Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sau một thập kỷ UNESCO ghi danh: Củng cố sức mạnh Việt Nam trong thời đại mới

VHO- Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Dần do UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương”, với điểm nhấn gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO ghi danh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sau một thập kỷ UNESCO ghi danh: Củng cố sức mạnh Việt Nam trong thời đại mới - Anh 1

Đoàn dâng hương lên núi Nghĩa Lĩnh trong ngày Giỗ Tổ Ảnh: TƯ LIỆU

Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) nhấn mạnh, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là nghi lễ dân gian mang tính quốc gia. Thực hành di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương diễn ra thường xuyên trong cả năm, nhưng tập trung nhất vào mùa Xuân, trong đó, nghi lễ lớn nhất là Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch tại đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, Phú Thọ.

Linh thiêng nguồn cội

Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng bao gồm lễ, cúng, hành hương và các trò diễn ở hơn một trăm làng của tỉnh Phú Thọ và các nơi khác trong cả nước. Thực hành này thể hiện sự tôn kính với tổ tiên, nâng cao ý thức về sự tự hào và gắn kết xã hội.

Mười năm sau khi được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng có sức lan tỏa. Dịp lễ hội, hàng chục triệu đồng bào cùng tham gia thực hành tín ngưỡng ở các đình, đền, miếu trong cả nước, riêng ngày chính hội Đền Hùng hằng năm thu hút hàng triệu người tham gia. Nghi thức thờ cúng, lễ vật, diễn xướng và các hoạt động văn hóa theo truyền thống được cộng đồng duy trì, bảo tồn, trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2022 gắn với sự kiện đặc biệt tròn 10 năm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Một thập kỷ, khoảng thời gian không quá dài nhưng đủ để mỗi người con đất Việt nói chung và người dân trên vùng đất Tổ nói riêng cảm nhận sâu sắc về niềm tự hào khi di sản đặc biệt quan trọng của dân tộc được thế giới vinh danh.

“Vai trò tổ chức, thực hành nghi lễ của cộng đồng ngày càng được phát huy. Ý thức bảo tồn và duy trì tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được các cộng đồng tự nguyện tham gia, thể hiện qua các hành động đóng góp công sức và vật lực cụ thể vào hoạt động thực hành nghi lễ và tu bổ, tôn tạo không gian văn hóa của di sản...”, theo Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO ghi danh góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng nắm giữ di sản, nâng cao tâm thức người Việt về cội nguồn dân tộc, bản sắc văn hóa Việt Nam. Cộng đồng ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của di sản đối với đời sống văn hóa của con người, mong muốn sự gắn kết giữa các cá nhân trong cộng đồng làng xã thực hành di sản, giữa các vùng miền, các quốc gia với nhau về một cuộc sống hòa bình, no ấm. Việc UNESCO ghi danh góp phần ghi nhận tầm quan trọng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở nhiều quốc gia khác, khuyến khích cộng đồng nhận ra những điểm chung, đồng thời thúc đẩy sự tôn trọng đa dạng văn hóa, đóng góp vào sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của nhân loại.

“Tất cả giúp cho chúng ta một niềm tin vững chắc vào việc giữ gìn và phát huy tốt nhất giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói chung, lễ hội Đền Hùng nói riêng trong đời sống xã hội đương đại và cả tương lai...”, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sau một thập kỷ UNESCO ghi danh: Củng cố sức mạnh Việt Nam trong thời đại mới - Anh 2

 Tại trưng bày chuyên đề Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương Hội tụ và lan tỏa

Củng cố sức mạnh Việt Nam trong thời đại mới

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng là thời khắc linh thiêng để chúng ta cảm nhận sâu sắc nhất về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, giá trị đoàn kết mà cha ông ta đã để lại, tinh thần sức mạnh chung cho cả đất nước, giúp dân tộc chiến thắng mọi kẻ thù, vượt qua mọi khó khăn. Hiếm có một dân tộc nào trên thế giới, tổ tiên chung lại có ý nghĩa lớn lao và được thực hành một cách kính cẩn, trang trọng đến như vậy.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, việc thực hiện hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là một trong những công việc nặng nề nhưng có ý nghĩa nhất mà ông được tham gia. Công nhận giá trị di sản văn hóa thế giới cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có tầm quan trọng trong việc tôn vinh tổ tiên, khẳng định giá trị văn hóa của dân tộc, từ đó củng cố sức mạnh Việt Nam trong thời đại mới. Có thể nói rằng, các thế hệ người Việt sáng tạo ra hình ảnh vị vua dựng nước, giữ nước vừa thực vừa ảo, vừa thiêng liêng như tổ tiên của dân tộc, vừa gần gũi với mỗi người dân. Việc UNESCO ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định sự trường tồn, bất diệt, đạo lý nhớ về cội nguồn, hòa hợp dân tộc có từ hàng ngàn năm nay của người Việt, nâng cao ý thức tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của người Việt.

