Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

“Hiến kế” để giữ gìn không gian văn hóa

Thứ Hai 28/03/2022 | 10:23 GMT+7

VHO- Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề Văn nghệ sĩ góp phần phát triển không gian văn hóa công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng phối hợp với UBMT TQVN thành phố, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng Đà Nẵng cần mở rộng và giữ gìn không gian văn hóa trên địa bàn thành phố.

 Dãy tranh tường bích họa ở làng chài bên bờ kênh Yên Khê 1

 Góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân

Phát biểu tại Hội nghị, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố cho biết, đội ngũ văn nghệ sĩ Đà Nẵng sẽ tập trung vào việc “hiến kế” mở rộng các không gian văn hóa công cộng để người dân thụ hưởng một cách tốt nhất. “Qua đây, các văn nghệ sĩ có thể trực tiếp đưa ra tiếng nói sâu sát, có trách nhiệm đối với những vấn đề đang tồn tại làm ảnh hưởng, xâm hại đến thẩm mỹ đô thị, đến cái đẹp của tự nhiên cũng như thương hiệu văn hóa của thành phố tại các không gian công cộng như đường phố, công viên, quảng trường. Góp phần làm cho TP Đà Nẵng trở nên văn minh hơn”, ông Tiếng nói.

Bên cạnh nhiều khu điểm du lịch thì các không gian văn hóa công cộng - đơn cử là các hoạt động văn hóa nghệ thuật ngoài trời cũng là một sức hút truyền thống trên địa bàn thành phố Đà Nẵng từ xưa tới nay. Thời gian qua hoạt động văn hóa, âm nhạc trong không gian ngoài trời đã làm khởi sắc diện mạo thành phố Đà Nẵng ngày càng năng động và đa sắc hơn. Ví dụ như các hoạt động âm nhạc, diễn xướng dân gian như Đưa Tuồng xuống phố, Hô hát dân ca Bài chòi diễn ra tại hai sân khấu nhỏ dọc sông Hàn vào dịp cuối tuần. Ngoài ra các chương trình biểu diễn âm nhạc đương đại tại các tụ điểm ngoài trời luôn được đầu tư công phu, chu đáo cũng hấp dẫn đông đảo khán giả là người dân cũng như du khách. Nhằm mở rộng các hoạt động văn hóa công cộng, những năm qua Sở VHTT Đà Nẵng phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố và Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng xây dựng và tổ chức các chương trình nghệ thuật hay, thu hút người dân. Đồng thời tổ chức cho nhiều nghệ sĩ và đoàn nghệ thuật nổi tiếng thế giới đến biểu diễn giao lưu trong khuôn khổ đối ngoại diễn ra thường kỳ để làm sôi động đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Quảng bá, lan tỏa cho người dân thưởng thức

Theo nhạc sĩ, ThS Văn Thu Bích, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng: “Tuy không gian văn hóa cộng đồng, cụ thể là âm nhạc ở Đà Nẵng chưa thể so sánh bằng hai thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM nhưng chí ít, các chương trình này đã thể hiện định hướng của thành phố Đà Nẵng, tính nghiêm túc, ý thức trách nhiệm cao của người tổ chức và tập thể nhạc sĩ, diễn viên tham gia biểu diễn đã được ghi nhận trong ký ức nghệ thuật của người dân Đà Nẵng”.Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố cũng cho rằng cần đẩy mạnh tăng cường quảng bá những tác phẩm, ca khúc hay, có chất lượng của Đà Nẵng đi vào phục vụ người dân chứ không thể để tác phẩm xuất hiện thưa thớt trong các chương trình phục vụ.

Trên lĩnh vực hội họa, cụ thể là nghệ thuật sắp đặt và tranh bích họa ngoài trời, họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh về công tác quản lý, quảng bá, giữ gìn. Hiện nay nhiều không gian bích họa trên địa bàn thành phố sau thời gian thu hút sự tò mò của giới trẻ thì nay rơi vào cảnh xuống cấp, thưa vắng. Ví dụ như hẻm bích họa Đà Nẵng 75 Nguyễn Văn Linh, phường Phước Ninh, quận Hải Châu chính thức đi vào hoạt động vào tháng 4 năm 2018 từng là một địa điểm chụp hình lý tưởng của giới trẻ Đà Thành, tuy nhiên cho đến nay, con hẻm nhỏ này đang dần trở nên thưa vắng không người qua lại; có thể kể đến nữa là dãy tranh bích họa chủ đề làng chài bên bờ kênh Yên Khê 1 mới hoàn thiện cách đây khoảng 2 tháng, nhưng cũng không thu hút được sự chú ý của người dân, công tác bảo vệ, vệ sinh môi trường tại đây cũng không được quan tâm để ý. “Hiện nay, làng bích họa Lăng Ông Mân Thái (quận Sơn Trà) đang được triển khai thuộc phạm vi khu Lăng Ông, Miếu Bà (tổ 9, 10) phường Mân Thái, dự kiến thể hiện qua nghệ thuật mỹ thuật sắp đặt, video art bằng không gian ánh sáng, kết hợp hàng lưu niệm, khu ẩm thực... cũng sẽ là điểm đến mới trong tương lai. Tuy nhiên để các điểm đến này luôn “mới” trong mắt người dân và du khách thì thật sự cần sự chung tay bảo vệ, giữ gìn và thỏa mãn các vấn đề về quản lý, kinh phí bảo dưỡng, duy trì”, ông Kha chia sẻ.

Cũng tại Hội nghị, đa số các đại biểu cho rằng, mức độ đáp ứng nhu cầu văn hóa nghệ thuật cho người dân thành phố Đà Nẵng vẫn còn nhiều hạn chế. Không gian văn hóa công cộng tuy được xác định là yếu tố tạo nên nét độc đáo và bản sắc của một thành phố, nâng cao chất lượng cuộc sống, thể chất và tinh thần của người dân nhưng hiện nay thành phố vẫn chưa có được chủ trương, chính sách đầu tư đúng mức, xứng tầm. Hy vọng thời gian tới, cùng với tiếng nói đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ, thành phố sẽ có cái nhìn đúng tầm, xứng đáng về tầm quan trọng của các hoạt động văn hóa nói chung trên địa bàn thành phố.

 NGỌC HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top