Doanh nghiệp thích ứng linh hoạt sau tình hình mới

VHO- Gần 2 năm trời đối mặt với dịch bệnh nhưng kết quả kinh doanh khả quan của nhiều doanh nghiệp đã cho thấy bản lĩnh của các doanh nhân trong việc xoay trở tìm cơ hội, mạnh dạn đầu tư để mang lại hiệu quả kinh tế và đóng góp vào sự phát triển của đất nước - đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại Diễn đàn Kinh doanh thường niên lần thứ 9 Business Forum 2021, do Forbes Việt Nam (Ấn phẩm của Báo Văn Hóa) tổ chức tại TP.HCM chiều qua 9.12.

Doanh nghiệp thích ứng linh hoạt sau tình hình mới - Anh 1

Với chủ đề “Con đường phía trước”, Diễn đàn Kinh doanh 2021 quy tụ hơn 200 khách mời là các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp hàng đầu

 Song song đó là lễ Vinh danh 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam 2021 do Forbes Việt Nam bình chọn.

Kỳ vọng thành công với xu hướng chuyển đổi số

Với chủ đề Con đường phía trước, Diễn đàn Kinh doanh 2021 được Forbes Việt Nam tổ chức trong bối cảnh các làn sóng dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, kéo tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam về mức âm (-6,17%) trong quý III năm 2021, là mức GDP tăng trưởng thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Sự kiện năm nay đã quy tụ hơn 200 khách mời là các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp hàng đầu, tất cả cùng thảo luận về cơ hội và thách thức trong thời kỳ biến động để tìm phương thức cho sự phát triển cân đối và bền vững.

Chia sẻ về viễn cảnh các mô hình kinh doanh xuất hiện trong tương lai và sự cần thiết phải chuyển đổi các mô hình kinh doanh truyền thống để nắm bắt xu thế thời đại, ông Bruce Delteil, Giám đốc hợp doanh McKinsey & Company Việt Nam nhìn nhận, thị trường kinh tế Việt Nam dù đang đi chậm nhưng với triển vọng dài hạn cùng lòng tin vào sự phục hồi, thị trường được kỳ vọng sẽ lạc quan nhờ vào tăng trưởng GDP dương. Tuy vậy, Việt Nam cần vượt qua những thách thức về năng suất để thành công hơn với xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong thời kỳ cách mạng Công nghiệp 4.0. Ông Bruce Delteil cũng dự báo, du lịch có thể phục hồi từ năm 2024 dựa vào sự phục hồi của thị trường kinh tế và chính sách vắc xin.

Thảo luận về sự Linh hoạt trong biến động, chia sẻ tầm nhìn, cách thức xoay chuyển kinh doanh trong dịch bệnh, các quyết định cân bằng giữa mục tiêu ngắn hạn và phương thức phát triển có tính bền vững, tạo sức bật trong tương lai, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT FPT Retail chia sẻ, những tháng đầu dịch bệnh bùng phát thì tình hình rất nghiêm trọng, 50% cửa hàng kinh doanh điện tử phải đóng cửa. Nhưng sau đó nhìn thấy trong nguy có cơ, nhất là xu hướng làm việc trực tuyến gia tăng, nhu cầu mua sắm trang thiết bị tăng cao nên FPT Retail đã huy động toàn bộ nhân lực để tiếp cận thị trường, khách hàng, vực dậy hoạt động kinh doanh khá nhanh và thích ứng an toàn với tình hình mới.

Còn ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings cho biết, trước thời điểm dịch bệnh, doanh thu của doanh nghiệp đạt hơn 1 triệu USD mỗi ngày. Tuy nhiên khi dịch ập đến, toàn bộ doanh thu của doanh nghiệp trở về số “0”. “Sau khoảng 10 ngày bị choáng, chúng tôi nhận định Covid-19 không thể một sớm một chiều biến mất, khi đó Vietravel Holdings chuyển sang trạng thái “ngủ đông tích cực”. Tập trung giải quyết những vấn đề về marketing để khách hàng không quên mình, giữ cho khách nhớ đến mình và sẵn sàng quay trở lại”, ông Kỳ nhấn mạnh. Đồng thời, Vietravel Holdings còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, chung tay cùng ngành Y tế đẩy lùi dịch bệnh.

Môi trường kinh doanh năm 2022 sẽ có nhiều thách thức và cơ hội

Khép lại chương trình, các lãnh đạo doanh nghiệp đã đưa ra góc nhìn toàn thể khi thương mại quốc tế hồi phục cũng như hướng phát triển bền vững, hiệu quả, tạo ra các giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất Việt Nam. Nhìn vào “bức tranh kinh tế” nước nhà có thể thấy, độ mở cao khi quy mô xuất nhập khẩu đang gấp đôi quy mô GDP, vì vậy môi trường kinh doanh năm 2022 đem đến cả thách thức và cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt là các yếu tố tác động từ bên ngoài, trong đó có diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Cơ hội là so với các cuộc khủng khoảng kinh tế năm 2008 và 2011, quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện đã vững chãi hơn: Lãi suất ổn định, dự trữ ngoại hối cao, xuất khẩu liên tục chinh phục những cột mốc mới, vốn đầu tư FDI vẫn chọn Việt Nam là một điểm đến.

Như thường lệ, tại Diễn đàn Kinh doanh diễn ra lễ Vinh danh 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam 2021. Danh sách lần thứ 9 được Forbes Việt Nam công bố vào tháng 6.2021, 50 công ty trong danh sách 2021 đạt tổng doanh thu hơn 1.219 triệu tỉ đồng, tăng 8,7% so với năm 2020; nhưng đáng chú ý là lợi nhuận sau thuế của 50 công ty tăng đến 26% (174.482 tỉ đồng). Trong đó, phải nhắc đến những cái tên lần đầu tiên xuất hiện như: Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco); Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB)…

Có thể thấy, dịch bệnh đã khiến chuỗi cung ứng và sản xuất đứt gãy, gián đoạn, các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm cách thích ứng linh hoạt để vừa đứng vững vừa tìm cơ hội phục hồi. Nhờ đẩy nhanh tốc độ tiêm phủ vắc xin, Việt Nam đã và đang từng bước khôi phục hoạt động xã hội và kinh doanh như nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng ta vẫn chưa thể xác định rõ thời điểm dập tắt Covid-19 và cuộc sống hậu đại dịch trở lại bình thường, nhưng chắc chắn các hoạt động giao thương quốc tế sẽ từng bước phục hồi và đem đến những cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới. 

HOÀNG HẢI - HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc