Cái giá phải trả khi phản bội lòng tin của khán giả

VHO- Trung Quốc đang nổi lên là một trong những quốc gia áp dụng “quy định thép” trong quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn của nghệ sĩ. Quốc gia này những tháng gần đây liên tục ban hành nhiều quy định về giám sát, thậm chí là cấm sóng trên tất cả các nền tảng đối với những nghệ sĩ vi phạm pháp luật, có hành vi trái với đạo đức…

Cái giá phải trả khi phản bội lòng tin của khán giả - Anh 1

 Danh sách cấm sóng của Trung Quốc sẽ tiếp tục nối dài nếu nghệ sĩ vi phạm, gây bức xúc trong dư luận Ảnh: SINA

Dù biết những quy định trên sẽ phần nào ảnh hưởng đến nhu cầu giải trí của người dân nhưng phần lớn đều đồng ý và cho rằng, những nghệ sĩ phản bội lại lòng tin của khán giả đều phải nhận sự trừng phạt.

Nói không với kẻ “ít tài, nhiều tật”

Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) công bố đơn vị này đã thắt chặt những biện pháp kiểm soát hoạt động của những nghệ sĩ giải trí trên không gian mạng. Mặc dù thông báo được áp dụng từ ngày 26.10, nhưng phải đến gần đây, CAC mới công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Theo quy định mới, các nền tảng trực tuyến, nhất là mạng xã hội và nhiều trang thông tin tổng hợp sẽ phải giám sát tài khoản của người nổi tiếng. Toàn bộ những hoạt động không phù hợp, phi pháp sẽ phải được các nền tảng báo cáo cho cơ quan quản lý có thẩm quyền. Để đảm bảo hoạt động quản lý diễn ra thuận lợi, CAC bắt buộc mỗi công ty quản lý sao chỉ có một tài khoản trên mạng xã hội. Tài khoản nhóm người hâm mộ nghệ sĩ cũng phải được công ty ủy quyền mới được phép hoạt động. Quy định mới còn nêu rõ nghiêm cấm hoạt động “tẩy trắng”, thông tin sai lệch trong trường hợp nghệ sĩ, người nổi tiếng có hành vi vi phạm pháp luật hoặc đi trái lại với chuẩn mực đạo đức xã hội.

Buộc nghệ sĩ phải có trách nhiệm hơn với sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của mình, nhưng CAC cũng có những điều khoản để bảo vệ giới “sao”. Cụ thể, cơ quan quản lý nhận định: “Hoạt động đưa tin về người nổi tiếng đang rất vô kỷ luật. Những tin đồn, thông tin cá nhân hay thông tin không chính thức đang xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông và trở thành xu hướng thịnh hành. Vì vậy, việc các tay săn ảnh tiết lộ đời tư, địa chỉ nhà riêng hay lịch trình lưu trú tại khách sạn khi nghệ sĩ đi biểu diễn… sẽ bị nghiêm cấm”.

Ở một diễn biến khác, tờ Nhân Dân nhật báo đưa tin, Hiệp hội Nghệ thuật Biểu diễn, một trong những cơ quan được Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn đã “chỉ mặt, điểm tên” 88 cái tên nghệ sĩ bị cảnh cáo, cấm xuất hiện trên mọi nền tảng truyền thông đại chúng. Đáng chú ý, danh sách này có cả những cái tên từng khiến dư luận dậy sóng phẫn nộ như Ngô Diệc Phàm, Trịnh Sảng, Trương Triết Hạn…

Đại diện Hiệp hội Nghệ thuật Biểu diễn Trung Quốc cho biết: “88 cái tên bị cấm sóng hiện tại đều là những người từng có hành vi vi phạm pháp luật, đi ngược lại thuần phong mỹ tục, trái đạo đức”. Trong thời gian bị cấm, các nền tảng trực tuyến tuyệt đối không được phép để những nghệ sĩ nằm trong danh sách đen được phép xuất hiện. Nhân Dân nhật báo thông tin thêm, danh sách sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo tình hình thực tế để thúc đẩy phát triển môi trường bình đẳng, lành mạnh trong lĩnh vực văn hóa, giải trí.

Quyền lực của khán giả

Thực tế ở Trung Quốc, khán giả được cho là rất quyền lực. Hiệu ứng dư luận cũng là công cụ tác động rất lớn đến việc cơ quan quản lý nhà nước ban hành các văn bản “phong sát” thần tượng. Các quy định được ban hành gần như lập tức sau khi khán giả phẫn nộ trước loạt nghệ sĩ giải trí nước này vướng phải scandal chấn động. Thậm chí hồi tháng 8, hình ảnh 64 nghệ sĩ hạng A của Trung Quốc phải đi học lớp bồi dưỡng đạo đức đã khiến người hâm mộ “ngã ngửa” vì đây là sự việc chưa từng có tiền lệ ở showbiz Trung Quốc cũng như bất kỳ nước nào trên thế giới.

Trong lúc chờ cơ quan quản lý ra tay, bản thân người Trung Quốc cũng rất tỉnh táo trong việc hâm mộ thần tượng, càng không có chuyện “tẩy chay nửa vời” khi thần tượng xảy ra chuyện. Ngay sau khi nhiều bê bối như chuyện nam ca sĩ Ngô Diệc Phàm bị bắt giữ hồi tháng 8 vì cáo buộc hiếp dâm; Trịnh Sảng nhờ mang thai hộ, trốn thuế và bị phạt tới 46 triệu USD bị phát giác… một loạt các trang do fan hâm mộ lập ra để ủng hộ những nghệ sĩ này biến mất chỉ sau một đêm. Một tài khoản Weibo còn khẳng định: “Người hâm mộ không mù quáng đến mức tin tưởng một nghệ sĩ vi phạm pháp luật, phản bội lại lòng tin của những người tin yêu”.

Tờ Global Times dẫn lại lời bà Vương Hải Yến, Giám sát viên của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc: “Với các ngôi sao trẻ, hãy lấy trường hợp của Ngô Diệc Phàm, Trịnh Sảng, Trương Triết Hạn… để thức tỉnh. Khán giả cần những người hoạt động nghệ thuật nghiêm túc chứ không phải những kẻ lắm thị phi. Chiêu trò bẩn sẽ chỉ khiến một người phải gánh hậu quả tiêu cực, thậm chí bị cấm hoạt động nếu làn sóng tiêu cực từ dư luận lây lan. Đừng tự chấm dứt sự nghiệp của mình”.

Đồng quan điểm, phóng viên Chu Kỳ Duệ, một phóng viên giải trí nổi tiếng của Trung Quốc có tới 6 triệu người hâm mộ trên Douyin (TikTok của Trung Quốc) cho rằng: “Ngành công nghiệp giải trí giờ đây đã trở thành nơi mà bất kỳ sai lầm nào, dù hiện tại hay trong quá khứ, nghệ sĩ đều phải gánh hậu quả nghiêm trọng. Nếu chỉ dựa vào ngoại hình, tài năng mà không chú ý đến đạo đức, sớm muộn sẽ bị “đào thải” khỏi giới giải trí. Tiêu chuẩn, quan điểm về thần tượng của khán giả đang ngày càng cao”.

Có thể nói, việc bị khán giả quay lưng như một “bản án” đối với sự nghiệp của một người nghệ sĩ. Mặc dù vẫn còn những quy định gây tranh cãi trong giới nghề nhưng việc khán giả, cơ quan quản lý Trung Quốc “tất tay” với nghệ sĩ dính bê bối là hành động đúng đắn. 

 ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc