Giáo viên mầm non làm gì mùa dịch?

VHO- Các trường mầm non đã đóng cửa “vắt” từ năm học trước sang năm học này, vậy giáo viên mầm non làm gì để sống?

Giáo viên mầm non làm gì mùa dịch? - Anh 1

 Trẻ không đến trường đồng nghĩa với việc giáo viên mầm non tại các cơ sở tư thục không có thu nhập (ảnh minh họa)

Bán bảo hiểm, bán hàng online, bán rau, bán thịt ngoài chợ, giúp việc gia đình, trông trẻ tại nhà… là những công việc mà nhiều giáo viên mầm non đã làm vì sự mưu sinh khi dịch Covid-19 kéo dài.

T bán hàng online đến… giúp vic

Chia sẻ về tấm hình bán thịt lợn online với dòng chữ Ủng hộ giáo viên mầm non thất nghiệp vài tháng trước thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhiều giáo viên mầm non ở Hà Nội cho rằng, không có gì ngạc nhiên vì với giáo viên các cơ sở mầm non tư thục, trẻ không đến trường là giáo viên thất nghiệp.

Bà Liên Hương, một chủ trường mầm non tư thục ở khu vực Trung Hoà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Tới thời điểm này thì không có kinh phí để giữ chân giáo viên nữa. Mặc dù trong nhiều tháng qua, chúng tôi cũng chỉ chi được một phần tiền hỗ trợ cho giáo viên khi trường phải đóng cửa. Hơn một nửa số giáo viên đã xin nghỉ hẳn. Phần lớn trong số đó xin được việc khác, họ bỏ nghề vì rất rủi ro. Số còn lại cũng đang toả đi tìm việc tạm thời chờ ngày trường mở lại. Nhưng tình hình dịch giã như thế này cũng không có gì chắc chắn được tới thời điểm nào giáo viên có thể quay lại với công việc”.

H, giáo viên Trường mầm non Sơn Ca (Hoàng Mai, Hà Nội) kể: “Em bán hàng online nhưng cũng bấp bênh. Gần đây, em thuê một quầy ngoài chợ. Ban đầu cũng ngại vì mình vốn là giáo viên lại không thạo buôn bán, nhưng vì cuộc sống nên cũng đành phải làm. Trước cứ ngỡ chỉ nghỉ vài tuần, cùng lắm 1-2 tháng. Nhưng giờ đã 7-8 tháng trôi qua trường vẫn đóng cửa thì hy vọng ngày càng ít đi”.

H bán rau quả có ngày lãi được vài trăm, có ngày chẳng được là bao. Cô ngậm ngùi, đồng nghiệp của em có người đi làm công ty (làm may), có người nhận rửa vỏ chai thuê cho một cơ sở nước đóng chai. Cũng có vài người nhận việc trông trẻ nhưng hơi phức tạp. “Phải test Covid thường xuyên để an toàn khi nhận việc trông trẻ. Nhưng có người cũng không chịu đựng được lâu vì giữa việc dạy trẻ ở trường với trông trẻ đồng nghĩa với giúp việc gia đình là hai chuyện khác nhau. Có người trông trẻ kiêm lau dọn, nấu ăn cho chủ nhà. Sơ sểnh bị nghe những lời khó chịu, rất tủi thân”, H cho biết.

Trong căn phòng trọ nhỏ, Thuý, một giáo viên mầm non rưng rưng kể về chuyện hơn nửa năm mất việc. Không may chồng làm ở khách sạn cũng là ngành chịu ảnh hưởng nặng vì Covid-19. Hai vợ chồng đã vét những đồng tiết kiệm cuối cùng để trang trải tiền thuê trọ và nuôi con. “Ông bà nội ngoại hỗ trợ nhiều cũng ngại, giờ phải vay mượn thêm của bạn bè. Nhưng lo nhất là dịch kéo dài thì không thể chờ để quay lại nghề dạy được nữa, phải đi tìm việc mới thôi”, Thuý buồn buồn.

Tuy vậy, cũng có người kiếm việc khác trong khi chờ dạy trở lại nhưng công việc “tạm” lại thu về gấp 3-4 lần lương giáo viên: “Tôi kinh doanh một số đồ ăn, đồ dùng cho chó, mèo. Ban đầu định làm tạm nhưng thu nhập tốt, tôi thuê cửa hàng, mở rộng kinh doanh, bỏ luôn nghề giáo. Đôi lúc cũng tiếc nuối nhưng nhìn dịch bệnh kéo dài thế này càng thấy mình đúng”.

Thiếu giáo viên nếu hc sinh tr li trưng

Đây là một thực tế trước mắt của nhiều địa phương trong đó có Hà Nội.

“Bây giờ thành phố có quyết định cho học sinh trở lại trường, có thể chúng tôi cũng phải cần thời gian mới có thể đón được trẻ. Vì giáo viên cũ đã có công việc ổn định và bớt rủi ro hơn, họ sẽ không trở lại nghề này. Còn tuyển mới thì chỉ có thể trông đợi giáo viên mới ra trường, giáo viên ở tỉnh khác về. Mọi thứ đều phải làm lại từ đầu”, bà Hà Thị Nhàn, chủ một cơ sở mầm non ở Đông Anh (Hà Nội) chia sẻ. Theo bà Nhàn thì nỗi lo lớn nhất là thiếu giáo viên nhưng hiện cũng không có cách nào để giữ chân họ vì ai cũng cần kiếm sống.

Một trường mầm non chất lượng cao ở khu vực Cầu Giấy (Hà Nội) vốn có tiềm lực trả lương cao cho giáo viên cho biết: 2/3 số giáo viên đã xin nghỉ việc hẳn, một số đang phải làm nhiều việc trái nghề để có thu nhập. “Ngay bây giờ chúng tôi cũng chưa thể tiến hành tuyển bổ sung giáo viên, vì tuyển xong để họ ngồi chơi xơi nước chờ dịch yên thì trường cũng chết, họ cũng chẳng trụ được. Nhưng chờ khi học sinh có thể đến trường mới tuyển thì sẽ rất bị động”, chủ trường này cho biết.

Theo bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT Hà Nội), một số trường mầm non đã tổ chức tặng gạo, hỗ trợ các khoản tiền nhỏ hằng tháng cho giáo viên nhưng cũng không đủ để đảm bảo cuộc sống cho họ khi trường phải đóng cửa quá lâu. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trên 95% cơ sở mầm non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng (chủ yếu là trên 6 tháng) và vì thế có đến 81,3% cơ sở không trả được lương cho giáo viên.

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) cũng cho biết, không riêng Hà Nội, TP.HCM mà nhiều địa phương đã có các trường mầm non tư thục phải tuyên bố giải thể vì không còn kinh phí chi trả cho giáo viên cũng như duy trì cơ sở vật chất. 

 TRIU ANH

Ý kiến bạn đọc