Không tái diễn cảnh “ném” vàng mã xuống sông Hương

VHO- Lễ hội Điện Huệ Nam (hay Điện Hòn Chén) tại Huế là lễ hội truyền thống mang sắc màu văn hóa tâm linh, với những nghi lễ đặc trưng của đạo Mẫu. Sau 2 năm phải dừng vì dịch Covid-19, lễ hội này đã được tổ chức lại trong ngày 4.4 vừa qua, với những đổi thay, mới lạ từ đoàn rước cho đến lối ứng xử văn minh văn hóa ở lễ hội.

Không tái diễn cảnh “ném” vàng mã xuống sông Hương - Anh 1

 Các thuyền dự lễ Điện Huệ Nam neo đậu ngay ngắn, không còn tình trạng “ném”, rải vàng mã xuống sông Hương

Đặc biệt, đã không còn xuất hiện tình trạng “ném”, thả vàng mã xuống sông Hương từ các thuyền tham gia lễ hội. Không còn việc rải, đốt vàng mã lộn xộn ở khu vực di tích Điện Hòn Chén như những mùa lễ hội trước.

Năm 2022, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Trung tâm Festival Huế và Ban Bảo trợ Điện Huệ Nam xây dựng một kỳ lễ hội văn minh, văn hóa, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng dân cư địa phương và du khách. Trong đó, điểm nhấn chính là sự kiện tổ chức đoàn rước cung nghinh Thánh Mẫu bằng đường bộ sau 51 năm. Kể từ sau 1971, các kỳ lễ hội Điện Huệ Nam đều tổ chức đoàn rước trên đường sông, cung nghinh Thánh Mẫu từ Thánh đường Thiên Tiên Thánh Giáo (số 352 Chi Lăng, TP Huế) đến Điện Huệ Nam, nơi thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Lễ rước bằng đường bộ qua những cung đường đẹp của Huế, từ Thánh đường đến khuôn viên di tích Nghinh Lương Đình đã tái hiện lại không gian văn hóa đầy sắc màu với những hình ảnh phục trang của các thanh đồng, đạo hữu, hình ảnh cờ phướn và kiệu nghinh trang nghiêm. Rất nhiều dân cư địa phương và du khách đã đứng dọc hai bên đường để chiêm ngưỡng nét độc đáo của đoàn rước, của tín ngưỡng thờ Mẫu. Không có cảnh chen lấn lộn xộn, không có tình trạng xả rác dọc đường, không có cảnh người dân tràn xuống đường tiếp xúc với đoàn rước để chụp ảnh selfie.

Không tái diễn cảnh “ném” vàng mã xuống sông Hương - Anh 2

Lò đốt khép kín tại Điện Huệ Nam để du khách thập phương đốt vàng mã, tránh ảnh hưởng đến môi trường

Đoàn rước đến khuôn viên di tích Nghinh Lương Đình, rồi tiếp tục xuống thuyền ngược dòng sông Hương lên Điện Huệ Nam để thực hiện các nghi lễ chính. Đoàn thuyền rước được trang trí cờ hoa, hương án nghiêm trang, và quá trình di chuyển đến điện đã không còn cảnh “ném”, rải vàng mã xuống sông Hương như những lần trước. Ngay tại bến thuyền trước Điện Huệ Nam, các thuyền dự lễ được đậu đỗ ngay ngắn, không còn cảnh nhếch nhác, lộn xộn. Lực lượng chức năng cũng cắt cử người trực, kiểm tra và tuyên truyền để người dân không tụ tập đốt, rải vàng mã ở đoạn cạnh bờ sông. Những kỳ lễ hội trước đó, sông Hương phải “gánh” hàng tấn vàng mã do người dân và du khách dự lễ rải xuống, gây ô nhiễm môi trường và phản cảm. Rồi tình trạng người dân tự ý đốt vàng mã không đúng nơi quy định ở xung quanh khu vực di tích Điện Huệ Nam cũng là vấn nạn nhức nhối.

 

 

 Lò đốt khép kín tại Điện Huệ Nam để du khách thập phương đốt vàng mã, tránh ảnh hưởng đến môi trường

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trước khi diễn ra lễ hội, Ban Tổ chức đã có buổi họp tuyên truyền và quán triệt kỹ đến đông đảo bà con dự lễ về việc nghiêm cấm rải vàng mã xuống sông Hương, hạn chế tối đa việc đốt vàng mã khi đến hành lễ ở Điện Huệ Nam, và nếu đốt thì phải đúng nơi quy định mà đơn vị quản lý di tích đã bố trí, đặt biển. “Mùa lễ hội Điện Huệ Nam lần này đã hạn chế tối đa việc đốt vàng mã, là một tín hiệu tích cực trong xây dựng lễ hội văn hóa, văn minh. Ban Tổ chức sẽ tiếp tục duy trì và làm kỹ hơn cho các kỳ lễ hội sau này”, ông Hải nói.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đơn vị đã đặt nhiều thùng rác ở khu vực di tích Điện Huệ Nam và thông báo đến cộng đồng du khách để tránh xả rác bừa bãi. Đơn vị này cũng cho dựng khu vực đốt vàng mã riêng biệt để tránh ảnh hưởng đến môi trường và du khách thập phương đến dự lễ. Ông Mai Xuân Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, ngay trước khi lễ hội Điện Huệ Nam 2022 diễn ra, đơn vị đã đưa vào vận hành lò đốt vàng mã khép kín, đảm bảo vệ sinh môi trường. Lò đốt này được một người dân tài trợ với kinh phí hơn 700 triệu đồng để xây dựng, lắp ráp. Như vậy hiện nay khu vực di tích Điện Huệ Nam có 2 lò đốt vàng mã, song đơn vị đã vận động và thông báo rộng rãi để người dân đến đốt ở lò đốt khép kín mới này.

“Những kỳ lễ hội trước, lò đốt vàng mã ở Điện Huệ Nam có khi 2-3 ngày mới cháy hết. Chúng tôi phải cắt cử người thường xuyên theo dõi, kiểm tra để đảm bảo an toàn khu vực di tích và cảnh quan xung quanh. Nhưng trong kỳ lễ hội Điện Huệ Nam lần này, khối lượng vàng mã đốt chỉ tập trung ở lò đốt khép kín, và lò cũng chưa vận hành hết công suất thiết kế. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở để người dân đến dự lễ không xả rác làm ảnh hưởng môi trường, cũng như hạn chế việc đốt vàng mã”, ông Minh thông tin.

Lễ hội Điện Huệ Nam được xem là một lễ hội truyền thống với yếu tố văn hóa tâm linh của tín ngưỡng thờ Mẫu, không chỉ thu hút người dân xứ Huế mà còn có nhiều thanh đồng, đạo hữu ở các tỉnh thành ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên và các nơi khác trong cả nước tham gia. 

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc