Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Những “ông bố chăm con” một bề ở đảo Cù Lao Chàm

Thứ Hai 31/01/2022 | 10:00 GMT+7

VHO- Tháng 7, mùa chim yến sinh sản, cả nghìn chim yến non ở đảo Cù Lao Chàm (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) rớt tổ, rơi xuống vách đá chết yểu, làm hao hụt số lượng đàn chim yến - loài chim vốn được mệnh danh là “vàng trắng”, đem lại nguồn thu 60-100 tỉ đồng/năm cho thành phố.

Làm giàn thu tổ tại hang Tò Vò

Từ 3 năm nay, đội cứu hộ chim yến non rơi tổ thuộc Ban quản lý (BQL) và khai thác yến Cù Lao Chàm đóng trên đảo Hòn Khô, Cù Lao Chàm đã thực hiện việc trông coi hang yến, cứu hộ chim yến non rớt tổ, nâng niu chăm sóc đến khi cứng cáp, khỏe mạnh, theo đàn về lại với thiên nhiên. Qua đó, góp phần cải thiện tình trạng hao hụt đàn yến hằng năm, bổ sung tái tạo đàn yến tự nhiên.

Giúp chim non rơi tổ về lại ngôi nhà tự nhiên

Người khởi xướng dự án cứu hộ chim yến non bị rơi khỏi tổ là kỹ sư Huỳnh Ty, Phó Giám đốc BQL và khai thác yến Cù Lao Chàm cùng các cộng sự với sự tư vấn kỹ thuật ban đầu của Công ty yến sào Khánh Hòa.

Hòn Khô, nơi BQL và khai thác yến Cù Lao Chàm đóng quân, là một trong những nơi chim yến tìm về làm tổ khá đông. Tầm tháng 7, mùa chim yến nhân đàn, trong hang đá có hàng nghìn tổ yến nhỏ xíu, nằm cheo leo trên vách dựng đứng. Mỗi tổ yến có hai con non, còn đỏ hỏn, ướt át, chim bố mẹ bay đi tìm thức ăn trong đất liền. Chỉ một sự bất cẩn, chim yến non sẽ nhoài ra ngoài tổ, rớt từ độ cao hơn 10m xuống, bị sóng biển cuốn trôi, hoặc rơi trúng vách đá thương tật đầy mình. Trên đảo Cù Lao Chàm có khoảng 11 hang yến tự nhiên như vậy.

Ông Huỳnh Ty cho biết, yến sinh sản mỗi năm hai vụ, vụ đầu thu hoạch tổ khoảng tháng 4, số lượng chim non ít; vụ hai cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 yến con rơi khỏi tổ khá nhiều. Những con chim yếu ớt lìa khỏi tổ, nếu không được cứu hộ kịp thời sẽ chết do sóng biển cuốn, thương tật, hoặc bị dơi, chuột, cá biển, côn trùng… ăn.

Phương thức cứu hộ được đưa ra là làm hệ thống giàn lưới dưới đáy  hang để hứng chim non rơi khỏi tổ, giảm tỉ lệ thương tật. Sáng sớm, các thành viên đội cứu hộ lại đi thăm, kiểm tra ở các hang, tìm những chú chim non rớt tổ mắc ở lưới, mang về nhà cứu hộ nuôi dưỡng, bảo vệ và tập bay tại nhà lưới trước khi về lại tự nhiên.

Trung tâm cứu hộ đặt tại hang Mũi Dứa, đảo Hòn Lao, trong ngôi nhà rộng hơn 40m2 đó có hàng trăm tổ chim yến nhân tạo được thiết kế từ miếng nhựa và lớp vải lót phía trong. Yến non rơi tổ sẽ được đưa về đây, mỗi con một tổ, cách nhau 15cm và các nhân viên sẽ bắt đầu một quy trình chăm sóc theo công thức đã định.

         Chim yến non bị rơi khỏi tổ được nuôi tại nhà cứu hộ

Những ông bố chăm con một bề

Một chu kỳ nuôi chim yến non được cứu hộ đủ khỏe mạnh, cất cánh về lại theo đàn thường kéo dài 45 ngày. Theo chân một ngày làm việc của các thành viên đội cứu hộ, chúng tôi thán phục và gọi họ là những “ông bố chăm con một bề” khi chứng kiến cảnh tỉ mỉ chăm sóc từng chú chim non. Mỗi một chú chim non được chăm từ miếng ăn, quan sát từng giai đoạn trưởng thành, cân đo kích thước, khối lượng từng chú chim yến mới nở, xem giò, xem móng, xem lông… rồi đến tập bay trước khi đưa về lại với thiên nhiên.

Ông Huỳnh Hốt, nhân viên BQL và Khai thác yến Cù Lao Chàm được xem là một “ông bố” khá mát tay của những chú chim non. Mùa chim yến nhân đàn, tờ mờ sáng, ông Hốt cùng các đồng nghiệp chia nhau đi dưới các đáy hang tìm chim non rớt tổ trên giàn lưới, nhặt về nhà cứu hộ, ở đó, các tổ yến nhân tạo đã sẵn sàng như những chiếc “lồng ấp sơ sinh” nuôi dưỡng những đứa bé sinh non cho đến ngày cứng cáp.

Chim yến rơi khỏi tổ thường bị thương tật nên quá trình chăm sóc vết thương không đơn giản. Công đoạn chuẩn bị bữa ăn cho những chú chim yến non cũng kỳ công không kém chăm một em bé. Thực đơn sáng, chiều có bột ngũ cốc, trứng gà, dế, kháng sinh, vitamin, buổi trưa bắt buộc có trứng kiến vàng, phải tìm mua từ nơi khác.

Thức ăn xay nhuyễn bằng máy sinh tố, rồi đổ ra trộn với bột tổng hợp theo tỷ lệ 50-50 đến khi thành hỗn hợp dẻo, sền sệt, xong cho vào túi nylon nhỏ, đục góc túi nylon sao cho nó ngang bằng với miệng của chim bố, chim mẹ.

Cầm chiếc túi tựa như bình sữa, ông Hốt đi vòng một lượt quanh chiếc giàn nuôi hàng trăm chú yến non. Khi chim còn nhỏ, chưa ý thức được có con người chăm sóc, nằm trong tổ nhân tạo, chỉ nghe động là há mồm đòi ăn. Ông phải tự tay bóp nặn túi nilon thức ăn sao vừa đủ như một miếng mồi, lần lượt kề vào từng miệng của mỗi chú chim non.

   “Ông bố” Huỳnh Hốt đang cho những chú chim non rơi tổ ăn

 "Chim non chưa mở mắt dễ chăm sóc, cho ăn. Nhưng độ chừng 15 ngày tuổi, khi bắt đầu mở mắt, ý thức được người nuôi mình không phải là chim bố mẹ nên không chịu há mồm nhận thức ăn”, ông Hốt kể.

Và những thời điểm ấy cho đến khi chú chim đủ cứng cáp, các nhân viên cứu hộ cũng kiên nhẫn như những người làm bố mẹ chăm những đứa trẻ biếng ăn, phải dùng nhiều phương pháp để có thể đưa bằng được thức ăn vào miệng chúng, công sức kiên trì khó có thể diễn đạt.

Các “ông bố” ở đội cứu hộ còn phải chia nhau cắt cử người theo dõi sức khỏe của từng chú chim, canh giữ không cho chuột, rắn, các loại côn trùng, chim cắt, chim cú, đặc biệt là dơi... vào ăn yến. Theo dõi thời tiết trưa, tối để điều chỉnh nhiệt độ, giữ ấm, tạo độ ẩm... Lúc nào cũng phải có người túc trực để ý đến nhiệt độ, không khí để chim không bị “cảm cúm” hoặc thiếu dưỡng khí.

Khi các chú chim bắt đầu rụng lông tơ, mọc lông vũ, các ông bố lại tiếp tục chăm từng chiếc móng, cân đo trọng lượng, độ dài của cánh... Rồi tập cho những chú chim non bay trong không gian nhân tạo để có thể lực, tinh thần hòa nhập bầy đàn trước khi trở về tự nhiên. Nuôi 40 ngày chim đủ lông, đủ cánh. Thêm 5 ngày tập bay, chim được thả theo đàn, tự kiếm ăn ngoài thiên nhiên.

          Chim yến non 20 ngày tuổi

Phục hồi, nhân rộng số lượng đàn yến trên đảo

Trong những năm gần đây, sản lượng yến hang tự nhiên ở Cù Lao Chàm giảm. Từ năm 2012 đến nay, trung bình, mỗi năm sản lượng đàn yến ở đảo Cù Lao Chàm giảm sút 10%.

 Năm 2018, ông Ty cùng cộng sự cứu hộ thành công và thả về tự nhiên 400 chim yến trong số 500 chim yến non rơi khỏi tổ, năm 2019 và 2020, Trung tâm cứu hộ hang Mũi Dứa thả về tự nhiên 650 chim, tỉ lệ cứu sống 80-90%. Ngoài Trung tâm cứu hộ ban đầu ở hang Mũi Dứa, BQL đã tập huấn kỹ thuật cho nhân viên ở các hang Khô, Tò Vò, Cả...

Từ những kết quả cứu hộ yến thành công, BQL và Khai thác yến Cù Lao Chàm đã phát triển đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu và đề xuất giải pháp cứu hộ chim yến đảo Cù Lao Chàm” do kỹ sư Huỳnh Ty chủ nhiệm. Tháng 7.2020, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam đã nghiệm thu đề tài này.

Hiện BQL và khai thác yến Hội An được cơ quan chức năng cho phép triển khai tiếp đề tài ấp nở và nuôi chim yến đảo nhân tạo trong hai năm 2021-2022. Mục tiêu là sớm phục hồi đàn yến đảo Cù Lao Chàm.

Ngày 23.11.2020, sản phẩm yến sào (tổ yến) Cù Lao Chàm - Hội An được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho 3 sản phẩm yến quang, yến thiên và yến bài. Đây là cơ hội để Hội An bảo tồn, phát huy giá trị của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An và phát huy giá trị sản phẩm phục vụ du lịch.

KHÁNH CHI

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top