Xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số: 5 năm chỉ thực hiện được 1 loại dự án bảo tồn

VHO- Chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2022, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam vừa tổ chức Diễn đàn văn hóa với chủ đề Phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa. Thứ trưởng Bộ VHTTDL đã tới dự và phát biểu tại Diễn đàn.

Xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số: 5 năm chỉ thực hiện được 1 loại dự án bảo tồn - Anh 1

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu tại diễn đàn Ảnh: KIM ANH

 Văn hóa chưa được đặt ngang tầm với vị trí kinh tế - xã hội

Tại Diễn đàn, các nhà khoa học, quản lý văn hóa đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại trong xây dựng môi trường văn hóa. Từ đó, đưa ra nhiều đề xuất, giải pháp, góp phần vào công cuộc bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc.

Xây dựng môi trường văn hóa được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành VHTTDL. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), công tác xây dựng môi trường văn hóa cần căn cứ vào đặc điểm riêng của từng địa phương. Đặc thù của từng nơi đòi hỏi phải có chính sách, nguồn lực phù hợp. Tuy nhiên theo PGS.TS Trần Hữu Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, kinh phí đầu tư cho xây dựng môi trường văn hóa ở những vùng núi, DTTS chưa thật sự đúng mức. Nếu có, việc phân bổ cũng chưa hợp lý.

“Ngân sách nhà nước cấp cho ngành Văn hóa, Thể thao có hai loại là đầu tư xây dựng cơ bản và ngân sách chi thường xuyên. Ở vùng đồng bào DTTS, ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản không nhiều như các ngành khác. Chủ yếu là đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, sân luyện tập thể thao. Cũng vì ngân sách eo hẹp, tôi được biết có tỉnh trong nhiệm kỳ 5 năm chỉ làm được duy nhất 1 loại dự án về bảo tồn các làng bản tiêu biểu”, PGS.TS Trần Hữu Sơn nêu.

PGS.TS Trần Hữu Sơn cho biết thêm, ở các tỉnh miền núi, vùng DTTS, thị trường dịch vụ văn hóa chưa được hình thành do đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Các hoạt động như biểu diễn văn nghệ, chiếu phim, tổ chức thi đấu thể thao... đều là hoạt động phục vụ miễn phí. Những hoạt động này gần như “sống” bằng nguồn chi thường xuyên. Có nơi, đây là nguồn kinh phí duy nhất. Nếu không có nguồn kinh phí này, các địa phương rất khó hoặc không thể xây dựng được thiết chế, sản phẩm hay môi trường văn hóa cho bà con.

Xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số: 5 năm chỉ thực hiện được 1 loại dự án bảo tồn - Anh 2

 Ngành VHTTDL đang đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, đặc biệt tại vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa… Ảnh: Kim Thư

Đồng quan điểm, ông Trần Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL cho hay, nhận thức về vị trí, vai trò của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng DTTS nhiều nơi còn chưa đúng, đầy đủ. Văn hóa chưa được đặt ngang tầm với vị trí kinh tế - xã hội dẫn đến công tác chỉ đạo, điều hành còn tản mạn, thiếu thống nhất. Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển văn hóa vùng đồng bào còn thấp. Việc huy động các nguồn vốn khác đầu tư cho văn hoá rất hạn chế. Chính vì vậy, chưa tạo được sức mạnh tổng hợp để triển khai những nhiệm vụ trọng tâm cũng như đột phá trong công tác xây dựng môi trường văn hóa vùng DTTS.

Nêu ví dụ thực tế từ địa phương, TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, kinh phí hoạt động cho sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao tại Lâm Đồng hiện chưa tương xứng với nhu cầu hoạt động. Cụ thể hơn, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao chưa được quan tâm đúng mức, nhất là đối với cấp cơ sở. Trong khi đó, đội ngũ này phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc. Chế độ không tương xứng khiến nguồn nhân lực thường xuyên biến động. Điều này cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến xây dựng, phát triển môi trường văn hóa.

