Lễ húy kỵ 202 năm ngày mất của vua Gia Long

VHO- Lần đầu tiên, đại diện các làng cổ ở TP Huế tham gia dâng hương, thực hiện các nghi lễ tại lễ húy kỵ nhân 202 năm ngày mất của vua Gia Long. Lễ được tổ chức tại lăng Gia Long ở làng Định Môn, xã Hương Thọ.

Ngày 21.1 (nhằm ngày 19 tháng Chạp), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ húy kỵ 202 năm ngày mất của vua Gia Long, vị vua khai lập ra triều Nguyễn cách đây 220 năm.

Lễ húy kỵ 202 năm ngày mất của vua Gia Long - Anh 1

Thiên Thọ Lăng, khu lăng mộ của vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu

Lễ húy kỵ 202 năm ngày mất của vua Gia Long - Anh 2

Khu vực thờ vua Gia Long tại Điện Minh Thành

Trong suốt gần 18 năm trị vì (1802-1820), Hoàng đế Gia Long đã thống nhất đất nước trên bình diện lãnh thổ, kiện toàn bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương. Ông đã đặt nền móng cho việc phát triển kinh tế, luật pháp, văn hóa, xã hội… bằng nhiều hoạt động và chính sách cụ thể. Trong đó, đặc biệt là việc quy hoạch xây dựng Kinh đô Huế và xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1804, dưới triều vua Gia Long, quốc hiệu Việt Nam đã chính thức được xác nhận trên bản đồ khu vực và văn bản hành chính nhà nước.

Lễ húy kỵ 202 năm ngày mất của vua Gia Long - Anh 3

Nhiều bậc cao niên, bô lão của các làng xã tại TP Huế tham dự lễ húy kỵ 202 năm ngày mất vua Gia Long

Lần đầu tiên, lễ húy kỵ của Thế Tổ Cao Hoàng đế Gia Long có sự tham gia của các bậc cao niên đại diện cho các làng, xã được thành lập lâu đời trên địa bàn TP.Huế, với phát nguyện hướng về cội nguồn văn hóa. Điển hình như các làng An Cựu, Xuân Hòa, Kim Long, Dương Xuân…

Ông Trương Sáu, 82 tuổi, Trưởng làng An Cựu (ngôi làng gần 700 năm tuổi) cho biết: Cá nhân ông và Ban đại diện làng An Cựu rất vinh dự khi được mời tham dự nghi lễ húy kỵ vua Gia Long, với ý nghĩa tri ân tiền nhân, uống nước nhớ nguồn. Những nghi lễ văn hóa này cần được phát huy trong cộng đồng làng xã, lan tỏa và truyền dạy đến các thế hệ sau những giá trị văn hóa tốt đẹp.

Lễ húy kỵ 202 năm ngày mất của vua Gia Long - Anh 4

Đại diện các làng dâng hoa...

Lễ húy kỵ 202 năm ngày mất của vua Gia Long - Anh 5

...và dâng hương tại Điện Minh Thành- nơi thờ Hoàng đế Gia Long

Đến dâng hương tại lăng Gia Long nhân lễ húy kỵ, ông Phan Thiên Định- Bí thư Thành ủy Huế cho biết: Nhằm lan tỏa ý nghĩa nhân văn, tri ân tiền nhân, lễ húy kỵ của vua Gia Long hằng năm sẽ được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với UBND TP Huế tổ chức, mời đại diện các làng, xã trên địa bàn. Lễ húy kỵ được tổ chức theo nghi thức truyền thống của người xưa, không triển khai hình thức sân khấu hóa như các kỳ trước đó. Năm nay, do tình hình dịch bệnh nên chỉ mời đại diện của 7 tại TP.Huế, dần dần sẽ xem xét mời quy mô lớn hơn. Và đón tiếp các đoàn khách ngoại tỉnh đến dâng hương, tri ân vị vua đầu tiên của triều Nguyễn đã từng có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Lễ húy kỵ 202 năm ngày mất của vua Gia Long - Anh 6

Bí thư Thành ủy Huế và đại diện lãnh đạo UBND TP.Huế dâng hương tại mộ vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông tin rằng, dịp này công tác tu bổ, bảo tồn Điện Minh Thành- ngôi điện thờ Hoàng đế Gia Long cũng vừa hoàn thành, chính thức phát huy giá trị theo đúng công năng của công trình.

S.THÙY

Ý kiến bạn đọc