Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Có một nền văn minh đôi bờ sông Kôn

Thứ Sáu 04/02/2022 | 09:00 GMT+7

VHO- Cho đến nay người ta đều cho rằng, tất cả những nền văn minh của nhân loại đều được hình thành và phát triển trên đôi bờ các dòng sông. Ở sông Nin sản sinh ra nền Văn minh Ai Cập cổ đại, Văn minh Lưỡng Hà; sông Hằng sản sinh ra nền Văn minh Ấn Độ; sông Hoàng Hà sản sinh ra nền Văn minh Hoa Hạ và chảy qua Việt Nam sản sinh ra nền Văn minh sông Hồng...

 

Bảo tàng Quang Trung, nơi bảo tồn di tích quốc gia đặc biệt Khu Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt nằm cạnh sông Kôn

Và rồi sông Cả, sông Mã, sông Thu Bồn, sông Đồng Nai… những nền văn hóa, văn minh nổi tiếng đều ra đời, hình thành trên các dòng sông. Có những nền văn minh mà cho mãi đến nay người ta vẫn không giải thích được tại sao con người trong lịch sử lại làm được như thế.

Những vùng đất mới nơi đôi bờ sông Kôn

Như bao dòng sông khác, sông Kôn chảy qua tỉnh Bình Định không chỉ đóng vai trò là dòng chảy thủy văn mà còn sản sinh ra các nền văn hóa của nhiều thời đại khác nhau trong dòng chảy lịch sử của vùng đất này. Bắt nguồn từ cao nguyên, chảy qua ba huyện nên con sông Kôn còn được gọi là con sông Tam Huyện: Tuy Viễn, Tuy Phước và Phù Cát.

Phía đầu, trên núi cao gọi là Tu Krông tức là nguồn sông Krông, chảy qua những vùng thấp gọi là Đắk, khi bắt đầu đổ vào đồng bằng gọi là Đắk Krông Bung. Người Bana giải thích nghĩa là bung ra, to như cái bung. Cách lý giải này hình như vay mượn của người Việt. Đối với Đắk Krông Bung về phía tây trên cao nguyên còn có Đắk Krông Da tức là sông Ba. Nếu Ba có nghĩa là bà, thì Bung có nghĩa là ông. Chảy qua địa phận của hai xã Vĩnh Thạnh và Định Quang cũ, người gọi là sông Kôn (Kôn Giang), hết địa phận hai xã này gọi là sông Hà Giao. Còn người Bình Định vẫn gọi con sông Tam Huyện là sông Kôn.

Với chiều dài 171 km, nước sông Kôn chỉ lớn vào mùa mưa lũ. Nước lên nhanh và cũng rút rất nhanh, để lại rêu rác trên các hàng cây dọc ven sông, đánh dấu mực nước lên. Bắt nguồn từ trên núi cao, cho nên sông Kôn có một hệ thống chi lưu đầu nguồn. Nhiều suối có tên gọi, nhưng cũng có suối không có tên, chỉ xuất hiện vào mùa mưa. Mùa khô chúng trở thành những con đường hẻm.      

Dọc đôi bờ sông Kôn được gọi với những địa danh khác nhau, phía đông bờ gọi là Hữu Giang, phía tây gọi là Tả Giang; điều này cho thấy việc đặt tên các vùng đất theo quy luật từ dưới lên thượng nguồn. Tên hai bên bờ sông theo hướng các con đường mà họ men theo hướng thượng nguồn. Cách đặt tên cũng theo quy luật này, lúc đầu An Khê là Phú Phong, sau này người dân lên khai hoang đặt tên cho các vùng đất mới là An Khê và An Khê Thượng.

 

 Trên đôi bờ sông Kôn, tháp Bánh Ít được hình thành từ cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII Ảnh: Phan Hiếu

Dòng chuyển dịch văn hóa

Làm tròn bổn phận từ khi hình thành dẫn thủy từ thượng lưu về hạ lưu rồi đổ ra biển, một hiện tượng tự nhiên kể từ khi có kiến tạo địa chất. Đôi bờ sông Kôn, cứ thế sự sống được hồi sinh hình thành nên văn hóa, văn minh và cũng không biết tự lúc nào, đôi bờ sông đã hình thành dòng chuyển dịch giữa văn hóa núi và văn hóa biển. Dòng chảy văn hóa ấy trở thành nguồn cảm hứng để trở thành sản phẩm văn học như Bến Mi Lăng hay Sông Kôn mùa lũ.

Khởi nguồn từ miệt Cao nguyên đại ngàn, sông Kôn sớm trở thành nơi quy tụ của cư dân tiền sử, họ sớm có mặt sinh sống trên đôi bờ sông Kôn này và sinh ra những nền văn minh, văn hóa Bàu Cạn và Biển Hồ. Cũng có nhà nghiên cứu gọi nền văn hóa Biển Hồ là nền văn hóa của Nhà nước sơ khai trong cách mạng đá mới, cư dân đầu tiên của các tộc người Tây Nguyên bao la và huyền thoại hôm nay. 

Bàu Cạn - nền văn hóa thuộc thời kỳ Đá mới được phát hiện ở Pleiku. Sự hình thành các nền văn hóa khảo cổ thời đại Đá mới nước ta. Ở vùng Cao nguyên, ngoài yếu tố con người còn do môi trường địa chất, địa lý quyết định. Đó là thời kỳ biển tiến, biển thoái và phổ biến nhất thời kỳ Holôxen trong kỷ địa chất cách nay hàng triệu năm. Huyện Vĩnh Thạnh ngày nay có thể gọi là bậc II, tuy gọi là thềm sông nhưng thực chất là thềm biển. Người Bana Vĩnh Thạnh trong các Hmol còn kể về nhiều chuyện dân gian liên quan đến biển, ký ức tập thể về một cuộc chiến tranh kỳ vĩ với biển cả. Từ Bàu Cạn (An Khê, Gia Lai) theo sông Kôn để ra biển khơi hình thành nên hệ thống Sa Huỳnh, tạo nên hệ thống Bàu Cạn cách nay hàng vạn năm.

Những cư dân Bàu Cạn - Sa Huỳnh trong buổi đầu hội nhập chiếm lĩnh đồng bằng đã có sự tham gia của nhiều cư dân khác của nền văn hóa khảo cổ từ núi xuống và từ biển vào hình thành nên những nhóm người thuộc ngữ hệ Nam Á và Nam Đảo. Đôi bờ sông Kôn từ Vĩnh Thạnh (Bình Khê cũ) cho đến sát chân núi Bà, huyện Phù Cát sản phẩm văn hóa Đông Sơn đã được phân bố đều khắp. Minh chứng, những trống đồng Đông Sơn tìm thấy trên vùng đất Vĩnh Thạnh và Phù Cát đều thuộc trống đồng loại I. Đặc biệt như gò Cây Thị (Vĩnh Thịnh) sát ngay bờ sông Kôn, đã tìm thấy rất nhiều gốm, dấu vết cư trú, rất có thể trống đồng là của cư dân nơi này và trống được dùng làm vật táng tục người chết. Về trống đồng, có nhà nghiên cứu cho rằng những chiếc trống đồng Bình Định là sản phẩm bản địa không phải là sản phẩm thương mại, qua trao đổi với cư dân Đông Sơn mà có và cho rằng đôi bờ sông Kôn từ rất sớm đã hình thành những trung tâm khai khoáng và luyện kim. Trống đồng là sản phẩm ảnh hưởng từ văn hóa Đông Sơn được ra đời từ trên đôi bờ sông Kôn.     

Cũng trên đôi bờ sông Kôn, một nhà nước cổ đại được hình thành, đó là nhà nước Champa. Dấu tích các thành, tháp in bóng xuống dòng sông, rồi những trung tâm tiểu thủ công nghiệp chuyên sản xuất gốm một thời vang bóng. Con sông Kôn đã chứng kiến một thời phồn thịnh của quốc gia hùng mạnh không những về quân sự mà cả về kinh tế .

Nơi cuối nguồn sông Kôn trước khi hòa vào biển cả là những cảng thị sầm uất, nơi trao đổi giao thương buôn bán giữa Champa với các quốc gia trong khu vực, chính những cửa cảng này, người Champa đã vươn ra biển khơi hướng tầm nhìn về đại dương để trao đổi, tiếp nhận văn hóa với bên ngoài, đó là văn hóa Ấn Độ. Những trung tâm chính trị, tôn giáo của người Champa đã ra đời và phát triển trên đôi bờ sông Kôn. Những tòa thành rộng lớn, những tháp cổ uy nghi, lộng lẫy đã minh chứng cho một thời kỳ thịnh vượng của nhà nước Champa trong 10 thế kỷ .

Đã qua 400 năm, kể từ khi trở thành vùng đất của Đại Việt, đôi bờ sông Kôn vẫn chảy như ngày nào. Dọc theo triền sông đã hình thành một tầng lớp cư dân của nhiều vùng khác nhau, từ phía Bắc theo chỉ dụ của Vua Lê rồi đến Chúa Nguyễn sau đó, đã đến vùng đất này khai khẩn sinh sống, lập nên làng xóm trên hai triền sông từ hạ lưu đến thượng lưu, cứ thế ngày càng đông đúc trù mật. Những cư dân không chỉ cộng cư với cư dân bản địa, mà còn mang đến vùng đất mới cả văn hóa, làm cho văn hóa vùng đất càng thêm phong phú và đa dạng. Những làn điệu dân ca, cứ thế ra đời và hình thành trên dòng sông Kôn tự thuở nào. 

Phải đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, trong những buổi đầu đến định cư, lập nghiệp sông Kôn cũng vì thế can trường, không chịu khuất phục trước mọi bất công, ngang trái, từng đã cuộn sóng đứng lên tập hợp tầng lớp cần lao dưới ngọn cờ đại nghĩa, đánh đổ tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn sau 200 năm chia cắt, thống nhất giang sơn, lập nên triều đại Tây Sơn đầy khí phách. Bao biến đổi thăng trầm của lịch sử, từ các giai đoạn phát triển đỉnh cao đến các giai đoạn suy tàn, đều có sự chứng kiến của dòng chảy văn hóa này. 

Sang thế kỷ XIX - XX, dòng sông Kôn một lần nữa lại cuộn sóng và trở thành căn cứ của các cuộc khởi nghĩa, nơi nương náu cho cách mạng ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Điều đặc biệt, bên bến sông Thượng Giang đã chứng kiến giây phút gặp nhau của tình phu tử giữa cha - con, của người thanh niên đầy nhiệt huyết tinh thần dân tộc Nguyễn Tất Thành. Có lẽ bên dòng sông này, người thanh niên đã hình thành nhân cách để trở thành nhân vật huyền thoại, đi vào lịch sử văn hóa Việt Nam, văn hóa nhân loại và danh nhân văn hóa thế giới. 

Sông Kôn vẫn cứ chảy, đổ phù sa ra biển như nó vốn thế từ bao thế kỷ nay. Nó không chỉ là dòng chảy, dòng chuyển tải văn hóa từ miền xuôi đến miền ngược và tạo nên văn hóa vùng đất, mà trong đó ta thấy những nét văn hóa chung và nét riêng của nhiều vùng khác nhau của cư dân bản địa Chăm, Việt, Hoa... để hình thành nên một văn hóa sông Kôn xưa nay.

TS Đinh Bá Hòa

Nguyên Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top