Doanh nghiệp phải “sống” mới có thể đóng góp cho nền kinh tế

VHO- “Trước những khó khăn của doanh nghiệp du lịch, chúng tôi mong muốn Bộ VHTTDL tiếp tục tiếp cận theo hướng nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam, hỗ trợ thiết thực cho các địa phương, doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Bên cạnh các chính sách đã hỗ trợ, cần triển khai nhanh các chính sách đang triển khai trong năm 2021 và kéo dài vào những năm tiếp theo”, Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings đề xuất.

Doanh nghiệp phải “sống” mới có thể đóng góp cho nền kinh tế - Anh 1

Doanh nghiệp có hoạt động trở lại mới có thể đóng góp cho nền kinh tế. Ảnh: VIỆT THẢO

 Hãy coi doanh nghiệp là đối tác

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Doanh nghiệp lữ hành, hàng không, khách sạn, dịch vụ... phải “sống” và hoạt động lại được thì mới tạo ra công ăn việc làm, đóng góp nguồn thu cho nền kinh tế. Đã cơ bản kiểm soát được dịch mà các doanh nghiệp vẫn hoạt động cầm chừng hay không hoạt động kinh doanh được thì mục tiêu kép không thể nào đạt được. Với khoảng 5% doanh nghiệp du lịch còn lại “đang sống” hiện nay sẽ không kéo nổi ngành công nghiệp xanh này phát triển trở lại.

Chính phủ cần phải coi doanh nghiệp là “đối tác đồng hành” chứ không nên coi là “đối tượng”. Những chính sách hỗ trợ cần thủ tục thông thoáng, không nên đòi hỏi nhiều giấy tờ, nếu không sẽ rất khó cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai các hoạt động. Ông Kỳ cho rằng, Nhà nước cần phải tin tưởng vào doanh nghiệp và giao trực tiếp cho doanh nghiệp hỗ trợ cho người lao động. Ông Kỳ đề nghị các Bộ, ngành kiến nghị Chính phủ tiếp tục xem xét giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021, tiếp tục giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, 2023 cho các doanh nghiệp lữ hành. Giảm 50% mức thuế suất VAT của 3 tháng cuối năm 2021 và các năm 2022, 2023...

Sau làn sóng dịch thứ tư, ngành Du lịch vốn lao đao, chưa thể hồi phục nay bị tê liệt hoàn toàn, một số doanh nghiệp đã phá sản, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ không thể trả được nợ, lãi vay… Trong khi đó, việc đón khách quốc tế mới thí điểm giai đoạn đầu, chưa nhìn rõ hiệu quả nên khó khăn của ngành Du lịch vẫn còn kéo dài. Vì vậy, dù cơ cấu thời hạn trả nợ thêm 12 tháng theo Thông tư 03/TT-NHNN, thì doanh nghiệp du lịch vẫn vô cùng khó khăn trong thanh toán các khoản nợ theo đúng quy định. Đề nghị Nhà nước sớm có chính sách đặc thù về thời hạn trả nợ, lãi vay cho lĩnh vực du lịch như sau: Giảm mức lãi suất vay đang áp dụng, không áp dụng chuyển nhóm nợ; gia hạn gốc và lãi toàn bộ dư nợ hiện hữu. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng, kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ...

Đề xuất miễn các loại phí tham quan

Với các chương trình kích cầu, khôi phục du lịch nội địa và mở cửa quốc tế do Bộ VHTTDL phát động như: “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”; “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”; “Sống trọn vẹn tại Việt Nam”; du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với chủ đề “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”... thị trường nội địa và quốc tế đang có tín hiệu quay trở lại.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ cho các điểm tham quan du lịch và nhóm bảo tàng, khu di tích là đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhằm hỗ trợ kích cầu du lịch chung cho toàn ngành. Cụ thể, miễn phí vào các điểm tham quan cho khách du lịch vào mùa du lịch cuối năm 2021 và quý I và II năm 2022 tại các địa điểm tham quan là đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước quản lý. Hỗ trợ kinh phí chi trả lương cho các đối tượng là người lao động và chi phí thường xuyên chi từ nguồn thu vé tham quan tại các đơn vị này.

Nhân lực cũng là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm khi du lịch mở cửa trở lại. Thống kê cả nước có khoảng 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, chưa kể nhân công ở những mảng việc có liên quan. Song vừa qua, dịch bệnh Covid-19 khiến lực lượng này bị thu hẹp lại và có xu hướng dịch chuyển sang các ngành nghề khác. Kết quả một khảo sát mới đây của TAB cho thấy có 18% doanh nghiệp đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho 50-80% nhân viên nghỉ việc và 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với số lao động mất việc. Thời điểm này hầu hết doanh nghiệp đã cạn lực. Vì thế để hoạt động du lịch sớm được hồi sinh, một mặt các doanh nghiệp phải tìm mọi cách giữ chân người lao động, mặt khác rất cần được Chính phủ tiếp sức về tài chính đồng thời có chính sách hỗ trợ lao động thất nghiệp để họ không bỏ ngành. Cần hỗ trợ doanh nghiệp với gói vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động để duy trì nguồn nhân lực của doanh nghiệp.

Đề nghị Chính phủ cân nhắc, nghiên cứu thêm phương án hỗ trợ dựa trên chi phí, thay vì dựa trên số thuế phải nộp (giảm thuế suất), để hỗ trợ cho cả các doanh nghiệp không có lợi nhuận. Với tình hình kinh doanh của khu vực doanh nghiệp hiện nay, nên triển khai chính sách hỗ trợ dựa trên chi phí lao động để góp phần thu hút lao động quay trở lại làm việc. Chính sách này có thể thực hiện thông qua việc cho phép doanh nghiệp trong các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng, được trừ chi phí lao động cao hơn mức chi trả thực tế. Chi phí lao động được khấu trừ cao hơn có thể là các khoản chi mang tính chất tiền lương, thưởng… Trong trường hợp doanh nghiệp có chi thêm các khoản bồi dưỡng, hỗ trợ người lao động vì dịch bệnh, thì có thể cho phép ưu đãi khấu trừ ở mức cao hơn để giữ chân lao động trong ngành.

Để hỗ trợ người lao động, đề nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí và tử tuất, lùi thời điểm đóng phí công đoàn đối với các doanh nghiệp và các đối tác bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 mà không tính lãi, phạt chậm nộp, nhưng vẫn được đóng bảo hiểm y tế để người lao động vẫn được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế. 

NGUYỄN ANH

Ý kiến bạn đọc