Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Mối lo nợ nần của các nước nghèo

Thứ Sáu 10/12/2021 | 10:47 GMT+7

VHO- Dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài suốt hai năm qua khiến nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, nhiều nước thu nhập thấp có thể rơi vào khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nếu không được hỗ trợ giảm thiểu áp lực nợ nần.

 Nhiều nước nghèo gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ Ảnh: THE GUARDIAN

“Cơn địa chấn” Omicron xuất hiện từ cuối tháng 11 đã nhanh chóng tác động đến triển vọng phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia trong bối cảnh mùa mua sắm cuối năm đang diễn ra. Nhiều nước đã tạm thời áp đặt hạn chế nhập cảnh đối với công dân đến từ một số nước châu Phi và các hãng hàng không lớn buộc phải “cấm cửa” hành khách từ khu vực miền Nam châu Phi. Hiện vẫn chưa thể ước tính những rủi ro mà Omicron có thể gây ra cho nền kinh tế toàn cầu, bởi điều đó sẽ phụ thuộc vào những đánh giá của giới khoa học liên quan đến mức độ nghiêm trọng đến sức khỏe, cũng như khả năng kháng vắc xin ngừa Covid-19 của biến chủng này. Tuy nhiên, việc nhiều nước siết chặt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có thể làm trầm trọng hơn chuỗi cung ứng vốn đang tắc nghẽn và làm suy yếu nhu cầu tiêu dùng đang dần được phục hồi.

Theo nhận định của công ty xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings (Mỹ), còn quá sớm để đưa tác động của biến thể Omicron vào dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, lạm phát gia tăng sẽ gây phức tạp cho các phản ứng kinh tế vĩ mô, nếu biến thể mới cản trở tăng trưởng kinh tế. Khi lạm phát gia tăng tại các nền kinh tế lớn, các ngân hàng trung ương đang rút lại các biện pháp kích thích kinh tế và dự kiến nâng lãi suất vào năm tới. Ðiều này sẽ làm tăng chi phí nợ đối với các nước nghèo và có khả năng dòng vốn sẽ “tháo chạy” khỏi các quốc gia này. Chuyên gia kinh tế Alicia Garcia Herrero thuộc ngân hàng Natixis (Pháp) nhận định: "Chúng ta vẫn chưa rơi vào lạm phát đình trệ, nhưng nếu tình trạng đóng cửa biên giới và gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài thêm một năm nữa thì có thể đẩy chúng ta đến tình trạng đó".

Trong bối cảnh đó, các nước nghèo tiếp tục phải đối mặt với áp lực tài chính và cắt giảm chi tiêu nhiều hơn. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), các chỉ số nợ đang xấu đi ở tất cả các khu vực trên thế giới và ở tất cả các nước có thu nhập thấp. Nhiều nước đang phát triển vốn dễ bị tổn thương vềnợ, giờlại phải chi ngân sách cao chưa từng có để chống dịch và ngăn nền kinh tế rơi vào suy thoái, khiến cho tình trạng khókhăn càng thêm chồng chất. Trước đó, các khoản nợ ở các nước nghèo đã tăng 12%, lên mức kỷ lục 860 tỉ USD trong năm 2020 trong giai đoạn đại dịch. Các chuyên gia kinh tế dự báo, sau khủng hoảng dịch bệnh, nhiều nước thu nhập thấp có thể rơi vào cảnh nợ nần nghiêm trọng và phải mất nhiều năm mới có thể xử lý được.

Nhằm giảm thiểu rủi ro từ “gánh nặng nợ nần” của các nước nghèo, tháng 4.2020, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khởi xướng sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) đối với 73 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Sáng kiến này dự kiến hết hiệu lực vào cuối năm nay, sau khi đã được gia hạn một năm. Tuy nhiên, trước thực trạng các nước nghèo đang oằn mình gánh nợ, lại phải đối phó tác động nghiêm trọng của đại dịch, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, nền kinh tế của một số quốc gia khó có thể trụ vững nếu các nước G20 không tiếp tục mở rộng DSSI. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho rằng, các nước nghèo sẽ ngày càng gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ. “Chúng ta có thể thấy kinh tế sụp đổ ở một số quốc gia, trừ khi các nước G20 đồng ý đẩy nhanh việc tái cơ cấu nợ và hoãn thanh toán nợ”, người đứng đầu IMF quan ngại.

Các dự báo mới đây của IMF cũng chỉ ra, những vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu và phân phối vắc xin không công bằng đã làm chậm đà phục hồi, khiến một số nước nghèo bị bỏ lại phía sau. Việc thúc đẩy hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề kinh tế toàn cầu càng trở nên cấp thiết, khi dịch bệnh vẫn đang hoành hành tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Trong đó, việc các nước phát triển chia sẻ “gánh nặng nợ nần” với các nước nghèo sẽ là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của kinh tế toàn cầu. 

 HẢI MINH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top