Ngăn chặn bạo lực học đường bằng cách nào?

VHO- Thời gian qua, nhiều vụ việc bạo lực học đường xảy ra gây hoang mang, lo lắng cho phụ huynh học sinh. Khi vụ việc bạo lực học đường xảy ra, không chỉ đơn thuần là mâu thuẫn nội bộ của những học sinh cùng lớp hoặc cùng trường mà còn là của cả học sinh đã bỏ học; có trường hợp, học sinh trong trường rủ rê, lôi kéo hoặc nhờ vả đối tượng xã hội đen vào tận trường học để đe dọa, đánh đập học sinh. Nhiều vụ việc bạo lực học đường xảy ra có sử dụng các loại hung khí nguy hiểm gây ra thương tích cho học sinh.

Ngăn chặn bạo lực học đường bằng cách nào? - Anh 1

 Nhiều vụ việc bạo lực học đường xảy ra xuất phát từ những mâu thuẫn trên mạng xã hội, học sinh có hành vi chửi bới, thách đố và hẹn gặp để giải quyết mâu thuẫn đều thông qua mạng xã hội. Bạo lực học đường không chỉ là vấn đề của những học sinh nam mà còn là của học sinh nữ. Nhiều vụ việc học sinh nữ đánh nhau được quay clip và tung lên mạng, cho thấy ý thức của một bộ phận học sinh là rất kém, cá biệt, có hành vi cổ vũ, kích động cho hành vi bạo lực của các học sinh.

Bạo lực học đường ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của nhiều học sinh. Do tâm sinh lý học sinh phát triển chưa ổn định, có thể nhìn nhận vấn đề bạo lực học đường ở nhiều khía cạnh khác nhau như có em thì chủ động ghi lại cảnh đánh nhau để kỷ niệm; có em thì tung trên mạng xã hội để chia sẻ, bình luận; có em thì đứng nhìn vụ việc bạo lực xảy ra một cách vô cảm, không can ngăn; có em thì hùa vào để kích động, “tiếp sức” cho những người trong cuộc tiếp tục kéo dài hành vi bạo lực hoặc kích động trả đũa,… Và đa số học sinh còn lại thì cảm thấy bất an, không yên tâm khi đến trường và trong số đó tự trấn an mình bằng cách nhờ người khác để bảo vệ mình khi bị học sinh khác đe dọa hoặc nhiều em có biểu hiện hoảng sợ, lo lắng, trầm cảm,… khi bị bắt nạt dẫn đến việc học hành sa sút.

Đối với nhà trường, khi vụ việc bạo lực học đường xảy ra, nguyên nhân một phần xuất phát từ việc thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý; việc nắm bắt tình hình, tư tưởng của học sinh chưa tốt, chưa phát huy được vai trò của ban cán sự lớp, ban đại diện phụ huynh học sinh và giáo viên chủ nhiệm trong việc phát hiện mâu thuẫn, xích mích của các học sinh trong lớp học để chủ động xử lý kịp thời. Lực lượng bảo vệ trường học còn mỏng, thiếu và yếu, chủ yếu là hợp đồng thời vụ với những người lớn tuổi, thiếu chuyên nghiệp trong việc xử lý những vụ việc bạo lực học đường; công tác giáo dục, tư vấn tâm lý học sinh trong trường học chưa phát huy hiệu quả,…

Đối với những học sinh có hành vi bạo lực gây hậu quả nghiêm trọng thì phải có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên hạn chế kỷ luật buộc thôi học đối với các em, vì đây chưa phải là biện pháp giáo dục tốt nhất, nếu không thận trọng có thể làm thay đổi cuộc đời các em theo chiều hướng tiêu cực. Thay vào đó, nên tích cực giáo dục, bồi dưỡng và tạo điều kiện để các em tự nhận ra và khắc phục lỗi lầm của mình. Bên cạnh đó, nhà trường cần thường xuyên phối hợp với phụ huynh học sinh để tăng cường biện pháp quản lý, nhắc nhở, nhất là giải pháp tư vấn tâm lý học đường để có thể hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của các em, giúp các em giải tỏa những mâu thuẫn, xích mích với các học sinh khác,… Mặt khác, nhà trường thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, nhất là các quy định của pháp luật liên quan đến các hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích hoặc hành vi làm nhục người khác,... Đặc biệt, cần phải giáo dục để các em hiểu biết về mạng xã hội, đồng thời, tư vấn, hướng dẫn các em sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, trách nhiệm nhằm góp phần ngăn chặn các vụ việc bạo lực học đường có thể xảy ra như hiện nay. 

ĐỖ VĂN NHÂN

Ý kiến bạn đọc