Đầu tư phải xứng với nhu cầu

Trước thực trạng nêu trên, bàTráng ThịXuân, PhóChủtịch UBND tỉnh Sơn La khẳng định, các cấp cần có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa trong cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống thiết chế văn hóa. Các địa phương vì thế có thêm nguồn lực nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy hiệu quả công năng sử dụng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở cơ sở.

Đứng ở góc độ quản lý nhà nước, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Trần Mạnh Hùng cho rằng, cần sớm có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư từ nguồn xã hội hóa đối với hoạt động VHTTDL khu vực miền núi, DTTS: “Đến nay, chúng ta vẫn chưa có luật riêng về công tác dân tộc nói chung và công tác văn hóa dân tộc nói riêng. Nếu có, luật sẽ giúp cụ thể hóa các quan điểm của Đảng, làm căn cứ pháp lý điều chỉnh các quan hệ dân tộc, luật hóa chính sách, đầu tư cho vùng dân tộc”.

Xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số: 5 năm chỉ thực hiện được 1 loại dự án bảo tồn - Anh 3

Cần chú trọng xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao vùng, miền. Trong ảnh: Nhà rông văn hóa của dân tộc Jrai ở làng Plei Ốp, TP Pleiku, Gia Lai Ảnh: VINH QUỐC

Trong lúc chờ bổ sung nguồn lực, PGS. TS Trần Hữu Sơn và bà Vi Thanh Hoài, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL đều nhận định, các địa phương cần chủ động đổi mới cách xây dựng môi trường văn hóa. Trong đó, đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trên mạng xã hội. Đây là giải pháp ít tốn kém nhờ công cụ sẵn có nhưng lại có sức lan tỏa mạnh. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên mạng xã hội còn giúp thúc đẩy các thông tin tích cực, đẩy lùi thông tin tiêu cực, tin giả.

Thực tế, mạng xã hội tại Việt Nam hiện nay đã xuất hiện nhiều trang, nhóm tuyên truyền, quảng bá về phong tục tập quán, lễ hội, di sản các dân tộc... Nhờ có mạng xã hội, một số tộc người đã tham gia hoặc gắn kết, đứng ra tổ chức các sự kiện văn hóa có quy mô quốc gia, quốc tế. Chẳng hạn, sự kiện “Giao lưu văn hóa Thái Việt Nam lần thứ nhất” được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2017 đã quy tụ được đông đảo cộng đồng người Thái ở Việt Nam và các đoàn người Thái đến từ Thái Lan, Lào…

Tuy nhiên vì độ “mở” trên mạng xã hội, PGS.TS Trần Hữu Sơn bày tỏ, ngành Văn hóa và thông tin vừa phải có giải pháp phát huy tính tích cực của nền tảng, vừa phải siết chặt quản lý. Nếu “thả nổi”, các đối tượng xấu sẽ ngang nhiên lộng hành, đưa thông tin sai lệch làm ảnh hưởng đến công cuộc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tác động tiêu cực vào xây dựng môi trường văn hóa. 

 Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt nhận định, trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, trào lưu đô thị hóa nông thôn cùng với quá trình hội nhập, giao thoa giữa các nền văn hóa đã tác động, khiến giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc có biểu hiện bị mai một. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ít người chưa được bảo tồn và phát huy đúng mức. Một bộ phận lớp trẻ có biểu hiện xa rời bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đây là những nguyên nhân cơ bản gây mất ổn định, ảnh hưởng đến môi trường văn hóa và sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Thứ trưởng nêu rõ, vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong xây dựng môi trường văn hóa hiện đã và đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Mục tiêu là tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần xây dựng nhân cách, đạo đức con người Việt Nam hướng tới chân - thiện - mỹ. Để làm được điều này, Bộ VHTTDL đã xác định chủ đề công tác năm 2022 của ngành là “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức, cán bộ”. Đi đôi với xây dựng tổ chức bộ máy, cải cách hành chính theo hướng hiệu lực, hiệu quả, nhiệm vụ chuyên môn của toàn ngành là tập trung xây dựng môi trường văn hóa cơ sở. Đây là môi trường mà cuộc sống mỗi con người hằng ngày, hằng giờ được hòa mình trong đó; giúp con người hình thành nhân cách, đạo đức, ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội...

 ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc