Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Tết này ở làng tôi

Thứ Hai 31/01/2022 | 13:30 GMT+7

VHO- Tết năm nay đến sớm. Khi những ngọn gió vẫn thổi dài hun hút trên triền đê sông Hồng thì Tết đã nhẹ nhàng len lỏi gõ cửa mỗi căn nhà.

Chợ quê ngày Tết

Năm nay, tôi về quê ăn Tết từ sớm. Lý do là bởi cả năm dịch bệnh liên miên, ít có dịp về quê nhà. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã gần 50 năm rồi, đây là lần đầu tiên tôi ăn một cái Tết trọn vẹn ở quê. Làng quê thay đổi, Tết quê cũng thay đổi quá nhiều cả về mọi mặt.

Ngày tôi còn ở quê, Tết là dịp háo hức của cả làng. Từ khoảng tháng sáu, tháng bảy, người làng tôi đã dạm nhau nuôi lợn để Tết mổ. Khoảng tháng chín, tháng mười, khi cây lúa bắt đầu ngả màu vàng, đã có kế hoạch lương thực cho ba ngày Tết. Từ 23 tháng Chạp, ngày Ông Táo chầu trời, đã thấy Tết như về trước cửa.

Thời điểm đó, mẹ tôi thường bắt tôi lau dọn ban thờ, bỏ đi những đồ cũ, hỏng. Trên hai cái cột nhà, đôi câu đối cũ làm bằng ba tấm giấy màu hồng dán lắp ghép được thay bằng đôi câu đối mới.

Ngoài sân, bố tôi chọn cây tre dài, thẳng để trồng cây nêu đồng thời mài sẵn nghiên mực chờ giao thừa khai bút.

Tôi thì xúng xính thử bộ quần áo mới được may bằng vải tem phiếu mua ở cửa hàng hợp tác xã của ông Uông già, người gầy như que củi.

Đến độ 27 - 28 Tết, những gia đình khá giả đã bắt đầu mổ lợn để ăn dần trong khi những nhà kinh tế khó khăn thì phải 28 - 29 mới dám “khai dao” vì số thực phẩm chỉ đủ ăn trong 3 ngày Tết.

Ngày mổ lợn, lũ trẻ con chúng tôi đầy háo hức đứng vây quanh cái nong chia thịt, mắt hau háu nhìn từng miếng dồi bốc hơi nghi ngút, miệng nuốt nước bọt ừng ực thèm thuồng chờ người lớn cho cái đuôi hay cái bong bóng chia nhau.

Tôi may mắn là có anh trai học Đại học Bách khoa trên Hà Nội. Cứ đến gần Tết, anh trai tôi lại chắt bóp từ khẩu phần ăn bèo bọt của sinh viên dùng tem phiếu để đổi lấy bánh bích quy. Những chiếc bánh quy được làm từ bột mì mốc trộn với đường vàng đem nướng đã trở thành món quà sang trọng khiến tôi “ngạo nghễ” với chúng bạn.

Ôi cái Tết của làng tôi, của tuổi thơ tôi đầy khốn khó mà dư âm và ấn tượng.

Giờ đây làng đã khác và Tết cũng không còn như xưa nữa. Cuộc sống đã đổi thay, niềm vui, nỗi buồn cũng theo đó mà thay đổi.

Làng tôi giờ không còn những con đường lầy lội vết chân trâu. Không còn những túp nhà tranh thấp lè tè nằm ủ dột bên bụi chuối. Cũng không còn cái tối âm u của đêm mưa phùn. Cũng không còn niềm háo hức của tuổi thơ tôi mỗi lần nghe tiếng lợn kêu eng éc.

Đường làng bê tông chạy vào tới tận sân, đi dọc làng gót giày không lấm đất. Những mái nhà hai, ba tầng nằm san sát khiến không gian như chật chội. Đèn điện tỏa sáng đến mức lu mờ cả bóng trăng đêm mười sáu. Người làng cũng không còn chung nhau đụng lợn bởi đầu làng là một cái chợ chuyên họp buổi sáng và cuối làng là một cái chợ chiều luôn đầy ắp thực phẩm.

Tại đây, người ta còn có thể mua đủ mọi thứ, từ những bộ váy áo hàng hiệu cho đến đồ dùng hàng Trung Quốc giá rẻ bất ngờ.

Cũng chẳng còn đứa trẻ nào háo hức chờ người lớn cho cái đuôi hay cái bong bóng lúc chia thịt lợn. Hoa quả, kẹo bánh loại ngon bày trên bàn bảo ăn chúng cũng chẳng ăn cho.

Có lẽ niềm vui lớn nhất của Tết bây giờ là sự sum họp. Những đứa con xa quê về thăm bố mẹ. Những ông bố, bà mẹ đi làm ăn xa về với con cái sau những ngày đằng đẵng cách xa. Anh em, bè bạn cũng hẹn nhau ngày Tết.

Quê tôi, một tỉnh đất chật, dân đông thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Nghề chính của làng là làm nông nghiệp nên người làng thường phiêu dạt tứ xứ để kiếm kế sinh nhai. Công bằng thì việc “xuất khẩu lao động nội địa” này đã mang lại cho làng một nguồn kinh tế đáng kể. Đường sá sạch sẽ, nhà cửa khang trang, ti vi, xe máy, điều hòa nhiệt độ… là những vật dụng hầu như nhà nào cũng có.

Thế nhưng đổi lại, làng thưa thớt bóng người. Số ruộng nương ở nhà giao lại cho người già, trẻ em và một số người vì hoàn cảnh này, điều kiện khác không đi làm xa được. Vả lại, việc cấy gặt bây giờ máy móc làm thay nên cũng không vất vả như trước. Thế nên ăn Tết xong là những người trẻ tuổi làng tôi lại xuôi Nam, ngược Bắc trong bịn rịn chia ly, làm đủ các nghề với lời hẹn “Tết sang năm nhé!”.

Các năm trước thì sau Tết vài ba tháng đã lác đác có người về vì việc này hay việc khác. Thế nhưng năm nay, hết nơi này đến nơi kia giãn cách, phong tỏa rồi tàu xe không chạy nên mọi lời hẹn đều chờ dịp Tết.

Và rồi năm nay, khi đã bước sang những ngày đầu năm mới dương lịch 2022, dịch bệnh vẫn còn rất phức tạp, con đường hồi hương gần như không thực hiện được nên nhiều người tính đến phương án ăn Tết online.

Có một điều an ủi là do mạng lưới thông tin phát triển, kinh tế người dân được nâng cao nên hầu như mọi người trong làng đều có điện thoại di động. Việc mấy bà đi bắt cua, mò cá ngoài sông gọi điện cho chồng chuẩn bị gia vị để nấu canh, kho tôm không còn là điều lạ.

Hôm trước về quê, đã thấy bà thím họ gọi điện bảo vợ chồng cậu con cả đúng giao thừa thì bật camera để “khấn tiên tổ”. Biết rằng đó là điều bất tiện nhưng ‘trần sao, âm vậy”, chắc các cụ cũng lượng thứ cho cháu con, cảm thông cho bởi thời dịch giã. Vả lại, người xưa có câu “Một vái xa bằng ba vái gần” nên các cụ linh thiêng thương cháu con có khi lại toàn tâm phù hộ hơn chăng?

Những ngày này, càng nghĩ càng thấy buồn bởi với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, thế giới ngỡ được mở toang. Thế nhưng từ sự kiện 11.9.2001, bọn Hồi giáo cực đoan đánh sập tòa tháp đôi tại Mỹ và sau đó là những cuộc khủng bố, thế giới bỗng như bị cương tỏa. Tại các sân bay, hành khách như bị lột trần để máy săm soi và phải để lại dù là chai nước lọc uống dở. Và giờ đây, thế giới càng cách ly bởi đại dịch Covid với sự lây lan khủng khiếp đã “băm vụn” thế giới bởi những quy định ngặt nghèo phòng, chống dịch. Nhà cách ly nhà, xóm cách ly xóm, làng cách ly làng…

Song, nhìn ở góc độ nào đó, ăn Tết online cũng có cái lợi vì đỡ vất vả, đỡ tốn kém và góp phần giảm bớt tai nạn giao thông bởi những cuộc hành hương về quê ăn Tết. Với tiền lệ này, hoàn toàn có thể nó sẽ mở ra một phương cách ăn Tết mới trong tương lai?

Khi tôi ngồi viết những dòng này, dù dịch bệnh vẫn đang hoành hành nhưng với sự tiến bộ của khoa học, vắc xin đã dần phủ kín thế giới và nhiều loại thuốc đặc trị đã và đang được cấp phép. Dịch bệnh sẽ sớm bị đẩy lùi. Thế giới đã bước sang một nhịp sống khác.

Làng tôi cũng vậy. Làng đã đổi thay quá nhiều. Tết cũng thay đổi quá nhiều. Cuộc sống đang thay đổi từng ngày. Và tôi hiểu, tôi đang sống với ký ức cách đây gần ½ thế kỉ…

BÙI HOÀNG TÁM

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top