Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Chuyện về người lính công binh thiết kế hai công trình H66, H67 trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch

Thứ Ba 30/11/2021 | 20:53 GMT+7

VHO- Khu di tích Phủ Chủ tịch vốn là một quần thể kiến trúc được xây dựng từ đầu thế kỷ XX bao gồm toà nhà Phủ Toàn quyền Đông Dương - công trình mang phong cách thời Phục Hưng do kiến trúc sư người Pháp gốc Đức Charles Lichtenfelder thiết kế và một số ngôi nhà dành cho các nhân viên phục vụ Phủ Toàn quyền Đông Dương trước đây.

Đồng chí Đặng Phan Thái đang giới thiệu với cán bộ Khu di tích Phủ Chủ tịch về kết cấu của ngôi nhà H67

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về sống và làm việc, nơi đây được xây dựng thêm một số công trình như Nhà sàn - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc từ năm 1958 đến năm 1969, là công trình do kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, nguyên Cục phó Cục Thiết kế kiến trúc thuộc Bộ Giao thông thủy lợi  thiết kế. Bên cạnh đó là hai công trình  H66 và H67 được xây dựng để đảm bảo an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc.

Công trình H66 là căn hầm được xây dựng với mục đích là nơi trú ẩn trực tiếp phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi có báo động (Sức chống đỡ của căn hầm gấp 1/5 lần so với những công trình trước đây). Ngoài ra căn hầm còn là địa điểm để Người họp với các đồng chí trong Bộ Chính trị. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 17.5.1966 và hoàn thành vào ngày 05.8.1966 nên được gọi là hầm H66. Lúc đầu căn hầm làm ngầm toàn bộ, sau do tình hình địa chất thuỷ văn nên phải xử lý một phần tấm chắn đạn nổi và tạo thành hình dáng như một quả đồi. Đơn vị thi công do đồng chí Trần Sỹ Yêm - Tiểu đoàn phó Phụ trách về thi công thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 259, Bộ Tư lệnh Công binh. Sau khi xây xong, đồng chí đã gửi báo cáo kết quả công trình lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Căn hầm sâu 9m, rộng 12,6m2, cao 2,5m, trên nóc hầm là một mô đất lớn được trồng nhiều cây cối để ngụy trang cùng với cây lá trong vườn. Mỗi khi có máy bay Mỹ, đồng chí cảnh vệ đánh vào chiếc kẻng treo bên giàn hoa giấy báo hiệu cho Bác và anh em trong cơ quan biết để xuống hầm trú ẩn. Trong hầm có một chiếc gường đơn để Bác nghỉ và một số ghế tựa cho các đồng chí trong Bộ Chính trị ngồi họp bàn công việc với Bác. Lối vào hầm được nối bởi nhà chờ phòng không, Bác có thể làm việc ở đây trong thời gian có báo động và Người chỉ xuống hầm khi thật khẩn cấp.

Đồng chí Vũ Kỳ, nguyên là Thư ký riêng của Bác kể lại, Bác đã xuống hầm H66 này trú ẩn một vài lần, khi xuống không lần nào Bác đóng cửa hầm. Bác chỉ xuống hầm khi thật cần thiết và vẫn liên lạc ra ngoài bằng điện thoại. Còn đồng chí Cù Văn Chước, nguyên là cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch, người đã giúp việc cho Bác nhiều năm cho biết: Tháng 5.1967 máy bay Mỹ bắn phá ác liệt, Bác cùng Bộ Chính trị đã nhiều lần họp ở đây, có khi Bác gọi điện trực tiếp chỉ đạo từ hầm H66 này.

Công trình H67 là ngôi nhà được khởi công xây dựng vào ngày 01.5.1967 nhân dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh đi công tác nước ngoài. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 259, Cục Công trình thuộc Bộ Tư lệnh Công binh được giao nhiệm vụ thiết kế và xây dựng công trình. Với tinh thần khẩn trương và quyết tâm cao của đơn vị thi công, trong hai tháng ngôi nhà bê tông cốt thép kiên cố nhưng thoáng mát đã hoàn thành. Ngôi nhà được đặt tên theo năm xây dựng - Nhà 67. Ngày 30.6.1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Hà Nội sau chuyến đi công tác dài ngày, thấy ngôi nhà mới Người tỏ ý không vui. Đồng chí Phạm Hùng, Phó Thủ tướng, Uỷ viên Bộ Chính trị thưa với Bác việc xây dựng ngôi nhà là nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là của đồng bào chiến sĩ miền Nam. Mặc dù vậy, Người vẫn không nhận cho riêng mình. Người đề nghị sử dụng ngôi nhà làm nơi họp Bộ Chính trị, nơi làm việc với các đồng chí Trung ương, và các cán bộ phụ trách đầu ngành.

Người thiết kế hai công trình H66 và H67 là thượng úy Đặng Phan Thái. Ông sinh ngày 1.2.1932 ở xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là trinh sát trung đoàn 66, Đại đoàn 304, chiến đấu trên các chiến trường đồng bằng Bắc Bộ, trung du, miền núi…như chiến dịch Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Thu đông 1951-1952, Hoà Bình, Thượng Trung Lào... Sau khi đi học trường văn hoá Kiến An, ông về công tác tại phòng Công trình Bộ tư lệnh Công binh (lúc đó là Cục Công binh) từ năm 1957. Ông được giao nhiệm vụ vô cùng nặng nề là thiết kế các công trình mật cho các đồng chí lãnh đạo trung ương Đảng và Chính phủ. Lúc đó ông tưởng chừng như không thể hoàn thành nhiệm vụ này vì chưa hiểu biết gì về công trình mà chỉ nghe đã thấy xa lạ. Trình độ văn hoá của ông lúc đó mới hết lớp 8/10, trong khi nhiệm vụ được giao thiết kế các công trình tối mật cho lãnh đạo Đảng và Nhà Nước, quân đội ở nơi làm việc, sở chỉ huy và các khu căn cứ (ATK) đều có yêu cầu cao về khoa học kỹ thuật. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của đồng nghiệp cùng với sự cố gắng hết mình để vượt qua những hạn chế của bản thân bằng cách cố gắng học tập chuyên môn nghiệp vụ, vừa học vừa làm, tham dự học các chuyên đề ở trường đại học Bách Khoa như: Sức bền vật liệu, cơ kết cấu và cách tính toán công trình công sự, đường hầm của Liên Xô,.. nên dần dần ông Thái cũng tiếp cận được những yêu cầu của công việc.

Sau khi xây dựng xong công trình H66, ông Thái còn xin phép Bác tận dụng cát xỏi và xi măng còn thừa trộn để rải lên trên mặt đường vòng quanh ao cá để Bác đi lại cho thuận tiện những hôm trời mưa. Bởi, đường xung quanh ao cá trước trải sỏi rất khó đi lại. Còn với công trình H67, theo như ý định thiết kế ban đầu sẽ phải chặt bỏ cây trường xanh trước nhà, nhưng ông Thái đã thiết kế để vị trí ngôi nhà lùi vào tránh việc phải đốn hạ cây xanh lâu năm này. Đặc biệt,  dưới gốc cây trường xanh, vào những ngày tháng cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội đồng y bác sĩ trong, ngoài nước và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã ngồi họp bàn về bệnh tình của Người để tìm mọi phương án chữa bệnh tốt nhất cho Bác.

Ông Thái còn nhớ lại kỷ niệm có lần được trực tiếp báo cáo với Bác về các công trình xây dựng hầm ngầm chống bom đạn của Mỹ. Sau khi nghe ông trình bày xong, Bác nói với ông: Tất cả kháng lực, kháng lực bí mật là kháng lực cao nhất. Nhớ lời dạy của Bác, ông luôn chuyên tâm vào công việc của mình và đảm bảo giữ bí mật các công trình hầm ngầm được ông thiết kế để xây dựng phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước làm việc trong hoàn cảnh đất nước đang bị chiến tranh tàn phá ác liệt. Sau khi xây dựng xong công trình trong Khu Phủ Chủ tịch, Bộ Tư lệnh Công binh thành lập một tổ bảo dưỡng hầm gồm 5-6 đồng chí thường xuyên vận hành máy. Ông Thái thì cứ 1-2 tháng vào kiểm tra một lần toàn bộ công trình trong Khu Phủ Chủ tịch.

Năm 1973, ông Thái tham gia xây dựng Lăng Bác, là trưởng phòng kỹ thuật cơ quan đặc trách của quân đội và là phó phòng Kỹ thuật công trường chung của Nhà Nước. Tháng 2.1976, ông được về công tác tại Cục tác chiến, Bộ Tổng tham mưu với nhiệm vụ quy hoạch thiết bị chiến trường và đảm nhiệm phó phòng quy hoạch, từ tháng 2.1982 đến tháng 5.1992. Ông đã trực tiếp thực hiện công việc lập quy hoạch, chỉ đạo xây dựng quản lý hệ thống sở chỉ huy các khu ATK, lập kế hoạch để Bộ giao nhiệm vụ xây dựng công trình, đường sá, sân bay, quân cảng… Vừa làm việc, ông vừa chú trọng, chuyên cần học tập để nâng cao trình độ. Từ tháng 8.1978 đến 8.1979 ông được đi học tự động hoá chỉ huy tại Học viện Phrunde- Liên Xô.

Với những thành tích trong chiến đấu và công tác, ông Đặng Phan Thái đã nhận nhiều Huân chương chiến công, hạng Ba, hạng Nhì, Huy hiệu Bác Hồ, Huân chương Vẻ vang các hạng, Nhất, Nhì, Ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương quân công hạng Nhì. Huy chương Quân kỳ quyết thắng và nhiều bằng khen, Huy hiệu chiến sĩ thi đua của Bộ Tư lệnh Công binh. Đặc biệt, ông đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ ngày 30.8.2005.

Ths Bùi Thế Đông

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

 

 

 

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top