Du lịch bắt đầu từ những trang sách

VHO- Nếu bạn đi du lịch đến một nơi chốn mới mà không đọc ít nhất một cuốn sách về nơi chốn đó, thì có nghĩa bạn đã để mất một phần hồn của địa danh mà bạn đang đến. Bạn không nhất thiết phải đọc trước, trong hay sau chuyến du hành, nhưng nhất thiết phải đọc nếu bạn muốn ghi trong ký ức hay kiến thức một điều gì đó có ý nghĩa với cuộc đời ngắn ngủi của bạn.

Du lịch bắt đầu từ những trang sách - Anh 1

Từ Istanbul - nhà bảo tàng tình cảm...

Tôi đọc các cuốn sách dịch tiếng Anh hay tiếng Việt của nhà văn Orhan Pamuk, người Thổ Nhĩ Kỳ, Nobel văn chương năm 2006, nhưng vẫn cảm thấy chẳng hiểu gì nhiều về Istanbul hay Thổ Nhĩ Kỳ của ông, ngoài một cuộc đấu tranh dai dẳng giữa mới và cũ, giữa Tây phương hóa và truyền thống phương Đông, giữa hiện thực nghèo đói và ước mơ thịnh vượng. Từ những trải nghiệm đau buồn, văn chương của ông luôn mọc lên bông hoa hy vọng, tỏa hương lặng lẽ.

Lần thứ hai quay lại Istanbul, dừng lại trên cầu Sừng Vàng nhìn qua bên kia, eo biển Bosporus lấp lánh nhiều màu như một bức tranh ẩn hiện trong đêm, tôi nghĩ đến các bối cảnh và tâm hồn xung đột của người Istanbul được nhà văn Ohran Pamuk đào sâu qua những trang văn lộng lẫy của ông. Báo Daily Telegraph từng cho rằng người phương Tây phải sung sướng vì có một nhà văn là cầu nối Đông-Tây như Pamuk. Với cuốn Hồi ký về Istanbul, ông giúp những du khách như tôi hình dung một thành phố đáng yêu như  thế nào, khi trong nghèo khổ tối tăm của nó, vẫn lấp lánh ánh sáng.

Lần thứ nhất đến Istanbul đi thăm các bảo tàng thì lần thứ hai tôi lại thăm “nhà bảo tàng tình cảm”, nơi mỗi một hiện vật đều tỏa sáng ý nghĩa sâu sắc hơn về tinh thần và bản ngã dân tộc, về cuộc đấu tranh giữa cũ - mới và Đông - Tây, giàu -nghèo, qua những cuốn tiểu thuyết đặc trưng của Ohran Pamuk. Bên ngoài sự giàu có hào nhoáng đang lên không che giấu được sự nghèo khổ của xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, mà theo ông, chính sự nghèo khổ đó lại là nguyên nhân của quá trình phương Tây hóa đầy thất vọng. Ông viết: “Khi đó họ rất nghèo, nghèo lắm… Nhưng không chỉ có họ, thời ấy cả nước Thổ đều nghèo… Trong sự ngây thơ của mình, họ nghĩ nghèo khổ là một tội lỗi có thể quên được bằng việc kiếm tiền.

Du lịch bắt đầu từ những trang sách - Anh 2

Tác giả (bìa trái) và ông chủ Bảo tàng Đồng Đình ở Đà Nẵng, bên cạnh bếp củi than

... đến Sơn Trà thăm Bảo tàng Đùng Đình

Tôi về Đà Nẵng và đến thăm Bảo tàng Đùng Đình trên núi Sơn Trà trước khi  đợt bùng phát Covid-19 lại ập đến. Tôi hỏi anh tại sao lấy tên là Bảo tàng Đùng Đình (thật ra là Đồng Đình), anh nói lấy theo tên một loài cây bản địa có nhiều trên núi.

Tại Bảo tàng này, bếp lửa bằng củi mục thật của nhà thơ Đoàn Huy Giao vẫn sáng mỗi ngày. Nó có một cái gì quá thân thuộc, gần gũi. Tôi không có cảm giác mình đang trở lại thăm bếp lửa của mẹ tôi ngày thơ ấu, mà thấy bếp lửa như một chủ thể trở lại trong ký ức xa xôi.  Tôi nhớ tập thơ phản chiến Phẫn nộ ca của Đoàn Huy Giao vào năm 1969. Bếp lửa của anh giống một cơn cuồng nộ hơn là nỗi tiếc thương những cái chưa kịp nhận ra bản sắc đã vội mất hút vào thời gian; như một cái gì tha thiết, hoang sơ, vừa hoài cổ, vừa lung linh lãng mạn. Một bếp lửa đặc trưng của miền Trung nghèo khổ, chỉ biết dựa vào tự nhiên mà sống. Ai hủy diệt tự nhiên là hủy hoại cuộc sống.

Đoàn Huy Giao không đơn thuần đốt một bếp lửa củi rừng. Anh thắp sáng một lời giận dữ kêu đòi tìm về cội nguồn và bảo vệ tự nhiên. Bếp lửa củi bây giờ không là dấu hiệu của sự nghèo nàn cơ cực của miền Trung quê tôi, mà lại là dấu hiệu của sự giàu có truyền thống mà nếu biết khai quật có thể là kho báu thật sự của con người.

Mới đây anh tặng tôi tập thơ với cái tựa đầy thách đố chữ và nghĩa Tụng ca viết trên lá tối. Những câu thơ như ánh lửa cháy bừng lên từ những thanh củi mục hằng đêm trên đỉnh Sơn Trà: “Cỏ vẫn mọc tràn bờ trang sách cũ/Trùng trùng những rặng núi chiêm bao/…Đừng ngăn sông Ba làm chi/Trái chín sẽ rụng về rừng/Gói thịt nướng còn thơm trên bếp khói/Con chim đa đa kêu trên nóc nhà mồ...”.

Những vần thơ như những ẩn ức thôi thúc anh xây dựng một bảo tàng lưu dấu những gì tìm được. Tôi mới hiểu làm sao một mình anh có thể xây dựng một nhà bảo tàng tư nhân, rộng đến một héc ta trên núi Sơn Trà mà không hề gây thương tích cho tự nhiên ở đó. Một mình anh vừa sưu tầm hiện vật, vừa chú giải và dịch những chú giải và làm hướng dẫn viên khi có khách đến thăm bảo tàng “bỏ túi” của anh. Thật ra, nên gọi cho vừa tầm là “nhà lưu niệm” thì đúng hơn, đỡ gánh nặng cho đôi vai đã chất chồng nhiều năm tháng của anh.

Một thế hệ đẹp, lung linh như ngọn lửa đốt bằng củi khô thơm mùi hoang dại, muốn soi đường về các giá trị nhân văn phổ quát muôn đời. Tôi cũng nhớ Bếp lửa củi trong những bữa tiệc ngoài trời ở khu du lịch Palm Garden, nằm sát biển Hội An, nhìn xa về Cù Lao Chàm. Tôi thường du lịch đến đó và ăn các món biển nướng trên lửa củi hoang sơ tiền sử, cảm thấy vị của quê hương trọn vẹn hơn bao giờ. Bây giờ Palm Garden là nơi cách ly “nghỉ dưỡng” ưa thích của du khách quốc tế đến Đà Nẵng.

Hôm qua đã ra đi, hiện tại dường như chậm lại, nhưng tương lai dù khó đoán, vẫn sẽ đến như một vòng quay: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Tôi vẫn không thôi hy vọng năm 2022 sẽ thực hiện lại những chuyến du lịch, dù xa nơi ở hay gần nơi ở (staycation) để nối lại những giấc mơ làm một con người xã hội như triết gia cổ đại Aristote đã định nghĩa con người.

Bút ký của TRẦN NGỌC CHÂU

Ý kiến bạn đọc