Trình chương trình phục hồi kinh tế - xã hội vào kỳ họp tới của Quốc hội

VHO-Sau phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chiều nay 11.11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Đăng đàn trả lời là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Nhóm vấn đề mà Bộ trưởng trả lời gồm: giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Công tác chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia. Tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển.

Trình chương trình phục hồi kinh tế - xã hội vào kỳ họp tới của Quốc hội - Anh 1

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn vào chiều 11.11

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) về một số dự án ODA gây lãng phí, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết các dự án này phải thực hiện theo quy trình, thủ tục trong nước và quy trình thủ tục của nhà tài trợ. Tuy nhiên việc thực hiện các qui trình này mất rất nhiều thời gian, nhất là trong thời gian phải thực hiện giãn cách xã hội.

Bên cạnh đó việc các chuyên gia, lao động phải có giấy phép lao động và giấy xác nhận tư cách chuyên gia, khi vào Việt Nam lại vướng cách ly, không thể di chuyển giữa địa phương này tới địa phương khác, những vướng mắc trong nhập khẩu máy móc… cũng là những nguyên nhân khiến dự án ODA giải ngân chậm.

Bộ trưởng Dũng cũng thừa nhận một số dự án do chúng ta triển khai, lựa chọn, tổ chức thực hiện không tốt nên dẫn đến lãng phí. Thời gian tới, Bộ sẽ rà soát lại dự án nào có thể tháo gỡ được sẽ phối hợp với các địa phương giải quyết ách tắc, vướng mắc, còn nếu không hiệu quả thì sẽ bàn với nhà tài trợ đóng các dự án này lại, không để kéo dài, lãng phí.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu tham mưu Chính phủ xây dựng chương trình phục hồi phát triển kinh tế, xã hội để trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

“Đây là một vấn đề lớn, phức tạp, quan trọng của đất nước, tác động toàn bộ tới nền kinh tế, đòi hỏi kết hợp thực tiễn trong nước và ngoài nước, phù hợp với mục tiêu phát triển, khả năng của đất nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh và mong nhận được ý kiến, đề xuất đóng góp tâm huyết, sâu sắc để tiếp tục hoàn thiện chương trình, trình các cấp có thẩm quyền xem xét.

Về quan điểm của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng cho biết chương trình này phải có quy mô đủ lớn, thời gian thực hiện phù hợp, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, ông nhấn mạnh phải đảm bảo hỗ trợ cho cả cung và cầu của nền kinh tế.

Trình chương trình phục hồi kinh tế - xã hội vào kỳ họp tới của Quốc hội - Anh 2

Toàn cảnh phiên chất vấn chiều 11.11

Bên cạnh đó, cần thực hiện linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính công 5 năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế…

Sáng mai 12.11, Quốc hội sẽ kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Nghị quyết về một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế; Nghị quyết về qui hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021-2025; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022…

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

 

Ý kiến bạn đọc