là bài toán khó đối với nhiều nhà xuất bản.

Chia sẻ về vấn đề này, nhà văn Nguyễn Thu Huệ nói: “Cái quan trọng nhất làm nên chất lượng của mỗi trại viết vẫn là ở mỗi nhà văn. Nói cách khác là chất lượng tác giả”. Do đó, để các trại sáng tác thực sự chất lượng, trước hết cần cải tiến ngay khâu chọn người được tham dự trại. Muốn vậy phải có một hội đồng thẩm định đầu vào có nghề, công tâm, trí tuệ, để lựa chọn đúng đối tượng tham gia. Số lượng người dự trại có thể bớt đi, thời gian tổ chức trại tăng lên. Điều này sẽ giúp ích được rất nhiều văn nghệ sĩ đồng thời tạo ra những tác phẩm có giá trị thực sự.

So sánh với các trại viết hiện nay, trại viết của Tạp chí Văn nghệ Quân đội được coi là khá hiệu quả, trở thành nhu cầu thực tế của các cây bút bước chân vào con đường sáng tác chuyên nghiệp. Theo đó, đơn vị tổ chức sẽ liên hệ với các địa phương, tập hợp những cây viết có chất lượng, sung sức đi thực tế, trực tiếp va đập cuộc sống để ý tưởng nảy ra... rồi từ đó suy ngẫm và biến ý tưởng ấy thành tác phẩm. Các biên tập viên luôn bám sát, đọc, góp ý, sửa chữa, giúp người viết nâng tầm tác phẩm. Nhiều cuộc gặp gỡ được tổ chức với sự tham dự của các nhà văn tên tuổi, người cũ nghe người mới, người trẻ nghe người già trao đổi, tạo ra sự cộng hưởng giữa các thế hệ, bí quyết nghề nghiệp từ từ ngấm vào các trại viên... Cuối cùng, để nghiệm thu kết quả, Tạp chí sẽ chọn đăng những tác phẩm tốt nhất. Từ các trại viết, nhiều tác giả đã đoạt giải cao trong các cuộc thi và hầu hết những người đó sau này đều trở thành nhà văn chuyên nghiệp...

Có thể thấy, từ Kế hoạch phối hợp công tác giữa Cục Nghệ thuật biểu diễn với Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021, công chúng yêu văn chương đang dành nhiều kỳ vọng Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ giới thiệu và phổ biến những tác phẩm, công trình nghiên cứu về văn học xuất sắc; tạo điều kiện để độc giả tiếp nhận, hưởng thụ tác phẩm văn học; phối hợp đưa tác phẩm văn học giá trị vào nhà trường…

VŨ MỪNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top