Lắng đọng, thăng hoa cùng nghệ thuật Đờn ca tài tử

VHO- Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III và Lễ hội Bánh Dân gian Nam Bộ lần thứ IX - năm 2022 đã chính thức khép lại bằng Lễ Bế mạc với chủ đề “Đêm hội phương Nam - Hội tụ và lan tỏa” vừa diễn ra tại TP Cần Thơ.

Lắng đọng, thăng hoa cùng nghệ thuật Đờn ca tài tử - Anh 1

Cục Văn Hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) trao cờ đăng cai Liên hoan lần thứ IV cho Tây Ninh

 Đã lâu lắm rồi, người dân Nam Bộ mới lại có dịp được đắm mình trong ngày hội lớn qua những tiếng đờn, lời ca âm vang điệu tài tử của xứ sở phương Nam.

Gần 800 nghệ sĩ, nghệ nhân về “mái nhà chung”

Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III và Lễ hội Bánh Dân gian Nam Bộ lần thứ IX - Cần Thơ năm 2022 do Bộ VHTTDL và UBND TP Cần Thơ phối hợp tổ chức, diễn ra từ ngày 6 - 11.4. Tại lễ tổng kết, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đồng Trưởng Ban chỉ đạo cho biết, Liên hoan và Lễ hội năm nay diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt, sau thời gian dịch bệnh Covid-19 kéo dài, tuy nhiên Ban tổ chức rất vui mừng được đón tiếp 21 đoàn nghệ thuật Đờn ca tài tử, 31 đoàn nghệ nhân làm bánh dân gian với gần 800 nghệ sĩ, nghệ nhân về tham gia.

Nhiều không gian Đờn ca tài tử được trang trí nổi bật, mang đậm nét đặc trưng riêng của từng địa phương, thu hút nhiều lượt khách tham quan, giao lưu. Các chương trình tham gia hội thi nghệ thuật Đờn ca tài tử đều có chủ đề phù hợp, các nghệ nhân sử dụng trang phục đẹp, trang nhã. Đặc biệt, một số đoàn nghệ thuật còn có sự tham gia của các tài tử trẻ, hát hay và diễn tốt. Hoạt động hội thi bánh dân gian thu hút nhiều địa phương tham gia, với nhiều đặc sản vùng miền, trong đó có sự tham gia của 6 tỉnh phía Bắc. Hầu hết các đơn vị đều tổ chức chu đáo, sử dụng nguyên liệu đặc trưng của từng địa phương, trình bày đẹp, thuyết trình hay, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi ngày, Liên hoan và Lễ hội đã thu hút và đón tiếp hàng ngàn lượt khách tham quan và du lịch.

“Thông qua các hoạt động, người mộ điệu đã có những giây phút lắng đọng, thăng hoa cùng nghệ thuật Đờn ca tài tử. Đây là dịp để các nghệ nhân được hội ngộ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, đồng thời tôn vinh quá trình lao động sáng tạo của nghệ nhân làm bánh dân gian, tạo điều kiện hỗ trợ nghệ nhân liên kết các doanh nghiệp trong và ngoài nước, từng bước xây dựng thương hiệu quảng bá giá trị nghệ thuật làm bánh dân gian Nam Bộ làm bánh vươn xa ra thế giới”, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh. Tại Lễ Bế mạc, Bộ VHTTDL đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL đến Sở VHTTDL Cần Thơ, đơn vị đăng cai tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III năm nay. Ban tổ chức cũng đã trao Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cho các chương trình xuất sắc, tiết mục xuất sắc tham gia “Hội thi nghệ thuật Đờn ca tài tử”, tặng giấy khen cho người cao tuổi và người trẻ tuổi nhất tham gia Hội thi; trao Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cho các đơn vị thi trình diễn và giao lưu “Không gian Đờn ca tài tử”; và Huy chương Vàng, Huy chương Bạc tại Hội thi bánh dân gian 2022.

Lắng đọng, thăng hoa cùng nghệ thuật Đờn ca tài tử - Anh 2

 Đông đảo người dân thưởng thức tại Không gian Đờn ca tài tử

Nhằm tiếp nối sự thành công của Liên hoan Đờn ca tài tử cấp quốc gia sau 3 lần tổ chức, Bộ VHTTDL quyết định giao trọng trách đăng cai tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử cấp quốc gia lần thứ IV năm 2025 cho đơn vị tỉnh Tây Ninh.

Chất tài tử thể hiện rõ nét

Nhiều nghệ nhân, chuyên gia bày tỏ thành công lớn nhất của Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia năm nay đó chính là các hoạt động chung mang sắc màu rõ nét, cuốn hút người dân. Từ đây, những giá trị trao truyền thật sự sôi động, khẳng định giá trị Đờn ca tài tử có sức sống vô cùng mãnh liệt trong dân gian Nam Bộ.

