Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng: Phải giữ được chất “quê mùa” truyền thống

VHO- Việc xác định sản phẩm đặc trưng không khó, vấn đề là cần thổi được cái hồn vào trong sản phẩm đó, tức là phải giữ được chất “quê mùa” nông thôn duyên dáng, truyền thống đặc trưng của địa phương… chứ đừng làm mới theo kiểu “bê tông hóa” một cách rập khuôn.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng: Phải giữ được chất “quê mùa” truyền thống - Anh 1

 Du lịch xanh đang là lựa chọn yêu thích của du khách

Đây là chia sẻ của các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch sau khi đến khảo sát các điểm đến, khu du lịch tại một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long để tái khởi động thị trường du lịch miền Tây, đẩy mạnh liên kết tour nhằm đưa du lịch dần trở lại đường ray.

Phát triển sản phẩm “Một hành trình - nhiều điểm đến”

Để khởi động lại thị trường liên vùng trong quá trình phục hồi hoạt động du lịch, đẩy mạnh liên kết trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19. TP.HCM đã tổ chức đoàn khảo sát các điểm đến, khu du lịch và làm việc với các tỉnh Bến Tre, Long An nhằm đẩy mạnh hoạt động liên kết.

Đề xuất nội dung đẩy mạnh liên kết trong tình hình mới, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho rằng, bên cạnh trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện các bộ tiêu chí đánh giá an toàn và xây dựng bản đồ số du lịch an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. Các địa phương cần tập trung khảo sát, phát triển tuyến du lịch đường thủy để khai thác thế mạnh sông nước, liên kết tạo nên sản phẩm chung phù hợp với thị hiếu của du khách, xây dựng tour cho du khách trải nghiệm được “Một hành trình - nhiều điểm đến”. Trước mắt, tập trung phát triển sản phẩm chung Củ Chi (TP.HCM) - Mộc Hóa (Long An) với chủ đề “Sức sống những hành trình xanh”; tuyến Cần Giờ (TP.HCM) - Bến Tre với chủ đề “Bản giao hưởng sắc màu thiên nhiên”. Đồng thời đẩy mạnh kết nối, giao thương và khảo sát cho các doanh nghiệp du lịch tại TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ để xây dựng và khai thác sản phẩm đặc trưng, khác biệt từ thế mạnh của các địa phương, đáp ứng đúng thị hiếu của du khách trong nước cũng như quốc tế trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần hoàn thiện dần hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, mua sắm… để tăng sức hấp dẫn, kéo dài thêm thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách. Tập trung đưa các nhóm thỏa thuận đã ký kết trước đây vào thực tiễn, chú trọng phát triển sản phẩm trọng điểm giữa các địa phương, có chiều sâu và mang lại giá trị cho cộng đồng…

Thổi hồn vào sản phẩm đặc trưng

Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Sở VHTTDL Long An cho biết, địa phương đã xác định rõ sản phẩm đặc trưng của Long An chính là du lịch sinh thái gắn với chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng, ẩm thực dựa trên tiềm năng và thế mạnh riêng có của vùng Đồng Tháp Mười. Cụ thể là khu rừng tràm gió nguyên sinh duy nhất của Việt Nam với Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (Khu du lịch Cánh đồng bất tận). Đây cũng là tiềm năng, thế mạnh tạo nên ẩm thực mang đặc trưng riêng của vùng đất này - ẩm thực dược liệu.

Là đơn vị tiên phong xây dựng chương trình tour “Xứ tràm thơm” trọn gói hai ngày một đêm, đưa du khách đến Long An tham quan hệ sinh thái rừng tràm nguyên sinh tại Khu du lịch Làng nổi Tân Lập và Cánh đồng bất tận, đạp xe khám phá vẻ đẹp và tận hưởng không khí miền quê yên bình trong tình hình dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát. Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Golden Smile Travel nhìn nhận, Long An tuy không có nhiều sản phẩm du lịch nhưng đã xác định được sản phẩm đặc thù và trên thực tế đã có sản phẩm mang đặc trưng riêng, vấn đề là cần thổi được hồn vào để làm mới sản phẩm, khai thác chuyên nghiệp hơn. Muốn làm được vậy thì phải đẩy mạnh quảng bá, đào tạo nhân lực, kết nối liên vùng… Vì hiện nay, du khách chưa biết nhiều đến vùng Đồng Tháp Mười với vùng dược liệu tràm nguyên sinh duy nhất của cả nước, nhất là du khách phía Bắc. Trong khi đây là sản phẩm độc đáo riêng có của Long An, gắn với “thương hiệu” quen thuộc Cánh đồng bất tận. Theo đó, nếu làm tốt thì đây là thời điểm “vàng” để du lịch Long An bứt phá, ghi điểm và níu chân du khách. “Với chương trình tour “Xứ tràm thơm” theo hình thức khép kín, hành trình trải nghiệm hoàn toàn xanh đảm bảo các tiêu chí an toàn. Bước đầu, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực từ thị trường, đặc biệt là tín hiệu du khách hứa hẹn sẽ quay trở lại”, ông Phương cho biết.

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group chia sẻ, qua khảo sát và trải nghiệm các điểm đến, Long An có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái gắn với chăm sóc sức khỏe, đây cũng là đặc trưng riêng có của địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này cũng phù hợp với hướng phát triển sản phẩm du lịch của Saigontourist Group ở giai đoạn phục hồi dần, đó là đẩy mạnh sản phẩm thiên về y tế, chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng, điều trị những sa chấn về tâm lý hậu Covid-19. Đặc biệt là đưa du khách trở về “sống chung” với thiên nhiên, nơi có các bài thuốc dược liệu trị lành những vết thương tâm lý.

Một số chuyên gia tư vấn du lịch khuyến nghị, trong khai thác sản phẩm đặc thù, các địa phương phải giữ được những giá trị truyền thống gắn liền với văn hóa vùng miền. Chuyên gia Trương Hoàng Phương, người sáng lập Map Vietnam cho rằng, các khu du lịch cần được thổi hồn vào nhưng không được đánh mất đi chất “quê mùa” nông thôn duyên dáng, để rồi trở thành “cái xác không hồn”. Hãy cho du khách trải nghiệm, len lỏi từng kênh rạch, ngắm rừng tràm nguyên sinh… trên những chiếc xuồng ba lá nguyên bản có người Nam Bộ. Đừng để du khách khám phá sản phẩm đặc trưng bằng xuồng ba lá “thương mại”, hay lội bộ trên những công trình bê tông hóa giữa cánh rừng nguyên sinh, ông Phương dẫn chứng. 

 HOÀNG HẢI

Ý kiến bạn đọc