Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Khánh Hòa: Tôn tạo, phát huy giá trị di tích quốc gia Phủ đường Ninh Hòa

Thứ Tư 10/11/2021 | 14:53 GMT+7

VHO-Di tích lịch sử quốc gia Phủ đường Ninh Hòa đã xuống cấp trầm trọng. Mới đây, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã có Nghị quyết về chủ trương lập Dự án đầu tư, tu bổ di tích này nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ. UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở VHTT tỉnh làm chủ đầu tư, dự kiến khởi công trong năm 2022.

Di tích quốc gia Phủ đường Ninh Hòa

Nhiều hạng mục di tích xuống cấp

Hiện nhiều hạng mục của di tích Phủ đường Ninh Hòa (đường Trần Quý Cáp, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã xuống cấp trầm trọng. Phần mái lợp ngói âm dương bị trượt, rơi, bể hỏng gây thấm dột; cầu phong, xà gồ bằng gỗ bị mối mọt, mục gãy, cong vênh; hệ kèo, giằng, trụ, cửa, khung vách bằng gỗ bị mối mọt; tường nhà bị nứt, gạch bị mục, bong tróc, rêu mốc; nền nhà sụp lún, bong tróc…

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích (Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa) cho biết: Phủ đường Ninh Hòa là công trình kiến trúc cổ có lịch sử hơn 200 năm, được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận Di tích lịch sử quốc gia năm 2000. Qua nhiều thời kỳ lịch sử, sự phong hóa của thời gian, tác động của môi trường thiên nhiên và con người, Phủ đường Ninh Hòa đã bị xuống cấp. Để khắc phục điều này, cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa cũng đã tổ chức tôn tạo, trùng tu nhiều đợt. Theo đó, năm 2005, Phủ đường Ninh Hòa được tiến hành trùng tu, tôn tạo với các hạng mục như: Dỡ bỏ toàn bộ phần tường nhà chính 210m2, trụ gạch, lan can, tam cấp. Phá dỡ sân xi măng ở hai đầu hồi. Tháo bỏ mái ngói loại 22 viên/m2, giữ lại toàn bộ phần sườn mái, tháo bỏ lớp gạch men lót nền hiện trạng. Thay thế một số vị trí giằng gỗ, xà gồ gỗ hiện đã hư hỏng nặng không thể tiếp tục sử dụng. Sau đó tiến hành xử lý chống mối cho toàn bộ hệ khung kèo cột gỗ cũng như hệ sườn mái của nhà chính. Tiến hành xây lại tường mới bằng gạch ống, riêng các phần trụ hành lang. Ốp bù phần đã bị vạt của các trụ tròn, làm mới mè bản để phục vụ cho việc lợp mái ngói âm dương. Làm mới cửa đi, cửa sổ. Trát lại phần chân móng, kẻ roon, quét vôi. Toàn bộ công trình được quét vôi, nền láng vữa xi măng, đánh màu. Tiến hành xử lý chống mối chung quanh nhà...

Đến năm 2010, ngành Văn hóa tiếp tục tiến hành sưu tầm, phục chế và phục dựng lại các hiện vật, hình ảnh trưng bày bên trong Phủ đường Ninh Hòa. Tuy nhiên đến nay, Phủ đường Ninh Hòa tiếp tục xuống cấp, nhiều hạng mục hư hỏng nặng, cần tiếp tục trùng tu.

Phủ đường Ninh Hòa nhìn từ trên xuống 

Trao đổi với Văn Hóa về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa cho biết: Việc đầu tư tu bổ di tích Phủ đường Ninh Hòa rất cần thiết, nhằm khắc phục kịp thời các hạng mục xuống cấp tại di tích này, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Hiện nay, Sở đang triển khai kế hoạch tu bổ, tôn tạo sớm nhất vào đầu năm 2022.

Cần phát huy giá trị văn hóa, thuhút khách du lịch

Theo sách Đại Nam nhất thống chí, thời vua Gia Long đến vua Minh Mạng năm thứ 1 (1820), Phủ đường Ninh Hòa là công sở hành chính huyện Tân Định. Đến thời Minh Mạng năm thứ 12 (1831), công trình này được xây dựng lại với “Chu vi 40 trượng linh, rào bằng chông chà, ở xã Thịnh Mỹ”. Năm 1931, Phủ Ninh Hòa hình thành trên cơ sở sáp nhập 3 tổng của huyện Quảng Phước vào huyện Tân Định, nên từ đó huyện đường Tân Định trở thành Phủ đường Ninh Hòa.

Phủ đường Ninh Hòa là công trình kiến trúc cổ với kiểu dáng nhà truyền thống vùng đồng bằng Nam Trung Bộ, có ba gian, hai chái, nhưng phần mái ngói âm dương và tường xây phía trước hiên có kiến trúc Cố đô Huế thời triều nhà Nguyễn. Vì thế tổng quan kiến trúc Phủ đường Ninh Hòa có nét hài hòa giữa tính nghệ thuật lẫn sự uy nghiêm của công đường. Đến nay công trình này là di tích cơ quan cai trị của triều đại phong kiến nhà Nguyễn duy nhất còn hiện hữu tương đối nguyên vẹn ở Khánh Hòa.

Di tích Phủ đường Ninh Hòa gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có cuộc biểu tình ngày 16.7.1930 của nhân dân Ninh Hòa chống thực dân Pháp và bọn tay sai phong kiến. Đến sáng 17.8.1945, một cuộc biểu tình lớn diễn ra tại Phủ đường Ninh Hòa, cuộc Cách mạng tháng 8.1945 thành công, chế độ phong kiến cuối cùng ở địa phương này sụp đổ, Ủy ban Cách mạng lâm thời phủ Ninh Hòa thành lập và làm việc tại Phủ đường Ninh Hòa.

Ngày 2.9.1945, đông đảo cán bộ, nhân dân đến Phủ đường nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa qua radio. Cũng tại nơi này, Ủy ban Cách mạng lâm thời Phủ Ninh Hòa đã tổ chức phát động các phong trào yêu nước: “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng”, “Quỹ Độc lập”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Hũ gạo nuôi quân”… trong những ngày đầu đất nước độc lập. Phủ đường Ninh Hòa còn là nơi tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 6.1.1946. Tháng 1.1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đặc phái viên của Hồ Chủ tịch đã đến làm việc và lưu lại tại Phủ đường Ninh Hòa trong những ngày kiểm tra tình hình chiến đấu của quân và dân Khánh Hòa...

Một phần mái của Phủ đường Ninh Hòa

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Ninh Hòa, nhiều năm qua, Phủ đường Ninh Hòa là điểm đến của học sinh các trường học nội thị; đảng viên mới các lớp bồi dưỡng chính trị để tìm hiểu thực tế về truyền thống lịch sử cách mạng. Khi việc tu bổ di tích hoàn thành, thị xã Ninh Hòa sẽ triển khai thực hiện tuyến tham quan 3 di tích lịch sử quốc gia ở địa phương, gồm: Phủ đường Ninh Hòa - Lăng Bà Vú – Địa điểm lưu niệm tàu C235, để góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng đến cán bộ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

XUÂN HƯỚNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top