Ông Vưu Long Vĩ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu bày tỏ, đúng ra theo định kỳ, Liên hoan 3 năm tổ chức một lần, nhưng do tình hình dịch Covid-19, Liên hoan lần III đã kéo dài thêm 2 năm nữa. Do đó 5 năm là một thời gian rất dài chờ đợi của anh em, tinh thần ai cũng rất phấn khởi khi được về chung ngày hội của đồng bằng. Từ muôn nơi hội tụ về mái nhà chung Đờn ca tài tử thì trên gương mặt mỗi người đều thể hiện niềm yêu, sự say mê với nền văn hóa cổ truyền của dân tộc. “Sau 21 chương trình thi diễn, tất cả đều đem hết sự nhiệt tình để đóng góp cho Liên hoan thành công tốt đẹp. Mỗi đoàn đều có sắc thái riêng, có chủ đề chương trình riêng và đặc biệt là huy động nhiều nghệ nhân đờn, nghệ nhân ca để làm cho sức sống Đờn ca tài tử sôi động hơn”, ông Vĩ cho biết.

Lắng đọng, thăng hoa cùng nghệ thuật Đờn ca tài tử - Anh 3

 Biểu diễn Đờn ca tài tử phục vụ công chúng của đơn vị tỉnh Hậu Giang tại Liên hoan

Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu cũng nhận định, khác hơn những kỳ liên hoan trước, lực lượng tham gia có tuổi đời trẻ hơn, điều đó cho thấy trong những năm vừa qua, từ lần 1 ở Bạc Liêu, lần 2 Bình Dương và lần 3 ở Cần Thơ, thì có sự thay đổi lớn về chất của hoạt động. Ở khu vực Không gian Đờn ca tài tử, khi nghe tiếng đờn cất lên, nghệ nhân hát lên thì khán giả cũng muốn bày tỏ, muốn ca hát để hòa tan vào dòng chảy của Đờn ca tài tử. Bởi trong Hội thi thì các đoàn đã dàn dựng chỉn chu rồi, cho nên sự mới lạ, sự bất ngờ nằm ở ngoài không gian. “Nếu không có Không gian này thì chỉ có “ta với ta” thi với nhau, sức sống không lan tỏa ra công chúng, cho thấy việc tổ chức không gian bên ngoài dù không được chỉn chu như sân khấu trong nhà hát, nhưng chính từ cái dân giã, bình dị ngoài thiên nhiên như vậy, tạo được nét riêng biệt để cho quần chúng tham gia”, một cán bộ văn hóa tâm đắc.

TS Mai Mỹ Duyên cũng đồng tình: “Tôi cho rằng điểm nhấn của Liên hoan chính là tại các Không gian Đờn ca tài tử, tại đây, chất tài tử thể hiện rất rõ. Nghệ nhân không chỉ biểu diễn mà còn giao lưu, truyền dạy cho những người đam mê. Khán giả không chỉ ngồi nghe, thưởng thức mà còn hòa mình vào không gian để cùng hát, trao đổi. Giữa các đơn vị, nghệ nhân qua lại giao lưu, tạo nên một ngày hội mà ở đó mọi người hòa đồng, thân thiện, cởi mở với nhau. Ngoài ra, ở các không gian này, chúng tôi còn thấy những nghệ nhân trẻ tuổi biểu diễn những ngón đờn hay, những lời ca mượt mà, điêu luyện, hứa hẹn một thế hệ đang kế thừa vô cùng sôi động”.

Trong những ngày qua, TP Cần Thơ nhộn nhịp, rộn rã hơn khi đón chào các đơn vị về tham dự. Những lời ca ngọt ngào, tiếng đờn bay bổng, ngân vang, vị bánh ngon như tiếp thêm sức sống mới và góp phần điểm tô cho vùng đất Tây Đô càng thêm nên thơ, tươi đẹp, thu hút khách gần xa. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - ông Nguyễn Thực Hiện cũng bày tỏ, Ban tổ chức hy vọng rằng, khép lại Liên hoan Đờn ca tài tử và Lễ hội Bánh Dân gian Nam Bộ tại Cần Thơ, nhưng âm vang về nghệ thuật Đờn ca tài tử, hương vị bánh ngon và tình cảm giao lưu thân thương vẫn mãi lắng đọng trong lòng mỗi người, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, thúc đẩy việc truyền dạy và lưu truyền cho thế hệ mai sau. 

 Điểm nhấn của Liên hoan chính là tại các Không gian Đờn ca tài tử, tại đây, chất tài tử thể hiện rất rõ. Nghệ nhân không chỉ biểu diễn mà còn giao lưu, truyền dạy cho những người đam mê. Khán giả không chỉ ngồi nghe, thưởng thức mà còn hòa mình vào không gian để cùng hát, trao đổi. Giữa các đơn vị, nghệ nhân qua lại giao lưu, tạo nên một ngày hội mà ở đó mọi người hòa đồng, thân thiện, cởi mở với nhau…

(TS MAI MỸ DUYÊN)

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc