Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Ngoại giao văn hóa có thể mở đường cho cả ngoại giao kinh tế và chính trị

Thứ Hai 22/11/2021 | 09:47 GMT+7

VHO- Công tác ngoại giao không nên chỉ chú trọng ngoại giao kinh tế, ngoại giao chính trị mà phải bao hàm cả ngoại giao văn hóa. Đây là khái niệm mà các nước đều thừa nhận và vận dụng. Cần phải thấy rằng ngoại giao văn hóa có thể mở đường cho cả ngoại giao kinh tế và chính trị, đây là ba trụ cột chính khẳng định thế và tầm ngoại giao của một quốc gia.

Ngành Văn hóa đã có nhiều nỗ lực trong việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người VN thông qua các hoạt động văn hóa - nghệ thuật đối ngoại. Trong ảnh: Chương trình nghệ thuật Tuần văn hóa Việt Nam tại Lào 2019

 Phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa để xây dựng thương hiệu đất nước và hội nhập hiệu quả hơn

Ở những thế kỷ trước, khi vấn đề toàn cầu hóa chưa được đặt ra, thì công tác ngoại giao có khi bó hẹp về nội hàm, nội dung cũng như hình thức. Còn trong giai đoạn hiện nay chúng ta cần phải xác định ngoại giao là đa phương, đa chiều, đa chủ thể. Có nghĩa là làm công tác văn hóa cũng là cách triển khai phương châm cơ bản của công tác ngoại giao Việt Nam, chính là “thêm bạn bớt thù”. Nếu mà nhờ hoạt động văn hóa, làm cho bạn bè và đối tác, đối phương cảm nhận cái hay, cái đẹp của mình, thì như vậy khoảng cách sẽ được thu hẹp và hiểu biết sẽ được tăng lên. Cho nên ngoại giao hiện đại, một trong những khía cạnh của nó, đó là rộng mở trong hoạt động văn hóa.

Ngoại giao văn hóa là một nội dung quan trọng của ngoại giao công chúng. Nội dung này ở các sứ quán đều có, kể cả sứ quán và tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ cũng có một cán bộ ngoại giao chuyên theo dõi, xây dựng và cải thiện quan hệ của cơ quan ngoại giao với công chúng của nước sở tại. Họ làm thế để làm gì? Để làm cái mà tôi vừa nói, là tăng cường hiểu biết, mến mộ nhau, giảm bớt hiểu lầm hoặc là mặt tiêu cực trong nhìn nhận của dân chúng sở tại đối với nước mình.

Tôi muốn kể câu chuyện này, lúc qua Bỉ làm Đại sứ, tôi tổ chức một chương trình và mời các cha mẹ là người Bỉ có con nuôi người Việt Nam đến gặp sứ quán trong một buổi họp mặt cuối tuần, đây cũng là lần đầu tiên. Lúc đó chúng tôi quá ngạc nhiên vì ban đầu cứ tưởng sẽ chỉ có vài chục người, nhưng lại có đến hàng trăm gia đình, do họ nghe nói rồi đến dự. Điều này nói lên rằng nhu cầu của họ muốn cho con mình giữ sợi chỉ tình cảm với nơi mà chúng sinh ra, dù ngay từ đầu chúng là công dân Bỉ và sống hoàn toàn bên Bỉ. Trước khi kết thúc buổi gặp đó, tôi có hỏi các gia đình cần nhờ Đại sứ quán giúp gì, thì họ nói rằng: “Hãy cho chúng tôi được biết lớp dạy tiếng Việt ở đâu, để khi con đủ lớn thì chúng tôi muốn cho nó đi học tiếng Việt”. Nghe họ nói vậy tôi thật sự xúc động, tôi nói rằng: “Rất vui mừng khi nghe quý vị đặt vấn đề như vậy. Tôi muốn nói như thế này, là các cháu sẽ hội nhập văn hóa Bỉ hoàn toàn dễ dàng vì chúng là công dân Bỉ, môi trường sống ở Bỉ chi phối từ giáo dục đến các lĩnh vực khác, cả tư duy…, nên không cần cố gắng thì cũng trở thành người Bỉ, nhưng các cháu có dòng máu Việt, được sinh ra ở đất Việt, cho nên tôi thiết nghĩ là các bạn có “món nợ” tinh thần với con nuôi của mình, là không tước bỏ của chúng văn hóa đất nước mà các cháu được sinh ra. Và trong thế giới hiện đại như thế này, ai có hai nền văn hóa là một sự giàu có, cho nên đừng tước khỏi các con nguồn gốc văn hóa. Cố gắng trong chừng mực có thể, duy trì văn hóa kép đó cho con mình”.

Tôi kể câu chuyện để thấy tầm quan trọng của ngoại giao văn hóa, yếu tố mà ai cũng thừa nhận đó chính là “sức mạnh mềm”. Tất nhiên “sức mạnh mềm” còn nhiều khía cạnh, nhưng vũ khí chính, con đường chính, phương thức chính của “sức mạnh mềm” đó là văn hóa, là truyền thông, và nhờ cái đó mà xây dựng thương hiệu đất nước và hội nhập hiệu quả hơn. Chúng ta cũng phải thấy rằng ngoại giao văn hóa là quá trình hai chiều, không phải cứ chăm chăm đem hàng của mình ra chợ bán, mà còn phải biết nhu cầu, sở thích, “gu” khách để chiều, và tìm hiểu những cái ngần ngại, cái không thích, tối kỵ của khách hàng để tránh. Cho nên mới nói văn hóa là công cụ quan trọng của “sức mạnh mềm”, của ngoại giao công chúng, của quá trình xây dựng thương hiệu đất nước.

Nếu ngoại giao không quan tâm đến văn hóa thì có thể là ngoại giao như không có hương vị

Xung quanh vấn đề này sẽ phải xác định, khi làm ngoại giao văn hóa cần phải có chính sách và biện pháp như thế nào đối với vấn đề gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Muốn gìn giữ bản sắc, tôi nghĩ cần dựa vào trong nước, đó là các chuyên gia, các tổ chức chuyên môn, làm như thế nào để nắm bắt, để có thể tham khảo khi triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa… Nhưng mà không chỉ bảo tồn, tôi cho rằng cái vế phát huy mới cần chú tâm, cố gắng nhiều hơn.

Tôi nhớ vào những năm đầu mở cửa, khi thế giới không biết gì về âm nhạc dân tộc Việt Nam, mỗi lần tổ chức đón tiếp các đoàn khách quốc tế, thì cứ bê cái mình có ra để đãi khách, nhưng trong những cái mình có đó, có cái cao cấp nhưng cũng có cái bình thường hơn, mình phải biết để chọn. Trong giai đoạn tôi còn công tác và cả sau này, khi được mời cùng tiếp lãnh đạo cao cấp các nước, đã chứng kiến nhiều câu chuyện dở khóc dở cười, những vụ “tai nạn” trong tiếp khách liên quan đến biểu diễn nghệ thuật, trang phục đón tiếp, các bữa ăn… mà lẽ ra nếu chúng ta tinh tế, thì không thể xảy ra những điều đáng tiếc như vậy.

Để xảy ra những sự cố này là do chúng ta không đặt vấn đề văn hóa lên đúng tầm, không chuyên môn hóa ngoại giao văn hóa. Tôi nghĩ trong giai đoạn tới đây, công tác ngoại giao cần hết sức chú ý những điều này, thậm chí tôi nói vui là Bộ Ngoại giao phải có một người chắp tay sau lưng đi kiểm tra từng khâu một, thật kỹ các hoạt động, các khía cạnh văn hóa khi đón tiếp, phải chú ý từ quà tặng, trang phục, văn nghệ, ẩm thực… cái gì cũng phải tinh tế, nếu không người ta sẽ coi thường mình.

Quay lại vấn đề bản sắc, tôi cho rằng khái niệm bản sắc cần được hiểu đây vừa là cố định, vừa biến đổi và bổ sung qua thời gian, hoàn cảnh và hành trình trải nghiệm của dân tộc. Bản sắc phức tạp hơn và phức hợp hơn, nó như chuỗi giá trị, là sợi chỉ đỏ không đứt gãy, nhưng cái bao bọc xung quanh, hình thức bao bọc có thay đổi với thời đại. Chỉ cần có cái hồn dân tộc thì ta khẳng định bản sắc, không nhất thiết phải giữ nguyên một hình thức lỗi thời không phù hợp. Lúc nhỏ tôi nói tiếng Việt kém vì sống lâu bên Pháp, nhưng tôi dám chắc không ai dám nói mình không có hồn người Việt Nam. Ngược lại không ít thanh niên ở đây chưa kịp đi nước ngoài nhưng hồn vía các bạn bay đi đâu từ thuở nào, rất sính ngoại. Cho nên ngoại giao văn hóa chính là một dạng kim chỉ nam về cách hội nhập. Bản sắc không nên hiểu theo cách sơ cứng, mà đó là cái hồn xuyên suốt với những cái bao bọc và hình thức sẽ uyển chuyển với thời gian, theo hoàn cảnh và địa điểm. Cộng đồng người Việt/gốc Việt ở nước ngoài cũng đóng góp cho việc phát huy và vun đắp thêm cho bản sắc Việt Nam.

Đồng thời theo tôi, ngoại giao văn hóa còn giúp xây dựng phong cách cho nhà ngoại giao. Nếu ngoại giao không quan tâm đến văn hóa thì có thể là ngoại giao như không có hương vị. Tôi không nói nếu không có yếu tố văn hóa thì việc ngoại giao sẽ không thành công nhưng nếu như có được chiều kích văn hóa thì việc giao lưu hay đàm phán sẽ mang lại hiệu quả hơn, kết quả toàn diện hơn. Hai người đàm phán cho kết quả như nhau, nhưng nếu một người đưa được chiều kích văn hóa vào một cách nghệ thuật, uyển chuyển, đủ liều thì phương châm “thêm bạn bớt thù” sẽ hiệu quả hơn. Cho nên ngoại giao văn hóa giúp xác định, thể hiện bản sắc, đồng thời nó cũng giúp thêm vào đó phong cách cá nhân của nhà ngoại giao. Do vậy, nếu cơ quan ngoại giao ý thức điều này đúng mức, thì cũng phải đưa vào chương trình đào tạo của Học viện Ngoại giao, để bất cứ ai tốt nghiệp ngành Ngoại giao thì đừng quên trụ cột thứ 3 là ngoại giao văn hóa.

Đã đến lúc Bộ VHTTDL, Bộ TT&TT và Bộ Ngoại giao nên có đề án, xây dựng đội ngũ những diễn giả hàng đầu cả trong và ngoài nước, để có thể giới thiệu về Việt Nam một cách tổng thể cho những khán giả cao cấp, các lãnh đạo nước ngoài, chủ tịch công ty, doanh nghiệp lớn ngoại quốc… Vì công tác ngoại giao văn hóa rất cần đội ngũ này nhưng thực tế chúng ta đang rất thiếu. 

TÔN NỮ THỊ NINH - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top