“Hằng năm, những cuộc hành hương về quá khứ, giao tiếp với tổ tiên của dân tộc và gia đình là những hình thức kết nối, phương thức gặp gỡ có tác dụng tiếp thêm sức mạnh để mọi người vượt qua thách thức của cuộc sống hiện tại. Những ý nghĩa sâu sắc này vẫn còn đậm nét và đang được phát huy trong đời sống cộng đồng hôm nay...”, PGS.TS Lê Thị Thu Hiền khẳng định. Gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Dần sẽ diễn ra với các hoạt động phần lễ đảm bảo trang nghiêm, trọng thể, thành kính, mang tính cộng đồng sâu sắc; phần hội vui tươi, lành mạnh, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19. Theo Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ, chương trình nghệ thuật gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ diễn ra vào tối 9.4.2022 (tức mùng 9.3 năm Nhâm Dần) tại hồ Công viên Văn Lang.

Dịp kỷ niệm này, tại Bảo tàng Hùng Vương - Khu Di tích lịch sử Đền Hùng cũng đã mở cửa trưng bày chuyên đề “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Hội tụ và lan tỏa”. Đây là một trong những hoạt động mở đầu cho chuỗi hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2022.

Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan tới thời đại Hùng Vương. Trong đó, riêng tỉnh Phú Thọ có 345 di tích gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Đến nay, ở một số quốc gia trên thế giới, cộng đồng người Việt Nam cũng đã lập đền thờ các Vua Hùng và tổ chức ngày Giỗ Tổ. Nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2022 và kỷ niệm 10 năm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được vinh danh, Khu di tích lịch sử Đền Hùng tổ chức trưng bày 86 ảnh tư liệu, 38 hiện vật và nhiều bài viết, văn bản. Qua đó, giúp cho đồng bào, du khách thấy được sự hội tụ, lan tỏa và sức sống trường tồn của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong tâm thức của người Việt. 

 Sắp công bố “Đường vào vương quốc các Vua Hùng trên không gian thực tế ảo”

Kỷ niệm 10 năm UNESCO ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2012- 2022), buổi họp báo Khởi động Dự án “Đường vào vương quốc các Vua Hùng trên không gian thực tế ảo” sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10.3 năm Nhâm Dần (ngày 10.4. 2022). Hoạt động do Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Văn hóa Hùng Vương cùng các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức.

Chương trình sẽ góp phần đưa hình ảnh Đền Hùng - một biểu tượng văn hóa đặc biệt Việt Nam đến với bạn bè khắp năm châu, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần đại đoàn kết của người Việt trong và ngoài nước, giáo dục ý thức tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ. Để tăng cường hiểu biết về nền tảng văn hóa cội nguồn truyền thống trong cộng đồng, BTC sẽ phát động Cuộc thi tìm hiểu lịch sử dựng nước và giữ nước thời Hùng Vương qua hệ thống nhắn tin của một số nhà mạng. Để quảng bá cuộc thi, BTC thực hiện bình chọn các tác phẩm tiêu biểu trên website Butta.vn bằng phương thức nhắn tin, thời gian từ 00h ngày 29.4 đến 23h59 phút ngày 18.5.2022. Lễ trao giải vào ngày 19.5 tại Hà Nội.

Sự kiện được thực hiện qua phòng họp trực tuyến của Văn phòng UNESCO tại Việt Nam (bằng tiếng Việt và tiếng Anh). BẢO VY

 Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng là sự thể hiện lòng thành kính, biết ơn của các thế hệ cháu con với công đức của Tổ tiên

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sau một thập kỷ UNESCO ghi danh: Củng cố sức mạnh Việt Nam trong thời đại mới - Anh 3

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các Bộ, ngành và TP Cần Thơ thực hiện nghi lễ khánh thành Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ

Phát biểu tại Lễ khánh thành Đền thờ Vua Hùng đặt tại TP Cần Thơ diễn ra vào tối 6.4 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng đã trở thành bản sắc văn hóa sâu sắc, đạo lý truyền thống bền vững nối tiếp qua nhiều thế hệ người Việt ta, là sự thể hiện lòng thành kính, biết ơn của các thế hệ cháu con với công đức của Tổ tiên trong dựng nước và giữ nước. Đồng thời đây là hoạt động tâm linh, cầu mong Quốc Tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thanh bình, thịnh vượng và mang ý nghĩa sâu xa về sự gắn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt, những người có chung một cội, cùng chung một nguồn.

“Tục lệ thờ cúng Vua Hùng đã luôn được con cháu người Việt giữ gìn và thành kính tôn nghiêm. Thấu hiểu và trân trọng nguyện vọng, tình cảm và lòng mong mỏi thiết tha của Đảng bộ, nhân dân TP Cần Thơ và đồng bào vùng đồng bằng sông Cửu Long, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã thống nhất chủ trương xây dựng Đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ. Sau hơn 2 năm nỗ lực với tinh thần trách nhiệm cao, hôm nay, chúng ta vui mừng khánh thành công trình Đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ. Đây là điểm hội tụ tâm linh, tại vùng đất phương Nam, vùng đất “Chín Rồng” anh dũng quật cường...

Chúng ta xây dựng Đền thờ Vua Hùng tại nơi đây không chỉ là tôn vinh Quốc Tổ, nhắc nhớ đạo lý uống nước nhớ nguồn, mà còn khẳng định nền độc lập, tự cường, tự chủ toàn diện của dân tộc ta. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng đi cùng với yêu cầu đặt ra là hội nhập mà không hòa tan...”, Chủ tịch nước nói.

L.S

 THANH PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc