Đại dương đang phải hứng chịu 28.000 tấn rác thải do Covid-19

VHO- Theo một nghiên cứu mới đây, hơn 28.000 tấn rác thải nhựa có liên quan đến đại dịch Covid-19 như khẩu trang, găng tay y tế đã bị xả ra đại dương.

(Ảnh: Getty / Joan Manel Moreno)

Trong một báo cáo được công bố ngày 8/11 vừa qua trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng trong suốt thời gian đại dịch, 193 quốc gia trong diện nghiên cứu đã sản xuất ra khoảng 9,2 triệu tấn vật tư y tế có liên quan đến Covid-19. Khoảng 87,4% trong số đó được sử dụng bởi bệnh viện và chỉ 7,6% được sử dụng bởi cá nhân. Con số khổng lồ này đã làm gia tăng đến mức đáng kể lượng rác thải nhựa bị xả trực tiếp xuống đại dương.

Dựa vào những con số thu thập được trong thời gian dài, nhóm nghiên cứu đã phát triển một mô hình để dự đoán lượng rác thải nhựa đọng lại dưới đáy đại dương sau khi bị vứt bỏ. Theo đó, cho đến ngày 23/8 vừa qua, khoảng 28.550 tấn mảnh vụn nhựa đã xả thẳng ra đại dương sau khi được vận chuyển bởi 369 con sông lớn. Trong vòng ba năm tới, phần lớn các mảnh vỡ sẽ được chuyển từ bề mặt đại dương sang các bãi biển và đáy biển.

Mô hình được xây dựng kể trên đã dự đoán rằng trong tương lai gần, rác thải chủ yếu sẽ ảnh hưởng đến các môi trường ven biển gần nơi chúng được xả ra, dần dần hình thành các mảng rác ở vùng biển rộng, ví dụ như vùng đông bắc Thái Bình Dương và đông nam Ấn Độ Dương. Sau đó, phần lớn nhựa sẽ chìm xuống đáy biển và cho tới năm 2025, một vùng tích tụ vi nhựa sẽ hình thành.

Đến cuối thế kỷ này, mô hình dự đoán cho thấy hầu hết các loại nhựa có liên quan đến đại dịch sẽ đều nằm ở đáy biển (28,8%) hoặc các bãi biển (70,5%), mang theo khả năng làm tổn thương nhiều hệ sinh thái đáy – những vùng sâu nhất của đại dương.

Trong nghiên cứu của mình, các tác giả viết: “Đại dịch Covid-19 gần đây đã dẫn đến nhu cầu về đồ nhựa dùng một lần gia tăng, làm tăng áp lực lên vấn đề vốn đã nằm ngoài tầm kiểm soát này”. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các con sông và lưu vực sông là điểm nóng, cần chú ý đặc biệt trong việc quản lý rác thải nhựa, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu đối với các hệ thống thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải nhựa y tế chất lượng cao hơn ở các nước đang phát triển, khuyến khích mọi người sử dụng những lựa chọn thay thế thân thiện với môi trường hơn thay vì những sản phẩm nhựa dùng một lần như hiện tại.

VTV.VN

Ý kiến bạn đọc